10 sự kiện ấn tượng nhất tennis nam 2012 (P2)
Federer và Nadal vẫn là hai vị “Vua Masters 1000” trong làng banh nỉ.
6. Roger và Rafa giành danh hiệu Masters 1000 thứ 21
Những trận so tài kinh điển giữa Roger Federer và Rafael Nadal không chỉ diễn ra khi đối đầu trực tiếp mà còn ở cuộc cạnh tranh số danh hiệu Masters 1000. Dù Rafa bỏ lỡ nửa mùa giải vì chấn thương nhưng cũng kịp sưu tầm 21 chức vô địch Masters 1000, trước khi tới lượt Roger.
Tay vợt người Tây Ban Nha vẫn như mọi năm, vẫn là “Vua đất nện” trên mặt sân sở trường khi lần thứ 8 liên tiếp vô địch Monte-Carlo Masters và Rome Masters, đặc biệt khi đều đánh bại Novak Djokovic trong trận đấu cuối cùng, chấm dứt chuỗi 7 trận chung kết thất bại liên tiếp kéo dài từ năm 2011. Nadal đã phấn khích sau chức vô địch tại Rome như thể đó là một Grand Slam: “Tôi hạnh phúc với chiến thắng ở Rome mà không thua một set nào trước những tay vợt hàng đầu như Tomas Berdych, David Ferrer và Novak Djokovic. Tôi sẽ để chiếc cúp này trong phòng ngủ. Nó như một giấc mơ. Tôi tự tin mình đã chơi tốt và điều đó đã tới khi tôi thi đấu ở mức độ cao nhất. Hy vọng mọi thứ sẽ tiếp tục.”
Nadal tiếp tục sưu tập danh hiệu Masters 1000
Nếu Nadal có thêm 2 danh hiệu ở Monte-Carlo và Rome để nâng tổng số danh hiệu Masters 1000 lên con số 21, nhiều nhất trong kỷ nguyên Mở (thực tế vẫn kém huyền thoại Ivan Lendl 1 danh hiệu nếu tính cả lịch sử Masters Series cho tới Masters 1000), thì Federer còn chinh phục được thêm 3 Masters 1000 ở Indian Wells, Madrid và Cincinnati. Đánh bại John Isner (7–6(9–7), 6–3), Federer là tay vợt đầu tiên có 4 chức vô địch ở Indian Wells, vượt qua Djokovic 6–0, 7–6(9–7) giúp tay vợt người Thụy Sỹ cũng lập kỷ lục 5 lần vô địch Cincinnati. Nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là ở mặt sân đất nện màu xanh ở Madrid, khi nhiều tay vợt như Nadal hay Djokovic phàn nàn về chất lượng mặt sân mới, thì Federer lại điềm tĩnh trở thành nhà vô địch như cách chứng tỏ sự toàn diện trên mọi loại mặt sân của mình.
5. Nadal phá vỡ kỷ lục vô địch Roland Garros của Bjorn Borg
Năm 1981 khi Bjorn Borg giành chức vô địch Roland Garros thứ 6 trong sự nghiệp, không nhiều người nghĩ tới viễn cảnh chỉ 30 năm sau đã có người kế vị huyền thoại người Thụy Điển, thậm chí còn vĩ đại hơn về số danh hiệu. Vì sao Rafael Nadal được gọi là “Vua đất nện”? Có thể vì số chức vô địch trên mặt sân bụi đỏ, có thể vì chuỗi trận bất bại hay tỷ lệ chiến thắng tại đây, nhưng cũng có thể vì mọi chuyên gia đất nện sừng sỏ nhất đều gục ngã khi gặp Rafa.
Từ vòng 1 cho tới trận chung kết Roland Garros 2012, Nadal thi đấu như thể một quét sạch mọi đối thủ cản đường tới chức vô địch sẽ xô đổ kỷ lục 6 chức vô địch mà chính Rafa đang nắm giữ cùng Bjorn Borg. Trong 6 trận đấu, đối mặt với những tay vợt chơi cực hay trên sân đất nện như Juan Monaco, Nicolas Almagro và David Ferrer nhưng Nadal đều thắng cách biệt mà không để thua một set nào. Và cái cách để tạo nên lịch sử cũng “rất Nadal”: Đánh bại tay vợt số 1 thế giới và là kỳ phùng địch thủ lớn nhất khi đó, Novak Djokovic, trong trận chung kết.
"Vua đất nện" lần thứ 7 chinh phục Roland Garros
Một trận đấu phải kéo dài trong hai ngày vì những cơn mưa ở Paris cũng chỉ đủ giúp Djokovic trở thành tay vợt duy nhất ở Roland Garros 2012 có một set thắng trước Nadal, còn lại “Vua đất nện” vẫn là vị vua tuyệt đối ở mặt sân đất nện nước Pháp. Trong trận chung kết Grand Slam thứ 4 liên tiếp gặp Nole, cuối cùng Nadal cũng giành chiến thắng 6–4, 6–3, 2–6, 7–5 để có Roland Garros lần thứ 7 trong sự nghiệp. Điều quan trọng với Rafa dường như không phải là vượt qua Bjorn Borg, mà là “chiến thắng ở Roland Garros, ngay cả khi đó là lần đầu tiên, thứ hai hay thứ 7”. Đó là cách mà Nadal vẫn tiếp tục thống trị Roland Garros.
4. Novak Djokovic đoạt lại ngôi số 1 thế giới
Sau mùa giải 2011 “không thể tin nổi” với 3 Grand Slam và 5 Masters 1000 trong tổng cộng 10 danh hiệu, thật khó tưởng tượng nếu Djokovic có thể lặp lại điều đó ngay trong năm 2012. Thực tế, Nole đã không mang về nhà số chức vô địch như năm ngoái nhưng cũng không thể phủ nhận 2012 vẫn là mùa giải thành công của tay vợt người Serbia. Khi những đối thủ khác đã tiến bộ vượt bậc, như cách Nadal “độ” lại cây vợt Babolat để theo đuổi lối chơi tấn công hay Murray vững vàng về tâm lý trong những trận đánh lớn, Djokovic vẫn khởi đầu mùa giải với những trận đấu “bom tấn” tại Australian Open, khi lần lượt đánh bại Murray ở bán kết (6-3, 3-6, 6-7 (4-7), 6-1, 7-5) và Nadal ở chung kết (5-7, 6-4, 6-2, 6-7(5-7), 7-5) trong hai ngày liên tiếp. Người ta gọi Djokovic ở Australian Open là “siêu nhân” có lẽ cũng không quá, khi sau trận đấu với Murray trong vòng 4 giờ 50 phút, Nole vẫn có thể cùng Nadal tạo nên trận chung kết Grand Slam dài nhất trong lịch sử kéo dài 5 giờ 53 phút. Một trận đấu hội tụ đủ mọi cung bậc cảm xúc và mọi giới hạn của Nole và Rafa, khi cả hai còn không đứng vững khi trận đấu kết thúc.
Djokovic sau đó chỉ bảo vệ được chức vô địch ở Miami Masters và lần đầu tiên có mặt trong trận chung kết Roland Garros, chứ không thể quay lại một năm 2011 vang dội. Có lúc Nole còn tỏ ra tâm lý, khi không có khắc chế được Nadal trên mặt sân đất nện. Cho đến Wimbledon, khi Djokovic thất bại trước Federer (3-6, 6-3, 4-6, 3-6) và mất vị trí số 1 vào tay FedEx, tưởng như tất cả đã kết thúc với Nole kể từ thời điểm ấy. Nhưng với Djokovic, không gì là không thể, cũng giống như cách Nole luôn cứu những điểm số quyết định như match-point để thắng ngược đối thủ.
Djokovic kịp đòi lại vị trí số 1 từ tay Ferderer trước khi kết thúc năm 2012
Không hề nao núng sau khi không bảo vệ được danh hiệu Wimbledon, Djokovic đi tới 5 trận chung kết liên tiếp ở các giải đấu, bảo vệ Rogers Cup ở Toronto (thắng Richard Gasquet 6-3, 6-2), á quân Cincinnati (thua Federer 0-6, (7-9)6-7) và US Open (thua Murray 6–7(10–12), 5–7, 6–2, 6–3, 2–6), vô địch ở Bắc Kinh (thắng Jo-Wilfried Tsonga 7–6(7–4), 6–2) trước khi cứu tới 5 match-point để thắng Murray ở Thượng Hải Masters (5–7, 7–6(13–11), 6–3).
Cú nước rút thần tốc sau Wimbledon giúp Djokovic đoạt lại ngôi số 1 tại Paris Masters, khi Federer quyết định không tham dự để tích lũy thể lực trước khi tới ATP World Tour Finals. Ở tại London, vẫn là một Djokovic với sức mạnh mãnh liệt của tay vợt số 1 thế giới với chuỗi trận toàn thắng từ vòng bảng và kết thúc bằng chiến thắng ấn tượng 7–6(8–6), 7–5 để đăng quang giải đấu dành cho 8 tay vợt xuất sắc nhất năm.
“Đó là khoảng thời gian rất dài, nhưng là hai năm thành công. Tôi không biết sẽ làm thế nào sau năm 2011 không tưởng nhưng tôi tin tôi đã chơi thứ tennis hay nhất trong sự nghiệp để giành Grand Slam và những giải đấu lớn."
Đón đọc Top 10 sự kiện ấn tượng nhất tennis nam 2012 (P3) vào 6h thứ 7 15/12.