Vô tình không để ý, hàng loạt khách hàng tự động chuyển tiền cho kẻ lừa đảo

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Lúc chuyển khoản xong, nhiều người mới nhận ra mình bị lừa thì đã không thể lấy lại tiền.

Cách đây khoảng một tuần, chị Hoàng Hạnh (trú tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) vừa bực vừa buồn khi chia sẻ câu chuyện của mình. Chị tự nhận mình là người khá cẩn thận mỗi lần chuyển khoản cho ai đó, chị đều kiểm tra rất kỹ các thông tin mới chuyển để tránh nhầm lẫn. “Vây mà hôm đó không hiểu thế nào, tôi lại không để ý kỹ lắm mà cứ thế chuyển tiền”, chị bức xúc kể lại.

Vì thích ăn hoa quả, chị Hạnh thường xuyên mua của một cửa hàng bán hoa quả có tiếng ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Cũng như mọi lần, chị thấy chủ cửa hàng đăng bán nhiều loại hoa quả với giá cả vừa phải, chị quyết định mua. Vì muốn bớt tiền vận chuyển, chị đã rủ thêm bạn ở công ty mua cùng mình.

“Tôi còn nhớ như in là tôi đặt mua quả bòn bon, quýt và một số loại quả khác vào hôm đó. Vì trên bài đăng bán ghi rõ muốn mua giá ưu đãi thì đặt mua ở dưới phần bình luận nên tôi đã làm theo. Vừa bình luận khoảng hơn chục phút, một tài khoản có tên và hình ảnh giống y hệt như chủ shop bán hoa quả đó nhắn tin chốt đơn và yêu cầu tôi chuyển khoản để nhận ưu đãi”, chị nói.

Chị Trần Nhã Uyên - chủ cửa hàng hoa quả liên tục đăng cảnh báo khách hàng không chuyển khoản trước khi mua hàng online. Ảnh chụp màn hình.

Chị Trần Nhã Uyên - chủ cửa hàng hoa quả liên tục đăng cảnh báo khách hàng không chuyển khoản trước khi mua hàng online. Ảnh chụp màn hình.

Điều đáng chú ý là tên tài khoản thụ hưởng cũng tên Uyên nhưng khác họ. Chị cho biết chủ shop tên Trần Nhã Uyên còn tài khoản nhận tiền lại tên Nguyen Phuong Uyen. “Do không để ý nhiều, tôi chuyển cho họ gần 500.000 đồng tiền đặt mua hoa quả”, chị chia sẻ.

Chuyển tiền xong buổi sáng, chị vẫn ung dung đợi để nhận hàng nhưng gần tối vẫn không thấy đâu. Chị mới định vào nhắn tin hỏi thì mới biết mình bị lừa vì người dùng đó đã chặn tài khoản của chị và xoá hết mọi tin nhắn.

“Lúc này, tôi vào trang cá nhân của chị chủ shop mới thấy bài đăng cảnh báo, bên dưới phần bình luận, tôi thấy có quá nhiều người cũng bị lừa tương tự như vậy. Vì số tiền chỉ vài trăm nghìn, tôi cũng không báo công an hay làm gì, chỉ tự rút kinh nghiệm cho bản thân để tránh bị lừa như vậy”, chị cho hay.

Liên hệ với chủ cửa hàng bán hoa quả, chị Trần Nhã Uyên cũng cho biết hàng chục khách hàng nhắn tin cho chị nói về việc chuyển khoản nhầm cho kẻ lừa đảo trong suốt vài tháng. Dù chị có đăng cảnh báo rất nhiều lần, nhiều khách hàng vẫn sơ suất không để ý dẫn đến bị lừa

Theo chị, kẻ lừa đảo hay nhằm vào các đơn hàng có giá trị từ vài trăm đến cả triệu đồng. Do lượng khách đặt nhiều, chị không thể trả lời tin nhắn hay có thể trao đổi với khách ngay, đó cũng là kẽ hở khiến kẻ gian lợi dụng.

“Thực sự tôi cũng đang cố gắng thực tế nhất trong mỗi bài của mình, đó là cảnh báo cho khách không chuyển khoản trước, vì tôi không nhận chuyển khoản trước. Hiện tại, tôi đã ghim bài cảnh báo lừa đảo trên trang cá nhân bán hàng của mình. Và tôi đang cố gắng thu thập thông tin để trình báo công an, tìm ra kẻ lừa đảo”, chị nói.

Để phòng ngừa loại tội phạm nói trên, người dân cần chủ động, nâng cao cảnh giác đối với các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng; chia sẻ, cảnh báo với người thân, hàng xóm các phương thức thủ đoạn của tội phạm; trình báo Cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện hoặc nghi vấn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra.

Bên cạnh đó, mỗi người thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về hình thức lừa đảo mạo danh trên các phương tiện truyền thông để nắm bắt, tránh bị lừa.

Nguồn: [Link nguồn]

Bỏ 6 triệu đầu tư nuôi con đặc sản lười uống nước, 9X thu về hàng chục triệu/tháng

Nhận thấy nuôi con vật này đầu tư thấp mà lợi nhuận cao, chàng trai trẻ đã bỏ 6 triệu đồng ra mua giống về nuôi. Sau 6 năm, 9X đã có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thơm ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN