Vay tiền làm ăn, phải gán 3 công đất trả nợ vì giá vàng tăng phi mã

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Từ lâu, vàng vẫn luôn được coi là thước đo trong các câu chuyện đầu tư, kinh doanh của nhiều người dân. Đặc biệt, mỗi lần thị trường vàng biến động, giá vàng tăng vọt thì trên nhiều diễn đàn, chủ đề vay mượn, lời lãi,… từ vàng lại được đem ra bàn luận.

Mới đây, trên một diễn đàn tài chính cá nhân, tài khoản có tên Huy Hùng chia sẻ về câu chuyện gia đình phải gán đất trả nợ vì vay vàng, giá vàng tăng cao. Cụ thể, Huy Hùng chia sẻ: “Hơn hai mươi năm trước, bố mẹ tôi mượn người họ hàng (là cậu mợ của mẹ) 20 triệu đồng với danh nghĩa hùn hạp làm ăn, điều kiện thế chấp ba công đất ruộng (3.000 m2). Nhờ chăm chỉ và may mắn, việc buôn bán của gia đình tôi thuận lợi, tài sản tăng lên nhiều từ số tiền vốn 20 triệu đồng.

Giá vàng tăng cao, người vay tiền choáng váng vì chủ đất quy đổi theo giá vàng

Giá vàng tăng cao, người vay tiền choáng váng vì chủ đất quy đổi theo giá vàng

Chỉ sau vài năm, ba mẹ tôi vài lần ngỏ ý trả người họ hàng số tiền trên, nhưng vợ chồng ông cậu đều nói: "Người nhà mà, để đó làm vốn buôn bán đi, sau này trả sau".

Sau hơn mười năm, khi giá vàng từ hơn sáu triệu đồng một lượng (năm 2000) tăng vọt lên 36-37 triệu đồng một lượng (năm 2011), ông cậu mời mẹ tôi sang nhà rồi nói: "Hồi trước thay vì đưa vàng, cháu mất công đi bán nên cậu đưa sẵn tiền mặt, hai chục triệu thời đó là ba cây vàng, nay cậu cần, cháu tính sao thì tính".

Bố mẹ tôi đều bất ngờ vì cách tính trên của ông cậu, vì rõ ràng cho mượn tiền, khi trả không nhận. Khi giá vàng lên lại muốn quy ra vàng.

Dù trước đó, trong thâm tâm do ăn nên làm ra nên gia đình tôi đã bàn tính sẵn là sẽ trả thêm tiền cho cậu, coi như tiền lãi ngân hàng và tiền "cổ tức" hùn hạp làm ăn, bên cạnh 20 triệu đồng tiền gốc. Tuy nhiên, với cách quy đổi của ông cậu thì quả thực ba mẹ tôi không ngờ tới.

Nếu làm rạch ròi trắng đen thì mất tình cảm gia đình, lại mang tiếng vô ơn với người đưa vốn cho làm ăn. Mà tính theo cách của ông cậu thì gia đình tôi quá thiệt thòi. Thế nhưng, để “dĩ hòa vi quý” họ đã chọn phương án thứ hai đó là chấp nhận gán luôn 3 công đất ruộng thế chấp trước đó cho ông cậu.

Mấy ngày gần đây, giá vàng một lần nữa lại tăng chóng mặt. Nhân dịp này, tôi chia sẻ câu chuyện của bố mẹ tôi coi như một bài học kinh nghiệm. Ai cũng có lúc khó khăn, nếu vay mượn dù ở hình thức nào cũng cần rõ ràng trước sau để tránh mâu thuẫn không đáng có”.

Câu chuyện sau khi chia sẻ đã nhận được nhiều ý kiến bình luận trái chiều khác nhau:

Tài khoản Minh Anh cho rằng: “Tính như ông cậu là đúng rồi, khi gia đình khó khăn có người cho mượn tiền để làm ăn không tính lãi là may mắn rồi. Nếu nói lỗi là ở gia đình bạn, đó là khi mượn không thỏa thuận rõ ràng. Khi có tiền không kiên quyết trả hết nợ hoặc có thể mua vàng để đó, khi cậu đòi thì trả lại, có phải bố mẹ bạn sẽ không mất 3 công đất."

Vay mượn vàng và tiền luôn là chủ đề được nhiều người bàn luận, đặc biệt khi giá vàng biến động

Vay mượn vàng và tiền luôn là chủ đề được nhiều người bàn luận, đặc biệt khi giá vàng biến động

Tương tự, tài khoản Phạm Bình cũng phân tích: “Tổng 3 cây vàng khoảng hơn trăm triệu khi nhà bạn trả cho ông cậu (Giá vàng 36 triệu đồng/lượng, năm 2014/2015). Nếu quy chiếu 20 triệu đó (cách nay hơn 20 năm)  mà cậu của bạn dùng mua mảnh đất ở thành phố thì năm 2014/2015 bán cũng không phải là 3 cây vàng mà hẳn là 30 cây vàng. Cho nên, câu chuyện cho vay mượn luôn là đề tài khiến nhiều người tranh luận”.

Thẳng thắn hơn, tài khoản Công Hoàn nói: “Người ta cho vay vốn làm ăn đã không tính lãi thì chí ít cũng phải được đảm bảo bằng hiện vật cho người ta chứ! Sao lúc ấy không bán đất mà lấy vốn làm ăn?”.

Một số ý kiến cũng để lại bình luận: “Gia đình bạn vay hơn hai chục năm, thời gian đó lạm phát mất giá nhiều bạn không tính. Người ta quy ra như vậy cũng đúng rồi bạn ơi. Có điều chỗ người thân so đo tính toán thì mất lòng nhau thôi. Còn tính theo giá trị thực tế thì hề sai đâu nhé”.

Thực tế, thói quen quy tiền, đất, nhà, xe, tài sản,… ra vàng của nhiều người Việt đã có từ lâu. Có một thời, mọi thứ đều được "vàng hóa", tức là cái gì cũng quy ra vàng. Thay vì nói "chiếc xe này mua mấy chục triệu, đất mấy chục triệu một mét ngang..." thì nhiều người sẽ nói "chiếc xe mua với giá 3 cây vàng, đất 4 cây vàng một mét ngang...". Điều đó phản ánh niềm tin vào giá trị ổn định và chỉ có tăng lên của kim loại quý này.

Bằng các biện pháp quản lý thị trường vàng, người dân đã "loại" được thói quen này. Bây giờ, người ta nói mua nhà, mua căn hộ vài tỷ đồng chứ không còn quy ra vàng nữa. Tuy nhiên, khi mỗi lần giá vàng nhảy múa thì thói quen này lại được nhiều người đem ra bàn bạc.

Nhà đầu tư thận trọng, phân khúc BĐS nào sẽ hút dòng tiền trong năm 2024?

Thị trường BĐS đã trải qua một thời gian dài trầm lắng, nhưng theo các chuyên gia, kênh đầu tư này đã vượt qua giai đoạn “vùng đáy” khó khăn nhất. Năm 2024, thị trường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN