Vay 10 triệu đồng từ công ty tài chính, nhiều người mất xe, bị đe dọa "xử" cả nhà

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Có cầu thì có cung, tuy nhiên những người vay tiền ít ai có thể hình dung một ngày không xa bản thân trở thành một trong những con nợ khốn khổ, thậm chí không lối thoát bởi “bóng ma” cho vay nặng lãi.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân, dịch vụ cho vay nặng lãi vẫn liên tục hoành hành, sử dụng công nghệ với nhiều chiêu trò tinh vi nổi lên như một thách thức lớn cho cơ quan chức năng cũng như toàn xã hội.

Vì rất nhiều lý do khác nhau như bệnh tật, thất nghiệp, đôi khi chỉ vì nhẹ dạ... nhiều người trót vay qua các dịch vụ tín dụng đen nhưng sau đó hầu như đều “sốc” vì nhận thông báo mức lãi trên trời. Nếu không có khả năng trả đúng hạn, thì họ lập tức trở thành đối tượng bị hành đến khốn khổ.

Nhiều người khốn khổ vì trót vay tiền từ các dịch vụ cho vay nặng lãi

Nhiều người khốn khổ vì trót vay tiền từ các dịch vụ cho vay nặng lãi

Là một trong những nạn nhân từng vay nặng lãi, chị V.T.X (công nhân ở Q.Bình Tân, TP.HCM; quê Đồng Nai) chia sẻ, chị gồng số nợ tới 60 triệu đồng.

Theo chị X., chị phải nuôi 2 đứa con đang tuổi học nên lúc đời sống khó khăn quá, chị hỏi vay từ công ty tài chính C. 20 triệu đồng, đóng lãi hơn 800.000 đồng/tháng (lãi 4%/tháng). Đóng được 7 tháng tiền lãi thì công ty nơi chị X. làm việc tạm ngừng sản xuất, chị mất việc, không kham nổi số nợ.

Lúc này, công ty C. dọa nạt chị X. nên chị sợ, xoay sở đủ kiểu để đóng tiền. Nhưng ai ngờ, sau 3 tháng, phía công ty C. bất ngờ tăng tiền lãi mỗi tháng lên 900.000 đồng, 1 triệu đồng, 1,2 triệu đồng... Tiền lãi tăng cao, mất khả năng trả nợ, đến nay chị X. liên tục bị bên cho vay “khủng bố” bằng việc đe dọa qua điện thoại. Gia đình chị ở quê cũng bị gọi điện thoại xúc phạm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

“Do tiền lãi tăng cao, lại bị mất việc. Cũng trong thời gian này tôi bị mất điện thoại nên trong một thời gian tôi không có khả năng trả. Bên cho vay không điện được, nên họ gọi về quê cho bố mẹ, anh trai tôi. Họ còn dọa sẽ chặt đầu cả nhà anh trai. Suốt nhiều tháng ròng, tôi không dám về quê vì sợ liên lụy gia đình” - Giọng chị X. run sợ khi kể lại.

Điển hình, mới đây trên một diễn đàn, anh Tùng Nguyễn chia sẻ: “Năm 2022 tôi có vay của Công ty F... số tiền 10 triệu đồng, trả góp 6 tháng được 8.820.000 đồng. Do bị mất việc làm không có thu nhập, tôi ngưng đóng tiền thì bị người của công ty giữ chiếc xe máy, yêu cầu thanh toán 10.800.000 đồng thì trả xe. Tôi thực sự hoảng hốt và bất lực với cách hành xử trên. Tôi chia sẻ, chỉ mong nhiều người nên cân nhắc trước khi vay qua các công ty tài chính tương tự”...

Vì nhiều lý do, người vay không thể đáp ứng khả năng chi trả, lập tức bị bên cho vay khủng bố, thậm chí bị dọa sẽ chặt đầu cả nhà...

Vì nhiều lý do, người vay không thể đáp ứng khả năng chi trả, lập tức bị bên cho vay khủng bố, thậm chí bị dọa sẽ chặt đầu cả nhà...

Thực sự, đòi nợ kiểu xã hội đen từ lâu đã và đang lộng hành khắp nơi. Từng là nạn nhân của hoạt động đòi nợ này, anh Huy – Giám đốc một công ty công nghệ tại Hà Nội cho hay: “Bản thân anh là Giám đốc doanh nghiệp, không hề vay nợ từ các dịch vụ trên, nhưng bất ngờ trở thành nạn nhân của kiểu đòi nợ này. Chuyện là một cậu nhân viên mới vào của công ty sau khi đăng ký vay đã nghỉ việc. Thế nhưng người của họ vẫn tới đe dọa, khủng bố tinh thần cả Giám đốc, Kế toán, Trưởng phòng nhân sự... Đến mức, người của công ty đã van xin, nói ra là không còn liên quan rồi nhưng chúng vẫn không buông tha."

“Đây là hình thức lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tình cảnh cùng đường của một số người trong xã hội để cho vay với lãi suất rất cao. Họ tìm đủ mọi cách để moi thêm tiền của những người đã ở vào cảnh khốn cùng. Thêm nữa, họ lại còn sử dụng thủ đoạn khủng bố, bôi xấu danh dự tới cả những người không liên quan. Tôi thực sự rất mong chính quyền mạnh tay dẹp ngay các tổ chức tín dụng đen núp bóng kiểu này" – anh Huy bày tỏ.

Chia sẻ trên các trang diễn đàn trong thời gian gần đây, phần lớn người dân đều bày tỏ bức xúc và mong muốn sớm có chế tài đủ nghiêm để dẹp “nạn cho vay nặng lãi” vẫn đang hoành hành.

Tài khoản Phương Linh góp ý: “Những công ty cho vay tài chính họ dùng mọi thủ đoạn tinh vi để tăng lãi suất, đánh vào lúc khó khăn và tâm lý khi đi vay của người lao động và sinh viên, học sinh đang cần tiền. Người vay hầu như không lường trước được các bước tăng phí trong quá trình vay, đến lúc cộng dồn lãi suất họ mới ngã ngửa. Khi đó, có khi họ phải chấp nhận mức lãi cao chẳng khác gì tín dụng đen. Nhiều người đã phải bỏ cả vật cầm cố để trừ nợ, số khác sẽ bị công ty siết nợ theo kiểu xã hội đen và làm ảnh hưởng đến cả gia đình, bạn bè, người thân của họ. Do vậy, các cơ quan chức năng cần làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm của loại hình công ty này".

Tương tự, tài khoản Lê Dung bày tỏ: "Nhà nước tạo ra luật để quản lý và xử lý các hành vi vi phạm. Mọi người đều có quyền kinh doanh cầm cố, cho vay, miễn là đảm bảo đúng với lãi suất quy định, cách thu hồi nợ đúng pháp luật. Nếu lấy lý do là vì rủi ro, có vay có trả, không trả là tự ý đòi nợ bất chấp, không theo luật, thì tín dụng đen sẽ lộng hành. Những tổ chức cho vay, cầm cố nặng lãi... sai với quy định của pháp luật cần phải bị xử lý càng sớm càng tốt. Nếu người vay không chịu trả thì đã có tòa án, cơ quan thi hành án bảo vệ quyền lợi người cho vay, không riêng ai được tự cho mình sống và làm việc ngoài vòng pháp luật được"...

Nguồn: [Link nguồn]

Doanh nghiệp bất động sản co cụm, nhân viên chán nản vì nhiều tháng bị nợ lương

Thị trường trầm lắng, nhiều môi giới bất động sản cố “gồng” chi tiền túi trả cho quảng cáo và các chi phí hàng ngày để “đi làm như mọi ngày”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN