Vàng tăng phi mã, có hay không sự bắt tay, thao túng giá vàng?
Các ĐBQH chất vấn việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia như SJC có phải là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng này tăng cao hay không?
Các ĐBQH chất vấn về tình trạng chênh lệch cao chót vót giữa giá vàng trong nước và thế giới và đặt câu hỏi tới Thống đốc Ngân hàng, có hay không tình trạng thao túng giá vàng miếng SJC?
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội)
Cụ thể, chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) nêu vấn đề kinh doanh vàng miếng trong nước có nhiều điểm bất ổn, bất hợp lý. Có sự chênh lệch quá cao giữa giá vàng ở Việt Nam và trên thế giới, giữa SJC với các thương hiệu khác, gây tâm lý bất an.
ĐB Thủy dẫn chứng, thời điểm đầu năm 2022, khi mức chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, có lúc biên độ lên trên 20 triệu đồng/lượng.
"Chênh lệch quá khác biệt giữa vàng miếng SJC với giá vàng trang sức SJC cùng hàm lượng hay giá vàng miếng SJC với giá vàng miếng các thương hiệu khác. Điều này gây tâm lý hoang mang, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị đồng tiền Việt Nam, gia tăng lạm phát", bà Thủy nói.
Đại biểu Thủy đồng thời "truy" trách nhiệm của NHNN với vấn đề này: "Vậy trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước để giải quyết như thế nào? NHNN tiến hành tranh tra, kiểm tra yếu tố hình thành giá khi giá vàng miếng biến động hay chưa? liệu có sự bắt tay thao túng giá vàng miếng SJC?"… - đại biểu Phương Thủy chất vấn.
Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường vàng quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường vì chịu tác động nhiều yếu tố như tỷ giá USD, căng thẳng Nga-Ukraine và hàng loạt yếu tố khác.
"Cái khó lường là có thời điểm giá vàng tăng lên đến 2000 USD/ounce, có lúc xuống 1.700 USD. Trong nước, giá vàng có cùng xu hướng với giá vàng thế giới, nhưng tốc độ điều chỉnh tăng nhanh hơn, xuống lại chậm hơn", bà Hồng nói.
Về giá vàng SJC, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời rằng, qua đánh giá nguyên nhân thì thấy giá vàng của các thương hiệu khác ngoài SJC, về cơ bản trong nước và thế giới chênh lệch khoảng 2 triệu đồng. Riêng SJC có mức chênh lớn từ 16-17 triệu/lượng. Nguyên nhân là chống vàng hoá trong nền kinh tế và thực hiện Nghị định 24, nên Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về sản xuất vàng miếng, nên nguồn cung trong nước giảm đi.
"Thứ 2, biến động giá vàng thế giới như vậy, bản thân doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng ngại rủi ro nên thường niêm yết gia cao. SJC được người dân ưa chuộng nên họ niêm yết giá cao. Giá vàng mua và bán của các tổ chức về cơ bản chênh 1-1,5 triệu/lượng, còn SJC thì mua cao bán cao, các thương hiệu khác mua thấp bán thấp", bà Hồng nhận định.
Theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước có chuẩn bị các phương án sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết, tuy nhiên, qua tổng hợp thời gian vừa qua, số liệu người dân mua vàng miếng không nhiều, có số liệu bán ròng - tức là khi giá vàng cao thì mang đi bán, nên chưa cần tổ chức nhập khẩu, can thiệp giá.
Tranh luận lại phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đánh giá cao việc điều hành thị trường vàng, tránh vàng hoá thời gian qua. Tuy nhiên, việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia như vậy có phải là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng này tăng cao hay không?
"Bởi cũng đúc như thế như vàng miếng thương hiệu khác giá thấp hơn nhiều SJC. Chúng tôi thấy chênh lệch như vậy là quá lớn nên đề nghị Thống đốc có giải pháp cụ thể hơn", đại biểu Trịnh Xuân An đặt vấn đề đằng sau vấn đề giá vàng có sự làm lợi cho tổ chức, doanh nghiệp nào hay không, do đó cần có sự quan tâm.
Nói thêm về câu hỏi liên quan chênh lệch giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới, giữa vàng miếng SJC với các loại vàng khác trong nước và thời điểm NHNN đề xuất sửa đổi Nghị định 24, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá vấn đề ĐBQH nêu là câu hỏi "vừa hay vừa khó".
Theo dự báo của công ty chứng khoán, mặc dù áp lực rung lắc sẽ còn tiếp diễn trong quá trình đi lên, chỉ số đang có nhiều cơ hội thử thách lại ngưỡng cản tâm lý quanh 1.300...
Nguồn: [Link nguồn]