Văn hóa làm việc hành xác 996 ở Trung Quốc bị "sờ gáy"
Trung Quốc đang dần "để ý" các công ty bắt nhân viên của họ làm việc và lao động quá sức.
Mặt tối của các công ty công nghệ tại Trung Quốc đang được đưa ra ánh sáng - đó là văn hóa làm việc 996. Văn hóa làm việc khét tiếng "996" có nghĩa là các nhân viên sẽ ở văn phòng từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và 6 ngày một tuần.
Văn hóa 996 đã trở thành luật bất thành văn đối với nhiều công ty tại đại lục. Bất chấp nhân viên than phiền, họ lo sợ thị trường lao động còn tồi tệ hơn do áp lực của Covid-19.
Văn hóa 996 có nguồn gốc từ những ngày đầu bùng nổ Internet tại Trung Quốc. Mùa xuân 2019, một người dùng Internet ẩn danh phát động cuộc biểu tình trực tuyến trên GitHub, nền tảng toàn cầu của Microsoft dành cho giới lập trình viên. Người dùng có biệt danh "996icu" khẳng định bất kỳ ai làm theo lịch trình 996 có nguy cơ phải đến phòng chăm sóc tích cực (ICU).
Theo Bloomberg, ngày 27/8, Tòa án Nhân dân Tối cao cùng bộ Tài nguyên Nhân sự & Bảo trợ Xã hội Trung Quốc cùng công bố tài liệu nói về tình trạng xâm hại quyền lợi của người lao động, đặc biệt là việc người lao động phải làm việc ngoài giờ quá nhiều.
"Gần đây, tình trạng làm thêm giờ quá mức trong một số ngành công nghiệp đã nhận được sự quan tâm rộng rãi", Tòa án Nhân dân Tối cao viết trong 1 tuyên bố gửi bộ Tài nguyên Nhân sự & Bảo trợ Xã hội Trung Quốc.
"Người lao động có quyền hưởng tiền làm ngoài giờ và ngày nghỉ/ngày lễ. Tuân theo chế độ quốc gia về thời gian làm việc là nghĩa vụ của doanh nghiệp sử dụng lao động. Làm việc ngoài giờ có thể dẫn tới xung đột lao động, ảnh hưởng đến mối quan hệ của chủ doanh nghiệp - người lao động và ổn định xã hội", Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc nhấn mạnh.
Cơ quan này đã nêu ra 10 trường hợp (bao gồm trong ngành công nghệ), trong đó các nhân viên bị buộc phải làm việc theo chế độ 996 trong thời gian dài. Có trường hợp một công ty công nghệ ép nhân viên ký thỏa thuận không nhận lương làm thêm giờ. Tòa án Tối cao Trung Quốc mô tả đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Trung Quốc nói văn hóa làm thêm giờ 996 của ngành công nghệ là bất hợp pháp. (Ảnh Qz.com)
Văn hóa làm việc 996 gặp phải phản ứng dữ dội của công chúng. Cách đây 2 năm, người đồng sáng lập Alibaba (BABA) Jack Ma đã bị chỉ trích nặng nề sau khi ông gọi văn hóa 996 là một "phước lành", "lời chúc phúc mà nhiều công ty, nhân viên không có cơ hội sở hữu" đồng thời cho rằng tinh thần làm việc này đã giúp các ông lớn công nghệ đạt tới quy mô và thành tựu như ngày nay.
Tình thế thay đổi khi chính phủ Trung Quốc mở chiến dịch siết chặt kiểm soát hoạt động của các tập đoàn Internet lớn nhất của quốc gia 1,4 tỷ dân. Đồng thời, lãnh đạo Trung Quốc lên tiếng yêu cầu ngành tư nhân chia sẻ của cải với xã hội.
"Không có gì sai khi ủng hộ việc làm việc chăm chỉ, nhưng nó không thể là sự bóc lột người lao động", tòa án viết hôm thứ Năm.
Về lý thuyết, luật lao động Trung Quốc cấm nhân viên làm quá 8 tiến/ngày và 44 giờ/tuần. Thời gian làm thêm không được vượt quá 36 tiếng/tháng. Khảo sát của nền tảng tuyển dụng trực tuyến Zhilian Zhaopin năm 2019 chỉ ra hơn 70% trong số 10.000 người tham gia trả lời nói họ không được trả lương khi làm thêm giờ.
Cuộc tranh luận về văn hóa làm việc 996 đã quay trở lại trong năm 2021 trong bối cảnh Bắc Kinh bắt tay "xử lý" các tập đoàn kinh tế tư nhân, đưa ra các quyết định, tiền phạt nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của các tập đoàn quyền lực.
Vào tháng 1, công ty thương mại điện tử Pinduoduo (PDD) phải đối mặt với phản ứng dữ dội trước những cáo buộc rằng họ đã ép nhân viên làm việc quá mức, sau khi 2 nhân viên của họ tử vong bất ngờ, trong đó có 1 người đàn ông tự sát.
Vào thời điểm đó, Pinduoduo đã không trả lời các câu hỏi về những cáo buộc chống lại văn hóa làm việc của mình.
Gần đây, những người trẻ tuổi ở Trung Quốc cũng bắt đầu từ chối văn hóa làm việc cường độ cao bằng cách lan tỏa triết lý "nằm thẳng" hay còn được gọi là "tang-ping" mang hàm ý buông bỏ, thả lỏng.
Triết lý này kêu gọi mọi người tránh xa áp lực xã hội, buông bỏ, không cần nỗ lực vô ích chỉ để làm việc, kết hôn, sinh con. Theo đó chấp nhận khuyết điểm của bản thân, cố gắng thay đổi, không đánh đồng địa vị và tiền bạc.
Nguồn: [Link nguồn]
Mì Hảo Hảo cùng với Số Đỏ, Đệ Nhất, miến Good... đã mang về doanh thu hơn 10.000 tỷ và lợi nhuận gần 1.700 tỷ đồng...