Vận đen kéo dài, bầu Đức “dính líu” tới đại án thao túng nghìn tỷ tại BIDV
Sau phiên tăng điểm kỷ lục ngày 25/3, VN-Index ngày hôm nay tiếp tục tăng nhẹ gần 4 điểm.
VN-Index đóng cửa tăng 3,96 điểm (0,57%) lên 694,21 điểm nhờ lực kéo của một vài Bluechips như BVH, VNM, VCB hay nhóm VinGroup. Ở chiều ngược lại, HNX-Index đóng cửa giảm 2,27% xuống 97,81 điểm và UPCom-Index giảm 1,06% xuống 49 điểm.
VN-Index đóng cửa tăng 3,96 điểm (0,57%) lên 694,21 điểm.
Giao dịch khối ngoại có phần tích cực khi áp lực bán ròng đã giảm đáng kể so với giai đoạn gần đây, chỉ còn khoảng 40 tỷ đồng.
Lực bán tập trung vào một số Bluechips như MSN (95,9 tỷ đồng), VHM (36,8 tỷ đồng), VRE (25,3 tỷ đồng), HPG (13,6 tỷ đồng). Trong khi đó, top 5 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng gồm VNM, VIC, VCB, SAB, BID đều đóng cửa tăng điểm.
Trong phiên giao dịch hôm nay, BVH, VIC, VRE, SAB, VHM, VNM là những cổ phiếu lớn đóng góp nhiều cho mức tăng của chỉ số chung. Nhờ sự tăng giá của những cổ phiếu vốn hóa lớn này mà VN-Index đạt mức tăng 4 điểm trong bối cảnh số mã giảm trên sàn HOSE lên đến 265 mã còn số mã tăng chỉ đạt 108 mã.
SBT tăng trần là một điểm đáng chú ý phiên hôm nay. Sau chuỗi ngày giảm sâu, SBT đã có một phiên bứt phá mạnh khi "phi" từ 11.600 đồng lên 12.700 đồng ngay trong phiên.
Phía giảm giá trong nhóm VN30 đáng chú ý có MWG giảm sát giá sàn về 68.000 đồng/cổ phiếu tương ứng mất 5.000 đồng/cổ phiếu so với giá tham chiếu.
HAG của Hoàng Anh Gia Lai hôm nay cũng có một phiên tiếp tục giảm. Chốt phiên HAG giảm 1,11% về mốc 2.680 điểm. Đây hiện là mốc giá thấp nhất trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu HAG. Giá trị cổ phiếu vốn dĩ đã thấp, nhưng từ khi dịch Covid-19 tác động tới thị trường đến nay, chỉ qua 1 quỹ HAG đã mất hơn 32% giá trị.
Bầu Đức vướng vào vụ án thất thoát nghìn tỷ đồng tại BIDV.
Có vẻ như vận rủi vẫn đang “đeo đẳng” lãnh đạo của Hoàng Anh Gia Lai – ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức) khi mới đây đại gia này lại vướng vào vụ án thất thoát nghìn tỷ đồng tại BIDV.
Được biết, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất Kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại BIDV, CTCP Chăn nuôi Bình Hà...
Theo kết luận điều tra, thời điểm tháng 3-2015, ông Trần Bắc Hà, lợi dụng chức vụ chủ tịch HĐQT BIDV, trực tiếp làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương dự án chăn nuôi bò tại tỉnh Hà Tĩnh, cấp đất và áp dụng chính sách ưu đãi cho liên danh giữa Công ty CP Tập đoàn An Phú (do Trần Duy Tùng - con ông Hà, thành lập) với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (do Bầu Đức, làm chủ là công ty đang có dự án chăn nuôi bò hiệu quả tại tỉnh Gia Lai), dưới sự bảo trợ vốn của BIDV.
Nhưng sau đó ngày 10/4/2015, ông Hà lại dùng 3 cá nhân không có năng lực tài chính và không có kinh nghiệm nuôi bò để thành lập công ty "sân sau" là Công ty Bình Hà, vốn điều lệ 200 tỉ đồng.
Công ty Bình Hà làm ăn thua lỗ, sử dụng vốn không đúng mục đích và để các cổ đông thông qua các nhà thầu chiếm đoạt, chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV và tiền bán bò. Tổng dư nợ đến tháng 11-2018 là 1.459 tỷ đồng, trong đó không có khả năng thu hồi hơn 890 tỷ đồng.
Được xác định là người liên quan, ông Đoàn Nguyên Đức khai cuối năm 2014, trên cơ sở đề nghị của ông Trần Bắc Hà, ông Đức có đón và chỉ đạo nhân viên dẫn đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh đi thăm trang trại chăn nuôi bò của tập đoàn tại Gia Lai. Đầu năm 2015, ông Hà gọi điện thoại mời ông Đức ra Hà Tĩnh dự một cuộc họp do UBND tỉnh này tổ chức kêu gọi tập đoàn đầu tư dự án chăn nuôi bò tại tỉnh dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Kim Cự thời điểm đó là Chủ tịch UBND tỉnh. Tại đây, BIDV cam kết tài trợ dự án, ông Đức chỉ tham gia với vai trò khách mời, không phát biểu và không cam kết gì.
Trước sự đề nghị của UBND Hà Tĩnh, ông Đức có tổ chức một cuộc họp để bàn và đánh giá tham gia đầu tư dự án trên. Tuy nhiên, sau khi khảo sát các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai... thấy không đủ điều kiện thì ông quyết định không tham gia đầu tư dự án.
Do Công ty Bình Hà không có giấy phép và không đủ tiêu chuẩn nhập bò theo tiêu chuẩn Escas nên Trần Duy Tùng (con trai ông Hà) có nhờ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hỗ trợ nhập khẩu bò trong giai đoạn đầu. Bầu Đức có chỉ đạo phó tổng giám đốc phụ trách tài chính thông qua hai công ty con của tập đoàn là Công ty cổ phần Bò sữa Tây Nguyên và Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai đứng ra nhập khẩu giúp trong giai đoạn đầu. Sau này Công ty Bình Hà nhập khẩu trực tiếp.
Đến khi một số lò mổ của Việt Nam vi phạm tiêu chuẩn Escas về giết mổ bò, trong đó có Công ty Bình Hà bị cấm nhập khẩu bò thì Công ty Bình Hà ký hợp đồng mua bò với hai công ty của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Cụ thể mua bán thế nào do hai công ty trực tiếp làm việc với nhau, ông Đức cho rằng ông không biết và không tham gia.
Nguồn: [Link nguồn]
Tiến sĩ Lê Đức Hoàng đưa ra 4 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đợt dịch Covid-19.