Tỷ phú Trịnh Văn Quyết chuẩn bị "tấn công" thị trường nước ngoài
Dù nhiều bluechips giảm điểm nhưng VN-Index vẫn duy trì được sắc xanh trong toàn phiên giao dịch 27/10.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 1,38 điểm (0,14%) lên 978,17. Chỉ số HNX-Index đảo chiều giảm 0,73% xuống 103,23 điểm; UPCom-Index giảm 0,06% xuống 55,93 điểm.
Phiên này, khối ngoại tiếp tục mua ròng 65 tỷ trên toàn thị trường. Trong đó, lực mua tập trung vào các Bluechips như HPG, BID, VRE, VCB, E1VFVN30…
Chỉ số VN-Index tăng 1,38 điểm (0,14%) lên 978,17.
Bộ đôi cổ phiếu ngân hàng VCB, BID vẫn là động lực chính giúp VN-Index duy trì sắc xanh trong bối cảnh nhiều Bluechips giảm điểm như VNM, HPG, MSN, PLX, BVH, FPT, MWG, VHM…
Nhóm bất động sản cũng chịu áp lực điều chỉnh từ thị trường chung khiến nhiều cổ phiếu thu hẹp đà tăng và thậm chí điều chỉnh. Phía tăng điểm đáng chú ý có DXG, FLC, LDG, NTL, PDR, SJS, VRC, SZL…Trong đó, FLC có thời điểm tăng kịch trần.
Ở nhóm cổ phiếu "nóng", FIT, TSC, FTM, GAB duy trì đà tăng trần đến hết phiên. Trong khi MBG, TTB tiếp tục giảm sàn "trắng bên mua".
Đáng chú ý trong phiên phải kể đến cổ phiếu FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết. FLC giao dịch hứng khởi trong suốt phiên giao dịch với sắc xanh áp đảo. Chốt phiên, FLC tăng mạnh tới 5,56% lên mốc 4.750 điểm.
Năm 2014, FLC bắt đầu khởi động tiến trình niêm yết tại nước ngoài.
Dù có một vài phiên "hạ nhiệt" nhưng nhìn chung cố phiếu FLC giữ được phong độ khá tốt khi liên tục duy trì được đà tăng. Thống kê cho thấy, chỉ qua 1 tuần, FLC tăng 10,21% giá trị. Còn thống kê chung cả quý, cổ phiếu của đại gia Trịnh Văn Quyết tăng tới 22,74%. Đây là mức tăng đáng mơ ước.
Hiện tỷ phú Trịnh Văn Quyết vẫn giữ vững phong độ khi là người giàu thứ 9 trên thị trường chứng khoán với tổng tài sản lên tới hơn 8,5 nghìn tỷ đồng.
Theo thông tin mới nhất từ Tập đoàn FLC, hiện Tập đoàn này đang khởi động quá trình niêm yết tại nước ngoài và điểm đến đầu tiên sẽ là Singapore. Nếu thuận lợi việc niêm yết của FLC tại Singapore sẽ diễn ra trong năm 2020 hoặc 2021. Sau đó, doanh nghiệp của tỷ phú Trịnh Văn Quyết sẽ phân tích lợi ích và điều kiện thực tế để thực hiện các đợt IPO ở các thị trường quốc tế khác.
Được biết, năm 2014, FLC bắt đầu khởi động tiến trình niêm yết tại nước ngoài, và Singapore được chọn là điểm đến đầu tiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh luật pháp Singapore cũng như các qui định Luật chứng khoán, Luật đầu tư của Việt Nam ở thời điểm đó còn nhiều hạn chế, FLC phải tạm hoãn lộ trình này.
Lí giải việc chọn Singapore là thị trường đầu tiên trong tiến trình niêm yết quốc tế, Chủ tịch FLC cho rằng, Singapore là một trung tâm của thị trường tài chính châu Á, kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, có tiêu chuẩn khắt khe và mức độ an toàn cao.
Do vậy, niêm yết tại SGX là cơ hội giúp FLC thu hút thêm nguồn vốn đầu tư phục vụ danh mục dự án qui mô lớn; đồng thời cũng giúp FLC nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn quản trị, tính minh bạch theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Nguồn: [Link nguồn]
Thông tin “siêu dự án” của ông Nguyễn Đức Thành “vỡ trận” đang khiến nhà đầu tư náo loạn, bất an. Lúc này, nhiều...