Tỷ phú Nga ứng phó với lệnh trừng phạt của châu Âu ra sao?
Một số doanh nhân Nga đã chuyển tài sản cho người thân, điều này làm dấy lên quan ngại về tính hiệu quả thực sự của những lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow.
Tỷ phú người Nga Andrey Melnichenko đã nhượng lại quyền kiểm soát công ty than và phân bón lớn hàng đầu thế giới của mình cho vợ mình. Động thái này diễn ra chỉ một ngày trước khi ông bị Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố trừng phạt.
Để ứng phó với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt, một số doanh nhân Nga bao gồm cả tỷ phú dầu mỏ Roman Abramovich và lãnh đạo tập đoàn tài chính AFK Sistema là ông Vladimir Yevtushenkov đã chuyển tài sản cho bạn bè và người thân. Điều này làm dấy lên quan ngại về tính hiệu quả thực sự của những lệnh trừng phạt có thể gây áp lực với Moscow.
Tỷ phú Melnichenko là ai?
Ông Melnichenko sinh năm 1972, vốn là người Nga nhưng có mẹ là người Ukraine và sinh ra tại Belarus. Xuất thân từ một nhà toán học từng mơ ước trở thành nhà vật lý, ông Melnichenko đã bỏ học đại học để tham gia vào thương trường từ thời hậu Xô Viết. Ông Melnichenko đã mua lại các tài sản than và phân bón, đưa ông trở thành một trong những doanh nhân giàu nhất châu Âu.
Tỷ phú Melnichenko, người thành lập công ty khai thác than SUEK và tập đoàn phân bón EuroChem cách đây 2 thập kỷ, được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu thứ 8 của Nga năm 2021 với khối tài sản ước tính lên tới 18 tỷ USD.
Vào ngày 9/3, EU đã tuyên bố trừng phạt tỷ phú Melnichenko với lý do rằng ông có mối quan hệ thân cận Điện Kremlin, đây là một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm trừng phạt giới tinh hoa Nga do cuộc xung đột tại Ukraine từ ngày 24/2.
Ông Melnichenko được cho là một trong số hàng chục lãnh đạo doanh nghiệp đã tham gia cuộc gặp gỡ với Tổng thống Vladimir Putin để thảo luận về tác động của các lệnh trừng phạt vào ngày Nga bắt đầu triển k2 hoạt động quân sự vào Ukraine.
Vào ngày 12/3, Italy đã thu giữ siêu du thuyền Sailing Yacht A có giá trị lên tới 530 triệu Euro của vị tỷ phú chỉ 3 ngày sau khi ông bị đưa vào danh sách trừng phạt của EU. Đại diện hãng đóng tàu Nobiskrug của Đức từng mô tả Sailing Yacht A là “một trong những siêu du thuyền lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới”, “hiện thân cuối cùng của siêu du thuyền Đức được chế tạo từ thế kỷ 22”. Sailing Yacht A dài gần 143 mét, cột buồm chính cao hơn 100 mét so với mặt nước và tổng trọng tải khoảng 12.600 tấn.
Các quan chức nước Anh cũng đưa tỷ phú Melnichenko vào danh sách trừng phạt từ ngày 15/3. Ngay ngày sau đó, Thụy Sĩ đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Melnichenko.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản của tỷ phú Melnichenko, cấm ông vào EU đồng thời cấm các tổ chức EU cung cấp tiền cho ông. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đã không áp dụng với vợ cũng như các con của vị tỷ phú này.
Tỷ phú người Nga Andrey Melnichenko đã thành lập công ty khai thác than SUEK và tập đoàn phân bón EuroChem cách đây hai thập kỷ. Ảnh: Bloomberg.
Tại thời điểm đó, phát ngôn viên của tỷ phú Melnichenko đã phủ nhận việc doanh nhân này thuộc giới thân cận của Tổng thống Putin và tuyên bố ông sẽ tranh chấp với các lệnh trừng phạt trước tòa. Hôm 17/5, tỷ phú Melnichenko đã thách thức các lệnh trừng phạt bằng cách nộp đơn kháng cáo lên Tòa án chung EU, nơi xử lý các khiếu nại chống lại các tổ chức châu Âu.
Quá trình chuyển nhượng công ty
Ông Melnichenko đã kiểm soát công ty khai thác than SUEK và tập đoàn phân bón EuroChem thông qua chuỗi các quỹ tín thác và các tập đoàn cả ở Moscow, thị trấn Zug (Thụy Sĩ), Cộng hòa Síp và Bermuda. Tuy nhiên vào ngày 8/3, vị tỷ phú đã từ bỏ cổ phần của mình trong 2 doanh nghiệp trên cho người vợ của mình là bà Aleksandra Melnichenko. Như vậy, người vợ đã nắm quyền kiểm soát các công ty.
Kể từ năm 2006, vợ của tỷ phú Melnichenko đã đứng thứ 2 sau chồng trong danh sách những chủ sở hữu hưởng lợi của 2 doanh nghiệp trong các tài liệu ủy thác. Điều đó đồng nghĩa rằng bà có thể đứng ra thừa kế quyền sở hữu các công ty trong trường hợp người chồng qua đời.
Tuy nhiên, khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu bùng nổ vào tháng 2 năm nay, tỷ phú Melnichenko đã lo ngại về việc ông sẽ trở thành đối tượng mà các lệnh trừng phạt của EU nhắm đến nhằm tăng sức ép lên Moscow.
Do đó, vào ngày 8/3, tỷ phú Melnichenko đã thông báo cho những người liên quan về việc nghỉ hưu. Điều đó đã dẫn tới những thay đổi trong hồ sơ ủy thác tương tự như trường hợp doanh nhân này qua đời và vợ ông ta trở thành người thụ hưởng. Tỷ phú Melnichenko và vợ đã không phản hồi yêu cầu bình luận của hãng tin Reuters.
Vào ngày 10/3, một ngày sau khi EU công bố lệnh trừng phạt đối với tỷ phú Melnichenko và 159 cá nhân khác có liên quan đến Nga, SUEK và EuroChem thông báo người sáng lập công ty đã từ chức khỏi các vị trí trong hội đồng quản trị.
Tập đoàn sản xuất phân bón EuroChem của Nga đặt trụ sở tại Thụy Sĩ đã lên tiếng xác nhận bà Aleksandra Melnichenko đã thay thế người chồng với tư cách là chủ sở hữu. Đại diện EuroChem mới đây cho biết: "Sau sự rời đi của người sáng lập, quyền sở hữu chính của quỹ tín thác nắm giữ 90% cổ phần trong công ty phân bón toàn cầu đã tự động được chuyển cho vợ của ông ấy".
Hứng chịu các lệnh trừng phạt
Các chính phủ phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với các công ty và cá nhân Nga trong nỗ lực gây sức ép buộc Moscow phải rút lui khỏi cuộc xung đột. Trong một chia sẻ với hãng tin Reuters vào tháng 3 sau khi các lệnh trừng phạt của EU được áp đặt, ông Melnichenko cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine là "thực sự bi thảm" và kêu gọi hòa bình. Vào thời điểm đó, người phát ngôn của vị tỷ phú tuyên bố ông Melnichenko "không theo đảng phái chính trị nào".
Việc tỷ phú Melnichenko chuyển giao quyền sở hữu 2 doanh nghiệp SUEK và EuroChem có ý nghĩa sâu rộng. Sau quá trình xem xét kéo dài vài tuần, cơ quan tài chính Thụy Sĩ kết luận rằng 2 công ty có thể tiếp tục hoạt động bình thường với lý do họ không còn mối liên quan tới ông Melnichenko. Đại diện doanh nghiệp SUEK và EuroChem cho biết các cơ quan quản lý tài chính của Anh và Đức cũng đã đưa ra kết luận tương tự.
Sau khi hoàn thành quá trình đánh giá vào hồi cuối tháng 4, công ty SUEK và EuroChem, với doanh thu năm ngoái lần lượt là 9,7 tỷ USD và 10,2 tỷ USD, đã có thể tiếp tục trả lãi hàng triệu USD cho các trái chủ.
Trong những tuần gần đây, công ty SUEK và EuroChem đã tiếp cận các khách hàng phương Tây, thông báo các tài liệu về cơ cấu quyền sở hữu mới nhằm trấn an khách hàng rằng họ có thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh với các công ty cũ của ông Melnichenko.
Siêu du thuyền Sailing Yacht A thuộc sở hữu của nhà tài phiệt người Nga Andrey Melnichenko đậu tại thành phố Trieste, Italy vào ngày 10/3/2022. Ảnh: AFP.
Ban Thư ký Nhà nước phụ trách các vấn đề kinh tế (SECO) của Thụy Sĩ cho biết cả SUEK và EuroChem đều không là đối tượng trừng phạt tại nước này. SECO giải thích rằng tỷ phú Melnichenko không còn là người thụ hưởng ủy thác của EuroChem vào thời điểm bị EU và Thụy Sĩ áp đặt lệnh trừng phạt.
SECO nhấn mạnh họ đã nhận được xác nhận từ công ty Eurochem rằng sẽ không cung cấp tiền cho ông Melnichenko nữa. Đại diện cơ quan SECO nói: "Công ty cùng ban lãnh đạo đã đảm bảo bằng văn bản với SECO rằng sẽ tuân thủ đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Thụy Sĩ, đặc biệt là không cung cấp ngân quỹ hoặc nguồn lực kinh tế nào cho những đối tượng bị áp đặt lệnh trừng phạt".
Các nhà chức trách Thụy Sĩ đã quyết định không gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với vợ và các công ty cũ của ông Melnichenko, trên thực tế là các nhà chức trách EU cũng không trừng phạt họ. Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin mới đây đã chia sẻ trên đài truyền hình quốc gia: "Trong trường hợp này, chúng tôi đã thực hiện đúng theo những gì mà EU đã làm".
Ông Parmelin nói thêm rằng Thụy Sĩ đã cảnh giác với việc trừng phạt EuroChem trong bối cảnh giá phân bón trên toàn cầu tăng cao có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường nông nghiệp. Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy EuroChem đã sản xuất hơn 19 triệu tấn phân bón vào năm ngoái, tương đương với gần 10% sản lượng của thế giới.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, cho biết đã không nắm thông tin gì về việc ông Melnichenko chuyển tài sản cho người vợ. Ủy ban bày tỏ sẵn sàng lấp lỗ hổng mà các cá nhân và công ty đang tận dụng để né tránh lệnh trừng phạt. Vào đầu tuần này, Ủy ban đã công bố đề xuất nhằm mục đích hình sự hóa các động thái trốn tránh trừng phạt, bao gồm cả việc cá nhân chuyển tài sản cho các thành viên trong gia đình trên toàn liên minh 27 quốc gia.
Khi dọn dẹp tủ đồ của người cha đã qua đời, người đàn ông bất ngờ khi phát hiện gia tài được cất giấu từ bấy lâu mà không ai biết tới.
Nguồn: [Link nguồn]