Từ vụ giám đốc đại lý ô tô lừa 2,7 tỷ đồng, khách hàng mua xe cần lưu ý gì?
Trước thông tin một giám đốc đại lý ô tô bị bắt vì hành vi lừa đảo hàng chục khách hàng với số tiền chiếm đoạt tới gần 2,7 tỷ đồng, dư luận không khỏi bất bình và hoang mang.
Mới đây, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thái Nguyên thông tin về vụ án Giám đốc đại lý Honda ô tô Thái Nguyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng đặt mua xe tại đại lý.
Theo tài liệu điều tra, Đỗ Anh Phong (SN 1980) - Giám đốc Đại lý Honda ô tô Thái Nguyên, có quyền điều hành mọi hoạt động hàng ngày của đại lý, thực hiện việc đặt xe theo quy định; dưới quyền Phong là các nhân viên tư vấn bán hàng, trực tiếp tiếp xúc, giao dịch với khách hàng.
Trước khi ký hợp đồng mua xe ô tô, khách hàng cần xác định rõ những yếu tố quan trọng trong hợp đồng
Theo quy trình làm việc và nhiệm vụ báo cáo do Công ty Vinamotor (nơi Đỗ Anh Phong làm việc) quy định, khách hàng khi nộp tiền mặt đều phải nộp tại phòng quỹ của Công ty. Trong trường hợp khách hàng chuyển khoản thì đều phải chuyển khoản tiền cọc, tiền thanh toán vào tài khoản của Công ty theo số tài khoản ghi trên hợp đồng. Căn cứ quy định trên thì nhân viên bán hàng, Giám đốc đại lý không được quyền thu, nhận, giữ các khoản tiền đặt cọc, thanh toán mua xe... của khách hàng.
Tuy nhiên, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2021, do không kiểm soát được việc chi tiêu cá nhân và bị thua lô, đề, dẫn đến nợ nần không có khả năng thanh toán. Lợi dụng chức vụ được giao là Giám đốc đại lý, Đỗ Anh Phong đã yêu cầu khách hàng chuyển khoản số tiền đặt cọc, tiền thanh toán mua xe vào số tài khoản cá nhân của Phong. Sau đó Phong chiếm đoạt số tiền trên để trả nợ và tiếp tục chơi lô, đề.
Điều đáng nói, để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng, Phong cố ý cung cấp tài khoản cá nhân để khách hàng mua xe nhầm tưởng là tài khoản của đại lý và đưa ra các thông tin giả mạo về lịch phân bổ xe, việc đặt xe cho khách để khách hàng tin tưởng chuyển tiền.
Tổng số tiền Phong chiếm đoạt của 10 nạn nhân là gần 2,7 tỷ đồng.
Trước hành vi lừa đảo của một giám đốc đại lý ô tô như trên đã khiến không ít người cảm thấy hoang mang, lo lắng, đặc biệt là với những người lần đầu mua xe.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, anh Ngô Văn Tuyên – một người có kinh nghiệm 20 năm trong ngành kinh doanh ô tô đã đưa ra một số lưu ý, đó là trước khi đặt bút ký kết hợp đồng mua xe với đại lý, người mua cần xác định rõ những yếu tố quan trọng trong hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cá nhân và tránh mất thời gian. Cụ thể:
Giá xe ô tô: Tùy vào thời điểm, mức giá bán xe sẽ thay đổi theo chương trình khuyến mãi hoặc ưu đãi riêng từng đại lý. Khi chốt được mức giá hấp dẫn và đồng ý đi đến ký kết hợp đồng mua xe với đại lý, khách hàng cần chắc rằng mức giá này sẽ có hiệu lực tới khi ngày hợp đồng ký kết và có phụ thuộc vào thời hạn thanh toán chi phí mua xe hay không.
Khách hàng chỉ chuyển tiền mua xe theo số tài khoản của công ty, không chuyển vào tài khoản cá nhân của bất kỳ ai
Đời xe: Đây là yếu tố mà nhiều đại lý cũng không đưa vào hợp đồng với nhiều lý do như "mẫu hợp đồng không có thông tin này, xe nào cũng là xe mới". Tuy vậy đại lý vẫn có thể nhập nhằng đời xe nhằm mục đích đẩy hàng tồn, nhất là vào thời điểm cuối năm, sát Tết âm lịch.
Ví dụ, khách hàng cần phân biệt giữa xe sản xuất 2021 và Model 2021. Bởi lẽ, xe ra mắt vào 2021 thường được các hãng gọi là model 2021, nhưng năm sản xuất có thể là năm trước đó. Khi đánh đồng hai khái niệm này, khách hàng có thể bị nhận xe sản xuất trước đó, mà lẽ ra trên thị trường những xe này phải giảm giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Hình thức xe: Ngày nay, các nhà sản xuất xe hơi cung cấp cho khách hàng khá nhiều lựa chọn màu ngoại thất và nội thất xe. Tuy nhiên, các màu sắc không chỉ đơn giản là Trắng, Đen, Nâu, Xanh,... mà còn có tên gọi hoặc mã màu riêng biệt.
Vì vậy, trong hợp đồng mua xe, khách hàng cũng cần xem kỹ đề mục màu sắc xe, nếu có thể thì nên ghi rõ tên màu xe có trong e-brochure của hãng để tránh trường hợp nhận nhầm màu và tốn thời gian chờ đợi khi cần đổi lại màu xe.
Thời gian giao xe: Thông thường các đại lý sẽ ghi phần thời gian giao xe là trong tháng hoặc 30, 45 ngày, có thể cũng ghi chung chung là "tùy thuộc năng lực bên bán".
Nhưng quan trọng hơn, hầu hết hợp đồng không kèm điều khoản "nếu đại lý không giao xe đúng hẹn thì thế nào", vì đại lý thường lấy lý do là bất khả kháng như nguồn cung phụ thuộc nhà máy, vận chuyển mất thời gian hơn dự kiến, xe về đại lý nhưng giấy tờ chưa đi theo, xe gặp trục trặc kỹ thuật, màu sắc...
“Nếu không thể đưa điều khoản phạt đại lý giao xe chậm vào hợp đồng, khách hàng có thể dùng cách đàm phán khác để giữ phần chủ động cho mình. Ví dụ, nếu giao xe chậm không bị phạt thì khách nộp tiền chậm trong khoảng bao nhiêu ngày cũng không bị phạt” – anh Tuyên lưu ý.
Đặc biệt, ngoài bốn yếu tố trên, khách hàng cũng cần chú ý đọc kỹ tất cả các câu chữ, từng điều khoản trong hợp đồng. Nếu có điều gì chưa thông suốt, không đạt được thỏa thuận giữa hai bên, tốt nhất chưa ký hợp đồng. Khách có thể lựa chọn đại lý khác, thậm chí hãng xe khác.
“Giá trị một chiếc ô tô mới không hề nhỏ. Do đó, bạn chỉ ký hợp đồng và chuyển tiền khi đã xác minh tính pháp lý về thông tin của công ty đó (bên bán) thể hiện trên hợp đồng.
Bạn mua xe của công ty A, đương nhiên bạn chỉ chuyển tiền vào tài khoản của Công ty theo số tài khoản ghi trên hợp đồng, thuộc sở hữu của công ty đó, chứ không được chuyển vào tài khoản cá nhân của bất kỳ ai, kể cả là giám đốc. Và để an toàn, bạn nên nhờ người có kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô hoặc những người hiểu rõ về pháp luật đi cùng, hỗ trợ” – anh Tuyên nói thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Khu đất vàng từng là dự án tháp 72 tầng của FLC nay được Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Sở Tư pháp TP. Hải Phòng...