Thu nhập giảm khi Tết nguyên đán cận kề, người lao động chật vật cân đối thu chi

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Lãi suất ngân hàng tăng, thị trường đầu tư nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải cắt bớt các chi phí bằng cách giảm lương nhân viên, thậm chí là cho nghỉ việc tạm thời...

Thị trường tài chính bị tác động kép

Theo thống kê mới nhất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng công nhân mất việc, giảm giờ làm diễn ra ở 28 địa phương với 485 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, do bị giảm, mất đơn hàng. Các tỉnh, thành phía Nam chiếm tới gần 62% doanh nghiệp ở các ngành như dệt may, da giày, chế biến gỗ và 87% lao động.

Theo đó, do giảm đơn hàng nhiều nhất là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực: dệt may, da giày, chế biến gỗ, tới 30-50%, tiếp đến là điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch... Tổng cộng 570.000 công nhân bị giảm giờ làm; 34.500 người bị chấm dứt hợp đồng; hơn 31.000 người nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng.

Đặc biệt nhất là các doanh nghiệp ngành địa ốc do thị trường trầm lắng nên rất nhiều công ty đã giảm trên 60% nhân sự và cắt giảm lương khoảng từ 30-40% tùy cấp bậc, chỉ giữ lại các vị trí trọng yếu vì thị trường ế ẩm. Hiện guồng làm việc tại công ty duy trì 25% so với cùng kỳ năm ngoái, rất nhiều vị trí một người làm thay công việc của 3 người trước đây.

Thu nhập giảm khi Tết nguyên đán cận kề, người lao động chật vật cân đối thu chi - 1

Cần phải tối ưu các khoản chi tiêu tài chính dịp Tết (Ảnh minh họa)

Chế độ thưởng cơ bản là lương tháng 13 cũng được thông báo dừng trong dịp Tết nguyên đán 2023 đối với nhân sự còn gắn bó vì nhiều công ty không thể xoay sở được dòng tiền cuối năm.

Mới đây, một tập đoàn xây dựng và đầu tư địa ốc có niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM cũng công bố kế hoạch giảm hiệu suất công việc và phụ cấp theo lương từ 20-35% đối với các cấp từ trưởng phòng đến tổng giám đốc, đồng thời dừng một số chính sách phúc lợi xã hội, khen thưởng. Nguyên nhân là công ty không thể đòi được các khoản tiền nợ từ những chủ đầu tư bất động sản, các dự án của công ty thành viên cũng không bán được, dẫn đến không có doanh thu.

Trước tình trạng nêu trên, giới chuyên gia cho rằng, sang năm 2023 sẽ đối diện mới một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn thế giới, nó sẽ tác động lớn đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau. Vậy nên người lao động ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng, trong đó việc cắt giảm lương là giải pháp mà hầu hết các doanh nghiệp sẽ áp dụng.

Hiện có rất nhiều các doanh nghiệp lớn đang tập trung tái cấu trúc để đảm bảo hiệu quả hoạt động của mình và bước sang năm 2023 một cách bình an.

Thời gian qua, thị trường tài chính ở nước ta cũng bị ảnh hưởng kép bởi các vụ việc như Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…Rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng lớn như Bất động sản, Chứng khoán…đã khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải gồng mình với lãi suất tài chính cao, áp lực về nguồn vốn hàng ngày, hàng giờ đã dẫn đến rất nhiều người lao động bị mất việc làm hoặc bị cắt giảm lương.

Vậy nên, để ứng phó với tình hình tài chính như đã nêu trên, chắc chắn giai đoạn tới sẽ rất khó khăn, nên cần phải chuẩn bị một tâm thế rõ ràng để đối diện với nó. Đặc biệt là vấn đề kinh tế và tài chính.

Ứng phó với các khoản chi tiêu

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thanh (quận Hà Đông), nhân viên kế toán một tập đoàn lớn ở Hà Nội cho biết, cần phải chuẩn bị một tâm thế vững vàng để bước sang năm mới 2023, vì đây là giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và biến động không có gì đảm bảo được mức thu nhập ổn định cả.

Theo chị Thanh, giá cả leo thang dịp cuối năm cũng là một trong những câu chuyện đau đầu đối với rất nhiều người chứ không riêng gì ai cả, chúng ta phải đối diện với vấn đề này bằng việc hoạch định được các khoản chi tiêu cá nhân.

“Với những người đã có gia đình như chúng tôi, việc cắt giảm chi tiêu là một trong những bài toán khá đau đầu, nhất là dịp Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, các chi phí mua sắm đồ dùng cá nhân, chi phí đi lại, mua quà biếu gia đình nội ngoại… đâu phải là chuyện dễ thực hiện khi chi phí tài chính eo hẹp”, chị này nói.

Đồng quan điểm trên, anh Hoàng Đức Dũng (Hà Tĩnh), nhân viên kinh doanh lĩnh vực phụ tùng ô tô cho biết, với tình hình hiện tại, thưởng Tết chắc chắn sẽ không cao, cùng với doanh số bán hàng giảm, mức thu nhập sẽ bị giảm sâu vào dịp cuối năm, công ty đã chính thức thông báo không thưởng lương tháng thứ 13 đối với toàn bộ nhân viên.

Anh Dũng cho biết, có rất nhiều thứ cần phải chi tiêu trong dịp này, nên để tính toán làm sao cho hợp lý là không dễ. Tết nguyên đán thường là lúc mà người ta phải chi tiêu mạnh nhất, mua sắm các sản phẩm cho cả gia đình, các khoản phí đi lại thăm hỏi cũng là rất cần thiết, trong khi thu nhập không được như trước đã khiến người lao động gặp khó khăn.

Chị Phan Thị Thanh Xuân, công nhân tại một khu công nghiệp TP.HCM cho biết, hơn 5 tháng qua do công ty không có việc làm nên chỉ hưởng chế độ 3,8 triệu đồng/ tháng, vậy nên việc chi tiêu cho dịp Tết nguyên đán này sẽ rất khó khăn. Với số tiền ít ỏi thì việc đón năm mới cũng sẽ phải được chia đều vào những khoản chi mua thực phẩm để duy trì qua giai đoạn khó khăn.

"Tết 2023 gia đình tôi xác định chẳng đi đâu, mua sắm gì ngoài mua các đồ dùng thiết yếu phục vụ cho cả gia đình trong dịp nghỉ Tết, do không có tiền nên việc mua cái gì cũng phải hết sức chủ động và tiết kiệm", chị Xuân chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhu cầu mua ô tô dịp cận Tết nguyên đán 2023 giảm mạnh vì lý do này

Thị trường ô tô Việt Nam hiện đang có xu hướng giảm nhiệt, sức mua không bằng thời điểm năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do tác động từ thị trường tài chính

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhân Hà Phan ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN