Thêm một công ty con của tỷ phú Trịnh Văn Quyết “lên sàn”
Phiên giao dịch chứng khoán hôm nay diễn ra với diễn biến khá giằng co. Tuy nhiên sắc xanh vẫn giữ được nhờ sự khởi sắc của nhiều cổ phiếu lớn.
Đóng cửa phiên giao dịch 5/11, chỉ số VN-Index tăng 1,91 điểm (0,19%) lên 1.024,34 điểm; HNX-Index tăng 0,1% lên 106,71 điểm và UPCom-Index tăng 0,03% lên 56,61 điểm. Thanh khoản toàn thị trường duy trì khá tốt với giá trị khớp lệnh 3 sàn đạt 4.200 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng gần 35 tỷ trên toàn thị trường, tập trung vào VRE (51,8 tỷ đồng), VHM (43,8 tỷ đồng), TVS (18,8 tỷ đồng), VIC (13,5 tỷ đồng)…
VHM đóng cửa tăng gần 2.000 đồng là cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index. Trong khi đó, cặp đôi VCS (tăng 4.400 đồng) và PVS (tăng 600 đồng) tác động tích cực nhất tới HNX-Index.
Ngoài ra, các cổ phiếu Bluechips như BVH, GAS, HPG, VJC, PLX, VRE,…hay các cổ phiếu ngân hàng BID, EIB, STB, VPB, TCB, TPB…cũng tăng điểm góp phần củng cố sắc xanh thị trường.
Thanh khoản toàn thị trường duy trì khá tốt với giá trị khớp lệnh 3 sàn đạt 4.200 tỷ đồng.
Trong phiên hôm nay, nhóm chứng khoán không còn quá sôi động như phiên trước. Trong khi đó, nhóm bất động sản, xây dựng có khá nhiều mã tăng tốt như DRH, HBC, HDC, IJC, KDH, TDH, VRC, NLG, DPG…Ngoài ra, một số cổ phiếu khu công nghiệp như NTC, D2D cũng tăng khá tích cực.
Đáng chú ý trong phiên là cổ phiếu FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết. Sau phiên tăng kịch trần vào 4/11, cổ phiếu FLC đã “hạ nhiệt”. Chốt phiên, cổ phiếu này giảm 110 đồng (2,29%) về mốc 4.700 đồng. Điều này cho thấy, FLC đang diễn biến khá giằng co với nhịp tăng giảm đan xen.
Tuy nhiên, với những hoạt động liên tục trong suốt thời gian gần đây, qua 1 tháng, FLC tăng tới 34,29% giá trị.
Được biết, Tập đoàn FLC vừa có thông báo của CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes gửi tới cổ đông, đối tác và khách hàng về mã giao dịch cổ phiếu FHM.
Theo đó, điều lệ của FLCHomes ghi nhận và đảm bảo quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông theo qui định của pháp luật.
Cổ đông được thực hiện quyền và chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện thủ tục chuyển nhượng cổ phần của CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes theo qui định của pháp luật và điều lệ của FLCHomes.
Thông báo ghi rõ, thống nhất mã giao dịch cổ phiếu của FLCHomes trong suốt quá trình giao dịch và thực hiện các thủ tục liên quan là FHM; đề nghị cổ đông, đối tác và khách hàng lưu ý và sử dụng thống nhất.
Thông báo này của FLCHomes có nội dung tương tự như thông báo của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) ít ngày trước. Theo đó, mã giao dịch của Bamboo Airways được thống nhất là BAV.
Có thể thấy giữa FLC và FLCHomes không có quan hệ mẹ-con nhưng cả hai doanh nghiệp có chung nhiều lãnh đạo chủ chốt.
Được biết, CTCP đầu tư kinh doanh phát triển Bất động sản FLCHomes có tiền thân chính là CTCP Đầu tư Du thuyền và Sân golf FLC Biscom, thành lập từ ngày 2/2/2016.
FLC Biscom có vốn điều lệ 4.160 tỉ đồng và từng là công ty liên kết của Tập đoàn FLC. Tuy nhiên ngày 22/8/2018, HĐQT Tập đoàn FLC thông qua nghị quyết về việc chuyển nhượng 15 triệu cổ phần, chiếm 3,61% vốn điều lệ của FLC Biscom.
Ngày 2/5/2019, FLC Biscom đổi tên thành FLCHomes như hiện nay, đồng thời thay đổi người đại diện theo pháp luật từ Tổng Giám đốc Nhữ Văn Hoan sang Chủ tịch HĐQT Đàm Ngọc Bích. Bà Bích đồng thời là Phó Tổng Giám đốc thường trực của Tập đoàn FLC.
Trụ sở của FLCHomes cũng được đặt tại Bamboo Airways Tower, số 265 Cầu Giấy, Hà Nội – tòa nhà trụ sở của Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways.
Theo báo cáo tài chính quí III/2019 của Tập đoàn FLC được công bố mới đây, FLC có 16 công ty con và một công ty liên kết, trong đó không nhắc đến công ty nào có tên FLCHomes.
Có thể thấy giữa FLC và FLCHomes không có quan hệ mẹ-con nhưng cả hai doanh nghiệp có chung nhiều lãnh đạo chủ chốt.
Sau 9 tháng kinh doanh, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam tiếp tục đạt doanh thu lớn, với số lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng....