Thất nghiệp, nên kiểm soát tài chính cá nhân thế nào để tránh “cháy túi” sớm?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Làm thế nào để kiểm soát tài chính khi thất nghiệp tránh “cháy túi” sớm đang được rất nhiều người quan tâm trong giai đoạn này.

Duy trì một công việc ổn định, có thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình là mong muốn của tất cả những người trưởng thành. Nhưng cuộc sống luôn có những rủi ro, có thể khiến bạn mất đi công việc của mình.

Thời gian qua, nhiều Công ty, doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm nhân sự; hoặc sức khỏe không tốt khiến bạn không thể tiếp tục công việc? Dù mất việc trong tình huống nào thì ngay lập tức người lao động sẽ phải đối mặt với thực tế, đó là mất đi nguồn thu nhập hàng tháng. Đây là lúc cần phải bình tâm để kiểm soát tài chính, nhanh chóng ổn định lại cuộc sống của bản thân, gia đình và tìm kiếm công việc mới phù hợp.

Thất nghiệp, nên kiểm soát tài chính cá nhân thế nào để tránh “cháy túi” sớm? - 1

Ảnh minh họa

Anh Nguyễn Văn Hậu (sinh năm 1989, Thanh Xuân, Hà Nội) nhân viên Marketing của một Công ty Bất động sản ở Hà Nội nằm trong diện cắt giảm nhân sự hồi đầu tháng 3 năm nay cho rằng, cần phải kiểm tra tình hình tài chính hiện tại của bản thân ngay sau khi mất việc. Nên rà soát lại tất cả các tài sản, tài khoản tiết kiệm cũng như cả các khoản vay nợ.

“Tôi đã tìm hiểu ngay một nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân, và có một quỹ khẩn cấp với khoản tiền bằng 3-6 tháng phục vụ cho chi phí sinh hoạt. Vậy nên, có thể tạm yên tâm vì đã có khoản tiền từ quỹ dự phòng này để sử dụng trong lúc tìm công việc mới”, anh Hậu chia sẻ.

Mặc dù đã có một khoản quỹ dự phòng hay được nhận tiền đền bù khi nghỉ việc nhưng thời điểm này, hơn lúc nào hết, anh Hậu đã thiết lập một kế hoạch chi tiêu chặt chẽ để có thể duy trì cuộc sống cho đến khi tìm được công việc mới.

Cũng theo anh Hậu, cần tập trung ngân sách cho các khoản chi phí cố định như chi phí sinh hoạt, đi lại, tiêu dùng ở mức thấp nhất. Thời điểm này rất khó khăn vì không có nguồn thu, nên cần tiết kiệm và cắt giảm những chi tiêu không cần thiết như đi ăn nhà hàng, đi xem phim, mua sắm quần áo, giày dép...

Anh này cho biết, hiện gia đình anh có 4 thành viên, hai con nhỏ đang đi học, mức thu nhập của vợ anh chỉ hơn 10 triệu đồng không đủ để chi tiêu cho cả gia đình nên đành phải cùng nhau tiết kiệm một số chi phí, để giảm bớt áp lực tài chính cho đến khi có thêm nguồn thu nhập mới.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1992, Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội), từng là quản lý của một doanh nghiệp về mỹ phẩm nhập khẩu, nhưng do gặp khó khăn về nguồn hàng, người tiêu dùng cũng không còn mặn mà với các sản phẩm này như trước, nên công ty đành phải đóng cửa tạm thời. Không có thu nhập, chị này đành phải rút khoản tiết kiệm ra để duy trì sinh hoạt hàng ngày.

Do không có nguồn thu nên chị Nhung đành phải cắt giảm nhiều chi phí, ít đi ra ngoài, không tụ tập bạn bè như trước, tiết kiệm các chi phí sinh hoạt như điện nước, ăn uống hay mua sắm.

Chị cho biết, từ khi thất nghiệp chị không sử dụng ô tô để đi lại nữa mà chỉ đi xe máy để tránh các phát sinh không cần thiết.

Trước khi mất việc, thu nhập mỗi tháng của chị khoảng 20 triệu đồng, nhưng do mức sống ở Hà Nội khá đắt đỏ nên không tiết kiệm được nhiều, nếu như không sớm xin được việc làm để có thu nhập thì số tiền còn lại của chị cũng chỉ đủ duy trì vài ba tháng mà thôi.

Vậy nên, chị này đang rất lo lắng và tập trung vào tìm kiếm công việc mới. Bên cạnh đó, chị cũng kiểm soát chặt tài chính trong các hoạt động chi tiêu hàng ngày.

Hiện tại chị Nhung đã nộp hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp nhưng số tiền trợ cấp này chẳng đáng là bao so với mức sống ở Thủ đô Hà Nội.

Nhiều chuyên gia tài chính chỉ ra rằng, người lao động nên bắt đầu với khoản dự trữ khoảng 20 triệu đồng. Sau khi trả hết nợ, con số này có thể được nâng lên khoảng 3-6 lần số tiền bạn chi tiêu hàng tháng. Nếu không có tiền dự trữ khi thất nghiệp người lao động sẽ rơi vào cảnh “cháy túi” ngay.

Việc quản lý tài chính cá nhân không chỉ nằm ở việc người lao động quản lý tiền của mình thế nào, mà còn là cách bạn rèn luyện tư duy về tiết kiệm nhất là trong bối cảnh hiện nay khi hàng loạt doanh nghiệp đồng loạt cắt giảm nhân sự, việc làm không dễ kiếm, thì quản lý chính bản thân mình là việc làm cần thiết nhất.

Người dân đang mang bao nhiêu tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng?

Dù lãi suất tiết kiệm liên tục giảm thời gian gần đây, lượng tiền nhàn rỗi được người dân mang gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn tăng mạnh trong những tháng đầu năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhân Hà Phan ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN