Thẻ tín dụng vẫn trong túi: Tá hỏa phát hiện mất hàng trăm triệu đồng
Lợi dụng khi quẹt thẻ cho khách hàng, kẻ gian đã lén ghi chép lại thông tin thẻ tín dụng của khách rồi sử dụng thanh toán mua hàng online, chiếm đoạt tài sản.
Nhiều người tá hỏa khi phát hiện thẻ tín dụng bỗng dưng bị trừ hàng trăm triệu
Bỗng nhiên “tiêu” cả trăm triệu
Ngày 30/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết đang điều tra, làm rõ vụ sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi "Chiếm đoạt tài sản".
Trước đó, Công an TP Hà Nội tiếp nhận phản ánh của người dân về việc tiền trong tài khoản của họ liên tục bị mất mặc dù chủ thẻ không sử dụng, không có các giao dịch thanh toán.
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã xác định nghi phạm liên quan đến các vụ việc là Lại Thế Thắng (SN 1994, trú tại Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) - một nam nhân viên thu ngân tại một nhà hàng ở phố Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Lợi dụng công việc được giao, nam nhân viên thu ngân này đã lén ghi chép lại thông tin thẻ tín dụng của khách hàng khi thanh toán, sau đó đăng ký 2 tài khoản giả mạo mang tên "Nguyễn Quyết" và "Quyết Nguyễn Chiến" trên một trang web mua, bán hàng online, mục đích sử dụng thông tin thẻ tín dụng đã ghi chép lại để thanh toán việc đặt mua hàng và chiếm đoạt tiền của chủ thẻ tín dụng.
Tương tự tình huống trên, trước đó (năm 2017) một vụ việc trộm tiền từ thẻ tín dụng tại Tp. HCM từng gây xôn xao dư luận. Lợi dụng chủ thẻ mất cảnh giác khi sử dụng thẻ tín dụng, nhân viên nhà hàng đã “tranh thủ” chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng từ thẻ tín dụng của khách.
Cụ thể, đối tượng Trần Tuấn Minh, quê Bến Tre, là nhân viên tại một nhà hàng ở Q1 TP Hồ Chí Minh. Trong ca phục vụ của mình, Minh được ông Caracciolo David John, quốc tịch Australia đưa thẻ để thanh toán tiền bữa ăn. Dù hóa đơn chỉ hết hơn 13 triệu đồng, song lợi dụng việc này, Minh đã cà thẻ hàng chục lần để rút lấy 8 hóa đơn nhằm chiếm đoạt tiền của ông John. Sau đó, Minh đã mang 2 hóa đơn có giá trị 640 triệu đồng ra ngân hàng, đồng thời giả chữ ký của ông John để rút tiền mặt chiếm đoạt.
Sau khi về nước, ông John mới phát hiện ra thẻ của mình đã bị quẹt mất gần 40 ngàn đô la Úc nên đã ủy quyền cho một người bạn ở Việt Nam tố cáo đến Cơ quan công an.
Đối tượng Minh sau đó đã bị bắt, bị phạt 7 năm tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Cũng liên quan đến việc mất tiền trong thẻ tín dụng, nhiều người khi tá hỏa phát hiện mất tiền thì số tiền bị trừ đã lên tới hàng trăm triệu đồng mà không rõ nguyên nhân.
Anh Hoàng Anh, trưởng phòng PR của một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội nhớ lại, cách đây mấy tháng anh vừa ngủ dậy thì phát hiện tin nhắn từ ngân hàng báo mình vừa mua hàng ở tận một quốc gia châu Âu.
Dù ngay lập tức gọi điện thoại lên ngân hàng, báo khóa thẻ khẩn cấp nhưng cũng phải mất nhiều giờ sau đó, tài khoản của Hoàng Anh mới được khóa. Trong khoảng thời gian đó, đối tượng đã thực hiện trót lọt thêm một số giao dịch khác, tổng thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng.
Lục tìm nguyên nhân sự việc, anh Hoàng Anh cho biết trong mỗi lần đi mua bán và ăn uống tại các nhà hàng, anh thường đưa thẻ cho nhân viên đi “quẹt”. Nhiều khả năng sơ suất này khiến anh bị lộ thông tin trên thẻ và dẫn đến bị đối tượng xấu sao chép thông tin, mang đi mua hàng bừa bãi.
Khi quẹt thẻ, khách hàng cần quan sát kĩ các dấu hiệu lạ trên máy POS
Coi chừng “lợi bất cập hại”
Thẻ tín dụng có ưu điểm là thanh toán không cần mật khẩu, chỉ cần quẹt qua thiết bị thanh toán hoặc kênh online hỗ trợ là xong. Khi thanh toán, tất cả thông tin sẽ hiển thị trên mặt thẻ như họ tên chủ thẻ, số thẻ, ngày tháng hết hạn, số CVV/CVC (mã xác minh)… Chỉ cần mất vài giây ghi lại những thông tin này, kẻ gian có thể hack tiền qua thanh toán, mua hàng online.
Một số trang web mua đồ trực tuyến, đặt phòng khách sạn hoặc mua vé máy bay, khách hàng không cần nhập mã PIN, mã OTP mà chỉ cần nhập 4 thông tin là số thẻ tín dụng, ngày hết hạn thẻ, họ tên chủ thẻ và mã CVV.
Vì vậy, nếu khách hàng để lộ dãy số thẻ tín dụng và mã CVV/CVC thì nguy cơ bị đánh cắp thông tin thẻ và phát sinh những giao dịch gian lận là rất lớn.
Các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng khuyến cáo khi thanh toán tại cửa hàng, chủ thẻ nên yêu cầu nhân viên nhà hàng, siêu thị, khách sạn...mang máy POS đến giao dịch tại bàn và trực tiếp quẹt thẻ. Trước khi quẹt thẻ, khách hàng cần quan sát kĩ các dấu hiệu lạ trên máy POS đề phòng trường hợp máy bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ.
Đặc biệt, theo một chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, việc các ngân hàng đồng ý cho mở thẻ một cách “tràn lan”, đồng thời các điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng một cách quá dễ dàng đã góp phần khiến cho tội phạm thẻ trở nên phức tạp. Tại một số quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ, khi thanh toán tại các điểm quẹt thẻ thì nhân viên luôn so sánh tên và chữ ký được in trên thẻ với người đang thanh toán, nếu khớp thì mới đồng ý.
Và để tránh bị mất tiền oan, có một số “mẹo” nhỏ cho người sử dụng thẻ tín dụng. Thứ nhất, sau khi nhận thẻ, chủ thẻ nên cạo (hoặc dùng băng keo dán) dãy 3-4 số cuối in ở mặt sau của thẻ (còn gọi là số CCV). Thứ hai, khi sử dụng loại thẻ ghi nợ (debit card) thì không nên để quá nhiều tiền trong tài khoản. Chỉ khi nào cần thanh toán một món đồ gì đó thì hãy gửi tiền vào tài khoản này để sử dụng.
Thứ ba, chủ thẻ nên sử dụng thanh toán trên điện thoại di động và cất giữ thẻ thật kỹ lưỡng. Thứ tư, luôn sử dụng những mật khẩu “mạnh” với các tài khoản online, đồng thời sử dụng bảo mật 2 lớp. Thứ năm, chủ thẻ cũng có thể yêu cầu ngân hàng tạm dừng việc giao dịch online, khi nào có nhu cầu mua sắm thì mới yêu cầu mở lại dịch vụ này.
Ngân hàng phát hành thẻ tín dụng hướng dẫn khách hàng chuyển số tiền trong thẻ tín dụng đến tài khoản cá nhân rồi...