"Soi" kết quả kinh doanh của đại gia thuê chuyên cơ đưa con gái về VN chữa Covid 19
Sasco, công ty chuyên bán hàng miễn thuế tại sân bay do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT, báo lãi quý I chưa đến 16 tỷ đồng.
Lợi nhuận công ty của ông Hạnh Nguyễn xuống thấp kỷ lục
Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19.
Trong 3 tháng đầu năm, Sasco đạt tổng doanh thu 543 tỷ, trong đó doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 523 tỷ đồng, sụt giảm 29% so với cùng kỳ 2018. Nguồn thu từ bán hàng ở cửa hàng miễn thuế, trung tâm thương mại, hoạt động phòng chờ đều sụt giảm.
Ban lãnh đạo công ty cho biết sự bùng phát của dịch Covid-19 là nguyên nhân chính ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh từ đầu tháng 2 đến nay.
Tổng chi phí của Sasco trong kỳ là 526 tỷ đồng, giảm 21%, thấp hơn mức giảm doanh thu. Một số khoản chi phí thậm chí còn đi ngang hoặc tăng so với quý I/2018 như chi phí nhân viên bán hàng; dụng cụ, đồ dùng; khấu hao tài sản cố định; tiền thuê mặt bằng; thuế, phí, lệ phí; dự phòng khoản phải thu khó đòi.
Do đó, lợi nhuận trước thuế của Sasco trong quý I chỉ đạt 17 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với cùng kỳ. Trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty lãi ròng 16 tỷ. Quý I năm trước, Sasco báo lợi nhuận sau thuế 84 tỷ.
Đây cũng là mức lợi nhuận thấp kỷ lục trong một quý của Sasco từ khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2015.
Cổ phiếu của bầu Đức vào diện bị kiểm soát
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa ra Quyết định tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) và đưa cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) vào diện kiểm soát kể từ ngày 23/04/2020.
Cụ thể, theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2019 của HAG, lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ HAG ghi nhận gần 217 tỷ đồng và lãi sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2019 hơn 290 tỷ đồng.
Cả 2 cổ phiếu của bầu Đức đều bị cảnh báo.
Tuy nhiên, Công ty kiểm toán tiếp tục đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn (tồn tại từ BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2017, 2018 và BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2019) và thêm ý kiến ngoại trừ liên quan đến thuế TNDN.
BCTC của HAG còn có ý kiến kiểm toán nhấn mạnh liên quan đến việc khoản nợ ngắn hạn của HAG tại ngày 31/12/2019 đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 1,016 tỷ đồng, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Như vậy, căn cứ theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2019 của Công ty tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ trọng yếu, HAG chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo.
Đối với cổ phiếu HNG, lãi sau thuế của cổ đông Công ty mẹ HNG năm 2018 âm hơn 659 tỷ đồng và năm 2019 âm gần 2,426 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2019 ghi nhận âm 2,324 tỷ đồng.
Do đó, cổ phiếu HNG bị đưa vào diện kiểm soát và sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận) kể từ ngày 23/04/2020.
Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đạt thỏa thuận giãn nợ mua máy bay
CTCP Hàng không Vietjet cho biết đã đạt được thỏa thuận với các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, để tạm hoãn việc thanh toán 70 - 80% khoản vay mua máy bay của mình trong 3 - 12 tháng, các bên cho vay bao gồm HSBC, Citibank và World Bank.
Vietjet cũng thông tin là họ đang tìm kiếm phương án để cắt giảm chi phí từ 30 - 70%, tạm hoãn thanh toán với các nhà cung cấp khác.
Đây là một phần trong những nỗ lực của chúng tôi để duy trì hoạt động bình thường và chuẩn bị cho sự phục hồi mạnh mẽ sau khi đại dịch kết thúc của hãng này.
Vietjet và các hãng hàng không khác của Việt Nam đã tiến hành tăng chuyến trở lại từ 16/4 theo chỉ đạo, điều hành của Cục hàng không Việt Nam. Chính phủ đã cho phép nới lỏng lệnh cách li xã hội đối với các tỉnh thành nguy cơ lây nhiễm thấp, tuy nhiên vẫn áp dụng biện pháp này với 12 tỉnh, thành nguy cơ cao, bao gồm cả Hà Nội và TP.HCM.
Con trai tổng giám đốc VPBank chi hơn 200 tỷ mua cổ phiếu
Ông Nguyễn Đức Giang vừa thông báo đăng ký mua 12 triệu cổ phiếu của ngân hàng VPBank theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn hoặc thỏa thuận từ 15/4 đến 14/5 để đầu tư tài chính cá nhân.
Ông Giang là con trai của Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh. Hiện con trai CEO VPBank chưa sở hữu cổ phần tại ngân hàng này. Nếu thực hiện thành công giao dịch, ông Giang sẽ nắm 0,5% vốn VPBank.
Cổ phiếu VPBank chốt phiên giao dịch ngày 10/4 ở vùng giá 18.650 đồng. Tạm tính theo mức giá này, số tiền con trai CEO VPBank bỏ ra để sở hữu 12 triệu cổ phần nhà băng này khoảng 224 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Vinh sinh năm 1958, là Tổng giám đốc của VPBank từ năm 2012. Trước đó, ông từng làm phó tổng giám đốc Vietnam Airlines và tổng giám đốc ngân hàng Techcombank.
Chủ tịch Novaland chi nghìn tỷ gom cổ phiếu trong 3 tháng
Ông Bùi Thành Nhơn đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phần Novaland để tăng tỷ lệ sở hữu khi giá cổ phiếu đang ở mức thấp nhất gần 2 năm qua.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Nova (Novaland) Bùi Thành Nhơn vừa đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu doanh nghiệp. Giao dịch dự kiến diễn ra từ 21/4 đến 20/5 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận nhằm tăng tỷ lệ sở hữu.
Tạm tính theo thị giá chốt phiên giao dịch ngày 17/4 52.700 đồng/cổ phiếu, số tiền ông Nhơn chi ra để mua vào 10 triệu cổ phần Novaland nói trên khoảng 527 tỷ đồng. Vùng giá hiện tại của cổ phiếu Novaland là mức thấp nhất tính từ tháng 7/2018.
Nếu hoàn tất giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của ông Bùi Thành Nhơn tại Novaland sẽ tăng từ 21,3% lên 22,3%.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong lúc dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến khá phức tạp, một số người có sẵn tiền mặt đã tranh thủ “săn” nhà...