Sinh viên “ôm nợ” 60 triệu và lý do bất ngờ
Trong suy nghĩ của nhiều người, nợ nần dường như là thứ gì đó rất khủng khiếp, mang đến sự sợ hãi, lo lắng đến “mất ăn mất ngủ”. Thế nhưng, nhiều bạn trẻ lại có cách nghĩ táo bạo khi cho rằng hãy cứ ôm nợ để có thêm động lực kiếm tiền.
“Ôm nợ” 60 triệu cho chiếc xe SH
Nguyễn Hữu Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tiết lộ rằng cậu đã quyết định “ôm nợ” gần 60 triệu để mua chiếc xe SH khi còn là sinh viên năm nhất. “Nhiều người bảo mình điên rồ, chỉ giỏi đua đòi theo đám bạn. Thế nhưng trước khi quyết định, mình đã có sự cân nhắc và tính toán cả rồi”, Nam cho biết.
Tại thời điểm mua xe, Hữu Nam chỉ có khoảng 30 triệu đồng tích cóp từ công việc làm thêm. Từ niềm yêu thích chụp ảnh, cậu bạn đã học thêm các phần mềm như Photoshop, Illustrator, Premiere,…để nhận các công việc chỉnh sửa ảnh và thiết kế, làm clip. Mỗi tháng cao điểm thu nhập của Hữu Nam có thể lên tới hơn 10 triệu đồng.
Vào sinh nhật năm 19 tuổi, tức là vào khoảng cuối năm nhất đại học, Nam đã đưa ra một quyết định rất “điên rồ” là mua tặng bản thân chiếc xe SH. Thời điểm đó, chiếc xe có giá hơn 90 triệu đồng.
“Đây vừa là món quà cho bản thân, vừa là động lực để mình làm việc và phát triển. Khi có khoản nợ lớn, mình buộc phải làm việc chăm chỉ để kiếm thật nhiều tiền”, cậu bạn chia sẻ.
Sau khi mua chiếc xe SH, mỗi tháng Nam phải dành riêng ra 5 triệu để trả góp. Để có thể đảm bảo nguồn thu nhập, chàng trai tìm kiếm thêm nhiều công việc và tích cực nâng cao kiến thức và tay nghề của mình. Khoản nợ đó đã là động lực để cậu bạn kiếm được số tiền gấp hàng chục lần và trở nên trưởng thành, bản lĩnh hơn trong cuộc sống.
Người trẻ thường liều lĩnh với các khoản nợ
Không chỉ riêng Hữu Nam, bạn Thu Ngân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) hiện đang làm nhân viên văn phòng với mức lương 12 triệu đồng/ tháng đã quyết định mua nhà khi mới 27 tuổi.
Ngân chia sẻ: "nhiều người nghĩ rằng mua nhà ở Hà Nội là ước mơ xa vời, nhưng bản thân mình đã và đang thực hiện điều đó”.
(Ảnh minh họa)
Sau khi tính toán và tìm hiểu, Ngân đã quyết định mua một căn chung cư ở ngoại thành với mức giá hơn 1 tỷ đồng. Với khoản tích lũy được gần 200 triệu và vay mượn bố mẹ thêm 300 triệu, số nợ mà cô bạn phải trả là hơn 500 triệu đồng.
“Cuộc sống trước đó của mình chỉ đơn giản là đi làm về và đi dạo, café với bạn bè. Nhưng mà sau khi ôm nợ, mình buộc phải năng động hơn trong việc tìm kiếm các mối quan hệ và mở mang thêm nhiều công việc. Ngoài công việc chính, mình hiện đang nhận viết content cho khoảng 3-4 đơn vị bên ngoài”, Ngân nói.
Với những khoản nợ quá lớn, nhiều người thường khá e dè và luôn rơi vào tình trạng bất an. Tuy nhiên, đối với những người trẻ nhạy bén, năng động, ưa thích trải nghiệm và phát triển thì việc “ôm nợ” và trả được nợ là điều hoàn toàn khả thi.
Để có thể tự tin vay nợ để thực hiện các mục tiêu của mình, điều quan trọng mà chúng ta cần phải học chính là kỹ năng quản trị tài chính và khả năng “nhìn xa trông rộng” trước mọi vấn đề. Hãy luôn là người chủ động trước mọi tình huống để những món nợ trở thành động lực chứ không phải áp lực đè nặng mỗi ngày.
Liên quan đến vấn đề này, Thạc sỹ Phạm Thế Thành - giảng viên Khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng có rất nhiều mục đích của việc vay vốn như vay để đầu tư, để khởi sự, mở rộng kinh doanh, để tiêu dùng hay sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp….
Cụ thể vị chuyên gia này cho biết, dù với mục đích nào, việc vay vốn chỉ nên được thực hiện sau khi đã nghiêm túc cân nhắc tình hình tài chính của bản thân và lên kế hoạch trả nợ rõ ràng cũng như tham khảo những giải pháp khác.
Theo ông Thành, mọi người cần tối ưu hóa thu - chi của bản thân trước bằng việc ghi chép và đánh giá các khoản thu chi của mình trong khoảng 2 tháng. Sau đó tự đặt những câu hỏi: Khoản chi tiêu nào có thể cắt giảm? Khoản thu nhập nào đáng lý ra có thể cao hơn? Mình cần bao nhiêu tiền cho các mục tiêu tài chính tiếp theo?
“Bên cạnh đó cũng cần tiết kiệm để đầu tư, xây dựng quỹ dự phòng rủi ro cá nhân. Hàng tháng, mỗi cá nhân nên lập kế hoạch, dành riêng một khoản thu nhập cho việc đầu tư hay phòng trường hợp khẩn cấp. Cách làm “trong an thì phải lo nguy” này giúp cho mỗi người thêm chủ động trước các biến động trong cuộc sống”, ông Thành nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Thu nhập hàng tháng được chia đều theo từng khoản chi cụ thể của mỗi cá nhân, vấn đề này nghe có vẻ rất đơn giản tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện được...