Phải đóng thuế thu nhập cá nhân nhưng gia đình vẫn “thiếu trước hụt sau”

Theo đó, nhiều người lao động trong diện đóng thuế cá nhân thừa nhận cuộc sống gia đình “vẫn thiếu trước hụt sau”, không có tích lũy bởi mức đóng thuế và giảm trừ gia cảnh hiện tại chưa phù hợp.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) của thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính cho hay, theo số liệu Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12-2019 so với thời điểm 1-7-2013 đã tăng 23,2%. Căn cứ quy định trên, Bộ Tài chính thấy cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức GTGC của thuế thu nhập cá nhân.

Nhiều gia đình cho rằng rất khó để chăm sóc tốt cho 1 đứa trẻ ở những thành phố lớn chỉ với 4,4 triệu đồng/tháng

Nhiều gia đình cho rằng rất khó để chăm sóc tốt cho 1 đứa trẻ ở những thành phố lớn chỉ với 4,4 triệu đồng/tháng

Cụ thể, việc Bộ Tài chính đề xuất nâng mức GTGC thêm 2 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và thêm 800.000 đồng/tháng cho người phụ thuộc. Do đó, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế tăng từ 9 triệu đồng lên mức 11 triệu đồng/tháng. Còn mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Theo giải trình từ Bộ Tài chính, việc điều chỉnh nâng mức GTGC sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với năm 2013. Đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng mức GTGC lên ngân sách, Bộ Tài chính cũng cho biết, số thu ngân sách sẽ giảm mỗi năm khoảng 10.300 tỉ đồng.

Mặc dù vậy, nhiều người lao động đang trong diện đóng thuế thu nhập cá nhân cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính là không còn phù hợp, do chi phí sinh hoạt tăng rất nhiều sau mỗi lần tăng lương.

Chị Lan (36 tuổi) quê Nam Định đang làm kế toán tại một công ty ở Cầu Giấy với mức lương 15 triệu đồng/tháng cho biết để nuôi 2 con một đang học lớp 6 và một đang học lớp 3 ở những trường công lập, vợ chồng chị đã phải chi ra số tiền trên dưới 8 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này là chưa kể đến chi phí học thêm hay chăm sóc y tế mỗi khi con ốm đau.

Chị cho biết, dù là một người đã đóng thuế thu nhập cá nhân trong suốt 2 năm gần đây, nhưng kinh tế gia đình lúc nào cũng “thiếu trước hụt sau” bởi sau khi trừ hết các khoản như bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân, công đoàn,… thì số tiền về tài khoản cũng chỉ còn hơn 14 triệu đồng. Trong khi đó chồng chị có thu nhập 12 triệu đồng/tháng.

Bà mẹ 2 con chia sẻ hiện chi phí hàng tháng của 4 người trong gia đình trung bình tầm 17 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh chị còn một khoản vay ngân hàng gần một tỷ đồng trong 15 năm để mua chung cư. Do đó, sau khi trừ hết các chi phí, số tiền tích lũy còn lại của gia đình là không nhiều. Mỗi khi có ý định đi du lịch hay về thăm bố mẹ hai bên anh chị đều phải tính toán rất kỹ.

Về mức giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc đang được áp dụng từ năm 2013 theo Luật thuế thu nhập cá nhân, chị Lan cho rằng rất khó để nuôi một đứa trẻ ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM với số tiền ấy. Chị cho biết khi nuôi con nhỏ thì tốn tiền sữa, bỉm, tiền khám bác sĩ mỗi khi ốm đau, thậm chí nhiều gia đình phải thuê người giúp việc. Khi lớn, thì mỗi đứa trẻ thêm tiền học, do đó chi phí không hề giảm đi.

Chị cho rằng người lớn có thể tiết kiệm một số khoản chi tiêu hay mua sắm. Nhưng để một đứa trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường thì chúng ta không thể quá tiết kiệm được.

Anh Lưu một kỹ sư xây dựng ở Hà Đông cho biết bản thân có thu nhập 18 triệu đồng/tháng nhưng do là lao động chính và đang phải đi thuê nhà nên mọi sinh hoạt trong gia đình đều phải rất tiết kiệm.

Người đàn ông 37 tuổi cho biết riêng tiền sữa mỗi tháng cho cô con gái 10 tháng tuổi đã hết khoảng 2,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình còn phải chi những khoản tiền khác như bỉm, quần áo và tiêm chủng dịch vụ. Anh chia sẻ chi phí nuôi con nhỏ mỗi tháng ít nhất cũng phải 5 triệu đồng, nếu con có ho sốt, phải đến khám bác sĩ thì chi phí sẽ nhiều hơn.

Về các khoản chi tiêu trong gia đình, anh chị đang thuê nhà gần 5 triệu đồng/tháng, các khoản ăn uống, điện nước, ga, xăng xe… của hai vợ chồng cũng hết gần 10 triệu nữa. Anh Lưu thừa nhận, dù có thu nhập cao nhưng là chưa đủ để trang trải tiền sinh hoạt cho cả gia đình. Do đó, giấc mơ mua nhà, mua xe của anh sẽ còn rất lâu nữa mới thực hiện được.

Tương tự chị Hương (ở Đống Đa) đang làm phiên dịch cho một công ty nước ngoài với mức lương 22 triệu đồng/tháng cho biết sau khi trừ đi các khoản thuế và bảo hiểm số tiền thực lĩnh chỉ còn gần 19 triệu đồng. Trong số tiền này, riêng chi phí mỗi tháng cho cậu con trai đang học lớp 11 ở một trường công lập cũng hết hơn 5 triệu đồng. Số tiền còn lại chỉ để trang trải cuộc sống cho 3 người trong gia đình, số tiền tích lũy dựa vào thu nhập hàng tháng của chồng.

Chia sẻ về đề xuất mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, chị Hương cho rằng đề xuất này chưa căn cứ vào tình hình chi tiêu thực tế của các gia đình.

Theo chị, khi xã hội ngày càng phát triển, mức thu nhập của người dân được nâng cao thì những chi phí cho những sinh hoạt cơ bản cũng tăng lên rất nhiều. Bên cạnh đó, việc đánh đồng mức thuế chịu thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh ở tất cả các địa phương cũng có phần bất cập bởi chi phí sinh hoạt ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM là đắt đỏ hơn những nơi khác.

Chị lấy ví dụ năm 2013 cầm 100.000đ đi chợ có thể mua được thức ăn một ngày cho cả gia đình 3 người. Thì nay với 100.000đ đó chỉ có thể mua được khoảng 6 lạng thịt lợn, để có một bữa ăn sung túc cho gia đình cũng phải lên tới 300.000 – 400.000đ.

Theo chị Hương, với số tiền 3-4 triệu vẫn có thể chăm sóc được cho con, nhưng với điều kiện phải chi tiêu rất tiết kiệm. Chị hy vọng Bộ Tài chính đưa ra mức giảm gia cảnh phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay. Điều này sẽ giúp nhiều gia đình có khoản tiền tiết kiệm hàng tháng, không chịu áp lực trả nợ ngân hàng khi mua nhà hay mua xe để phục vụ công việc và đời sống hàng ngày.

Thu nhập 15 triệu đồng/tháng không phải đóng thuế?

Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, dư luận và báo chí phản ánh gay gắt, Bộ Tài chính vừa xin ý kiến các bộ ngành, địa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN