Nóng tuần qua: Thêm 140 nghìn người tham gia sân chơi nóng trong tháng 6
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đã tăng 58% so với cả năm 2020.
Tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục lập kỷ lục
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa công bố nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 140.054 tài khoản trong tháng 6. Đây là mức mở mới cao kỷ lục và là tháng thứ 4 liên tiếp cá nhân mở mới trên 100.000 tài khoản.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, các cá nhân trong nước mở mới 619.911 tài khoản, cao hơn đến 58% so với cả năm 2020 – năm mà thị trường cũng ghi nhận số lượng mở mới cao kỷ lục (392.527 tài khoản).
Lũy kế từ đầu năm, cá nhân nước ngoài đã mở thêm 2.012 tài khoản.
Nhà đầu tư cá nhân nước ngoài chỉ mở mới 280 tài khoản trong tháng vừa qua, thấp hơn mức 423 tài khoản trong tháng 5. Lũy kế từ đầu năm, cá nhân nước ngoài đã mở thêm 2.012 tài khoản.
Như vậy tính đến hết tháng 6, toàn thị trường ghi nhận gần 3,4 triệu tài khoản chứng khoán, tăng hơn 22% so với thời điểm đầu năm.
Nhà đầu tư mới tham gia thị trường đang giúp cho thanh khoản tăng lên nhưng cũng gây ra tình trạng nghẽn lệnh do hệ thống không đáp ứng kịp thời. Thanh khoản bình quân trong tháng 6 tại HoSE tăng lên mức kỷ lục gần 23.680 tỷ đồng/phiên, tăng 5% so với tháng trước và bỏ xa mức 6.200 tỷ đồng của năm 2020.
Thu thuế bất động sản, chứng khoán tăng đột biến
Tổng cục Thuế cho biết, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá, chủ yếu do đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và tăng thu từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ của năm 2020.
Theo cơ quan này, một số ngành đạt mức tăng trưởng cao như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... đã góp phần quan trọng vào số thu trong 6 tháng đầu năm.
Thu thuế bất động sản, chứng khoán tăng đột biến
Cụ thể, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ chuyển nhượng bất động sản đạt khoảng 8.600 tỷ đồng, tăng 61,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tăng khoảng 4.500 tỷ đồng; lệ phí trước bạ nhà đất tăng khoảng 1.100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm nay, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ, tương đương với mức tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.
Bộ TNMT đề nghị sổ đỏ cần ghi tên cả vợ và chồng
Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có công văn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang tên cả vợ và chồng.
Công văn của Bộ TNMT nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, tránh các khiếu nại, khiếu kiện khi giải quyết các tranh chấp về đất đai, từng bước tạo điều kiện để người phụ nữ được chủ động tham gia các hoạt động về kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan 2 nội dung chính.
3 ngân hàng "bơm" 4.000 tỷ đồng cứu hãng bay quốc gia
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, sáng 7/7, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, ngay sau khi Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết về gói hỗ trợ vào cuối năm 2020, hãng đã làm việc với một số tổ chức tín dụng để tìm kiếm sự chấp thuận cho vay vốn mang tính nguyên tắc từ các ngân hàng trong bối cảnh tình hình tài chính bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
Giải pháp cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng của 3 tổ chức tín dụng này nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020, để góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại hãng hàng không quốc gia.
Ngân hàng đang lo tín dụng chậm lại
Vụ Dự báo, Thống kê (thuộc Ngân hàng Nhà nước) vừa có báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III. Dữ liệu được đưa ra dựa trên khảo sát tại toàn bộ TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, với tỷ lệ trả lời gần 95%.
Đáng chú ý, kết quả cuộc khảo sát cho thấy hầu hết ngân hàng đang lo ngại về việc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước sẽ khiến nhu cầu tín dụng tăng chậm lại nửa cuối năm.
Cụ thể, các TCTD dự báo dư nợ tín dụng của hệ thống tăng 4,7% trong quý III và đạt mức tăng 13,1% trong cả năm nay. So với kỳ điều tra trước, mức kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm đã giảm 1,6 điểm % (từ mức 14,7%).
Báo cáo cũng cho biết các nhóm TCTD đều điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng tín dụng của đơn vị mình trong năm nay so với kỳ vọng trước đó, do quan điểm thận trọng hơn trước tác động khó lường của dịch bệnh Covid-19 trong nửa cuối năm.
Trước đó, trong kỳ điều tra quý II, trong bối cảnh dịch Covid-19 được khống chế và cầu tín dụng tăng trở lại, nhiều TCTD đã kỳ vọng tín dụng tăng nhanh từ cuối quý II đến cuối năm, đưa tăng trưởng tín dụng cả năm nay đạt 14,7%.
Nguồn: [Link nguồn]