Nóng tuần qua: “Soi” mức lương của Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội
Quốc hội vừa thông qua mức lương của Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.
Mức lương Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội khi tăng lương cơ sở
Với mức lương cơ sở 1,6 triệu đồng vừa được Quốc hội thông qua, lương của Chủ tịch nước tăng lên 20,8 triệu đồng/tháng, lương của Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội là 20 triệu đồng.
Mức lương này được áp dụng theo lương cơ sở mới tính từ 1/7/2020, áp vào bảng lương chức vụ theo Nghị quyết 730/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mức lương này được áp dụng theo lương cơ sở mới tính từ 1/7/2020. Ảnh: Vietnamnet
Mức lương của cán bộ lãnh đạo được tính theo công thức: lương cơ sở 1,6 triệu đồng nhân với hệ số lương theo ngạch bậc. Theo đó, lương bộ trưởng cao nhất 16,48 triệu đồng.
Cũng theo cách tính này, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ có 2 bậc lương với mức 15,52 và 16,48 triệu đồng. Cụ thể, với lương bậc 1, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ có hệ số 9,70 nhân với lương cơ sở 1,6 triệu cho ra mức lương 15,52 triệu đồng.
Với bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ lương bậc 2 có hệ số 10,30 nhân với lương cơ sở ra mức lương 16,48 triệu đồng.
So với mức lương hiện nay (14,453 triệu đồng ở bậc 1 và 15,347 triệu đồng bậc 2), lương của các bộ trưởng trong thời gian tới sẽ tăng lần lượt 1,067 triệu đồng và 1,133 triệu đồng.
Ngoài mức lương này, các chức danh lãnh đạo còn được hưởng thêm một số phụ cấp kèm theo tùy mỗi chức danh, lĩnh vực như: phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc…
Khoanh vùng bảo hộ công trình khai thác nước sạch sau sự cố nước sông Đà
Sau sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và thực hiện xác định, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với các công trình khai thác nước trên địa bàn thành phố.
Công văn nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc chỉ đạo một số biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hệ thống cấp nước sạch của TP. Hà Nội, trong đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Xây dựng, Công an thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các nhà máy nước lập khoanh vùng bảo vệ nguồn nước đầu vào và xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước theo khoanh vùng; tổ chức thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị là chủ đầu tư hoặc được giao quản lý, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất, nước mặt để xử lý, cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải triển khai lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định tại Quyết định số 8430/QĐ-UBND, ngày 5/12/2017 của UBND thành phố về việc công bố Thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực tài nguyên nước thuộc chức năng quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn TP Hà Nội; hoặc liên hệ với Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định hoàn thành trước ngày 15/12/2019 để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
Đồng thời, lập vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với các công trình khai thác, sử dụng nước theo quy định tại Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT, ngày 9/9/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định.
Đối với các đơn vị đã được UBND thành phố phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với UBND các phường, xã, thị trấn triển khai xác định ranh giới phạm vi của vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình trên thực địa sau khi được phê duyệt và công bố; yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện quyết định phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đã được phê duyệt…
Hà Nội tính dùng phương án từ 40 năm trước để cứu sông Tô Lịch
UBND thành phố Hà Nội vừa xin ý kiến các nhà khoa học hoàn thiện Dự án Xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Theo đề án này, nước từ sông Hồng sẽ được bổ cập vào hồ Tây sau đó điều tiết ra sông Tô Lịch, để pha loãng và làm sạch con sông này.
Ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội cho hay, đề án nêu trên do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, Công ty và Viện kỹ thuật tài nguyên nước (Đại học Thủy Lợi) là đơn vị tư vấn.
Thành phố Hà Nội cũng cho biết, sẽ xây dựng một con đập cao su (có đường kính 1,5 m, cao 2,5 m) ở cuối nguồn sông Tô Lịch.
Cụ thể, thành phố dự tính đặt trạm bơm cố định nằm cách chân cầu Nhật Tân khoảng 600 m, về phía hạ lưu. Hệ thống đường ống xả sau máy bơm gồm 4 ống đường kính 600 mm, kết nối vào đường ống chung có đường kính 1.200 mm, dẫn đến bể xử lý nước cạnh công viên nước hồ Tây. Tổng chiều dài đường ống dẫn nước khoảng 1.960 m, chạy dọc theo ngõ 464 Âu Cơ - Lạc Long Quân vào ngõ 612 Lạc Long Quân đến mương tiêu cạnh hồ Tây, vào bể lắng xử lý phù sa sông Hồng.
Trong đề án, thành phố Hà Nội cũng cho biết, sẽ xây dựng một con đập cao su (có đường kính 1,5 m, cao 2,5 m) ở cuối nguồn sông Tô Lịch, cách thượng lưu 11,7 km. Với đập cao su này, đơn vị liên quan sẽ khống chế cao độ mực nước trên sông, đảm bảo mục tiêu khai thác giao thông thủy và giải quyết úng ngập trong mùa mưa bão.
UBND TP. Hà Nội cho rằng, dự án trên mang tính bền vững và sẽ khắc phục được một số hạn chế mà các vấn đề về quy hoạch cũng như các dự án khác đang triển khai nhưng chưa giải quyết được tình trạng ô nhiễm ở hồ Tây và sông Tô Lịch.
Nước từ sông Hồng được bơm vào hồ Tây, khi đạt mực nước cần thiết sẽ cho mở các cửa xả ra sông Tô Lịch. Với phương án này, mỗi ngày TP. Hà Nội dự kiến bơm hơn 134.000 m3 nước vào hồ Tây (bơm 26 ngày/tháng). Khái toán kinh phí cho dự án khoảng 150 tỷ đồng.
Hà Nội sắp làm tuyến đường trên 540 tỷ đồng tại quận Nam Từ Liêm
Tại Kỳ họp thứ 12 (Kỳ họp bất thường) của HĐND quận Nam Từ Liêm khóa II, nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra mới đây, 100% các đại biểu tham gia đã thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thống nhất mục tiêu đầu tư, phương án sử dụng và cân đối nguồn vốn dự án: Xây dựng tuyến đường từ Trạm bơm Cầu Ngà qua đường 70 đến hết địa phận quận Nam Từ Liêm (tuyến đường ven sông Cầu Ngà).
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường và bổ sung cầu vượt đường sắt tại nút giao cắt với tuyến đường sắt đô thị số 6 nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, đường bộ, phù hợp với quy hoạch của mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn Thành phố và hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng khung của quận.
Tuyến đường này cũng đảm bảo mạng lưới giao thông trên địa bàn quận được thông suốt, góp phần hoàn thiện quy hoạch giao thông của Thành phố, giảm thiểu ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tạo đô thị văn minh, hiện đại, môi trường xanh, sạch đẹp.
Văn bản của UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, thời gian thực hiện dự án điều chỉnh từ năm 2018 - 2020. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là hơn 541 tỷ đồng, tăng so với mức gần 393 tỷ đồng theo phương án đã được phê duyệt trước đây .
Quốc hội duyệt chi hơn 1 triệu tỷ đồng ngân sách trung ương năm 2020
Sáng 14/11, với 90,48% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị tổng số thu ngân sách trung ương là hơn 851.768 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 660.531 tỷ đồng.
Quốc hội cũng quyết tổng chi ngân sách trung ương là 1.069.568 tỷ đồng (hơn 1 triệu tỷ đồng), trong đó dự toán 367.709 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Quốc hội cũng quyết định năm 2020 chi trả nợ lãi 115.400 tỷ đồng, chi thường xuyên gần 480.000 tỷ đồng. Mức chi cho đầu tư phát triển là 220.000 tỷ đồng, chi hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể là 55.066 tỷ đồng.
Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết trong điều kiện thu ngân sách còn khó khăn, nguồn thu ngân sách Trung ương phụ thuộc nhiều từ thu dầu thô, thu hoạt động xuất nhập khẩu và nguồn thu phân chia giữa ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương đang có xu hướng giảm, thì việc Chính phủ dự kiến bố trí 220.000 tỷ đồng cho chi đầu tư phát triển, tương ứng tỷ lệ tăng 11,7% so với dự toán năm 2019 đã thể hiện nỗ lực trong công tác điều hành ngân sách Nhà nước.
“Tuy nhiên, sau khi loại trừ các khoản chi cụ thể, thì nguồn phân bổ còn lại của ngân sách Nhà nước chỉ khoảng 112.900 tỷ đồng, đây là mức thấp so với yêu cầu phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương”, ông Hải nói.
Do đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Một tuần giao dịch buồn nhiều hơn vui khiến tài sản của các tỷ phú chứng khoán hàng đầu Việt Nam đều hao hụt.
Nguồn: [Link nguồn]