Nóng tuần qua: Sắp siết chặt thuế người buôn bán online
Bộ Tài chính dự kiến sẽ gắn trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử và các trung gian thanh toán trong việc quản lý thu thuế đối với cá nhân kinh doanh online.
Xây quy định quản chặt người bán hàng online
Tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, cơ quan thuế sắp tới sẽ làm việc với các sàn thương mại điện tử, ngân hàng để quản lý thuế đối với đối tượng kinh doanh thương mại điện tử qua các sàn thương mại để đạt hiệu quả hơn.
Đây được cho là quản lý đầu mối liên quan đến nền tảng, môi trường hoạt động của thương mại, đồng thời là dòng tiền đến và đi, các trung gian tài chính khác.
Các đơn vị trung gian được yêu cầu khai thông tin và thậm chí nộp thuế thay nếu nắm dòng tiền cho cá nhân và hộ kinh doanh. Như vậy, các sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee, Sendo... hoặc các đơn vị giao nhận sẽ có trách nhiệm thông tin cho cơ quan thuế.
Hình ảnh một buổi bán hàng online.
Còn đối với người kinh doanh online trên nền tảng Facebook hoặc tương tự như Facebook, cơ quan thuế các cấp sẽ khai thác dữ liệu công bố trên trang bán hàng, fanpage để xác định danh tính cá nhân kinh doanh online, từ đó tìm cách thu thuế.
Hiện, theo quy định, các cá nhân, tổ chức phải tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về nghĩa vụ thuế của mình. Nếu cá nhân trốn thuế bằng cách này hay cách khác cũng sẽ bị cơ quan thuế tìm ra dựa trên các "dấu vết" thanh toán, hồ sơ thanh toán, giao dịch trên thương mại điện tử từ đó truy thu hoặc phạt thuế.
Bộ GTVT: Chưa tính đến việc áp giá sàn vé máy bay
Những ngày qua, câu chuyện giá trần, giá sàn vé máy bay lại đang được dư luận quan tâm khi Hãng hàng không Vietnam Airlines có báo cáo đã kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam xem xét điều chỉnh tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất của Vietnam Airlines về giá sàn và nới giá trần vé máy bay. Đây không phải là lần đầu hãng hàng không này đề xuất giá sàn. Việc đề xuất là bình thường vì tùy theo hình thức, chiến lược kinh doanh của từng hãng.
Hãng hàng không Vietnam Airlines có báo cáo đã kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam xem xét điều chỉnh tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay.
Nhưng giá trần, giá sàn liên quan đến hành khách nhiều nên phải đánh giá tác động, xin ý kiến nhiều cơ quan liên quan. Muốn thay đổi giá trần, ban hành giá sàn thì Bộ GTVT phải ban hành thông tư mới thực hiện được.
Đề xuất này, ngay lập tức đã gặp phải sự phản đối từ dư luận và các chuyên gia, sau đó, Bộ GTVT đã không chấp thuận đề xuất này.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện chưa nhận được đề xuất về điều chỉnh khung giá từ Vietnam Airlines. Tuy nhiên, với thị trường hàng không Việt Nam hiện nay đang có sự tham gia của nhiều hãng hàng không tư nhân, do đó, việc điều chỉnh giá cần phải theo cơ chế thị trường. Khung pháp luật đã có quy định vấn đề này thì cần vận dụng và thực hiện theo đúng quy định.
Ngân hàng dự báo tín dụng tăng 15% năm 2021-2022
Theo báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2021 của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo Thống kê (thuộc Ngân hàng Nhà nước) thực hiện, hầu hết nhà băng đều kỳ vọng dư nợ tín dụng của hệ thống có thể tăng 5,09% trong quý II và tăng 14,7% trong cả năm 2021.
Dự báo mới này đã tăng hơn 1,7 điểm % so với kỳ vọng hồi đầu năm là 13%, cho thấy tăng trưởng tín dụng thực tế gần đây đã cao hơn so với đầu năm.
Bên cạnh đó, so với kết quả ghi nhận tại kỳ điều tra tháng 12/2020, trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cỡ nhỏ và nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính, các nhóm tổ chức tín dụng còn lại đều nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng của mình trong năm nay.
Ngoài ra, dự báo trong năm 2022, tăng trưởng dư nợ tín dụng của nền kinh tế cũng có thể đạt 15%.
Trong báo cáo mới công bố, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (thuộc NHNN) cho biết đến hết ngày 31/3, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã 2,93%, cao hơn nhiều so với mức 1,3% cùng kỳ năm trước. Với mức tăng này, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng.
HoSE tạm dừng nhận giao dịch cổ phiếu mới
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng vừa có Công văn số 1339/UBCK về giải pháp giảm tải cho hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) gửi HoSE, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).
Trong đó, cơ quan quản lý chứng khoán cho biết nhằm giảm tải cho hệ thống giao dịch của HoSE thời điểm này, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký niêm yết cổ phiếu mới tại sàn TP.HCM thì HoSE vẫn sẽ thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, sau khi được HoSE thẩm định và cấp Quyết định niêm yết, cổ phiếu sẽ được tạm thời giao dịch trên HNX. Khi hiện tượng nghẽn lệnh được xử lý, doanh nghiệp chuyển sang HOSE mà không xem xét lại hồ sơ.
Đối với doanh nghiệp có nhu cầu chuyển niêm yết từ HNX sang HoSE, thủ tục cũng tiến hành tương tự.
Các cơ chế giao dịch, giám sát giao dịch, quản lý niêm yết, chế độ báo cáo và công bố thông tin… đối với các doanh nghiệp có cổ phiếu được HoSE chấp thuận niêm yết và chuyển sang giao dịch tạm thời trên HNX áp dụng chung như với doanh nghiệp niêm yết trên HNX.
Ủy ban Chứng khoán yêu cầu 2 Sở giao dịch phối hợp giám sát giao dịch đối với các cổ phiếu này để đảm bảo tính liên tục trong công tác giám sát.
Bộ Tài chính chi hơn 1.000 tỷ phục vụ phòng chống Covid-19
Bộ Tài chính cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 3 ước đạt gần 111.600 tỷ đồng; lũy kế thu quý I đạt 403.700 tỷ, bằng 30,1% dự toán, tăng 0,3% so cùng kỳ năm 2020.
Tổng số thu thuế ước đạt 86.000 tỷ đồng, bằng 27,3% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 31.100 tỷ đồng, bằng 22,8% dự toán.
Ở chiều ngược lại, tổng chi cân đối NSNN tháng 3 ước đạt 124.100 tỷ đồng; lũy kế chi quý I đạt 341.900 tỷ đồng, bằng 20,3% dự toán, tăng 0,2%.
Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, bảo đảm các nhiệm vụ chi an sinh xã hội.
Sử dụng dự phòng Trung ương 1.065 tỷ đồng để bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đây là nhận định của ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - tại họp báo Chính phủ thường kỳ mới...
Nguồn: [Link nguồn]