Nóng tuần qua: Nhiều quy định mới siết chặt hoạt động bán hàng đa cấp

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Theo đề xuất của Bộ Công thương, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có vốn đầu tư nước ngoài trước khi đầu tư vào Việt Nam phải hoạt động tại quốc gia khác ít nhất là ba năm.

Đề xuất siết điều kiện đăng ký bán hàng đa cấp

Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2016 đến nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp giảm 2/3. Trong đó, 1/3 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 1/3 số khác bị chấm dứt hoạt động do không hiệu quả. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu đăng ký hoạt động mới.

Theo cơ quan này, kinh doanh đa cấp đã xuất hiện hàng trăm năm và được thừa nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về bản chất của kinh doanh đa cấp, bởi có nhiều vụ việc lừa đảo xảy ra trên cơ sở lợi dụng mô hình này, kể cả ở các nước châu Âu. Do vậy, nhiều quốc gia thực hiện cơ chế sàng lọc doanh nghiệp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân.

Do đó, trong đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung điều kiện đăng ký hoạt động. Cụ thể, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trước khi tham gia thị trường Việt Nam phải hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu 3 năm ở một quốc gia khác.

Ngân hàng không cung cấp thông tin đại trà cho cơ quan Thuế

Hiện nay, tại Nghị định 126 của Chính phủ quy định chi tiết của Luật Quản lý thuế có nội dung ngân hàng phải gửi các thông tin tài khoản cá nhân cho cơ quan thuế khi có yêu cầu. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế khẳng định, cơ quan thuế chỉ quy định ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế, trong đó chỉ có tài khoản thanh toán, không có tài khoản tín dụng, tiết kiệm. 

 Ngân hàng chỉ cung cấp thông tin tài khoản thanh toán cho cơ quan Thuế.

 Ngân hàng chỉ cung cấp thông tin tài khoản thanh toán cho cơ quan Thuế.

"Mọi người hay hiểu nhầm là ngân hàng phải cung cấp các giao dịch định kỳ. Không phải! Quy định của Nghị định 126 là ngân hàng chỉ cung cấp các tài khoản định kỳ của cá nhân, các giao dịch định kỳ khác chỉ khi cá nhân đó có các dấu hiệu vi phạm về thuế. Cơ quan thuế phân tích rủi ro có kết quả, mới yêu cầu đưa đích danh thông tin cá nhân. Cơ quan thuế không được quyền yêu cầu phía ngân hàng cung cấp thông tin đại trà", Tổng cục Thuế khẳng định.

Ngành thuế sẽ tiếp cận thông tin có tính chất chọn lọc, không phải tài khoản nào cũng yêu cầu ngân hàng cung cấp đích danh.  

Đề xuất không gia hạn giảm 50% phí trước bạ với ôtô

Bộ Tài chính mới đây đã có Công văn số 14246/BTC-CST báo cáo Thủ tướng và công văn số 14247/BTC-CST xin ý kiến các bộ, ngành về việc rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, mục đích của 2 văn bản kể trên nhằm gia hạn thêm 6 tháng (đến hết ngày 30/6/2021) đối với một số khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh giảm tại 21 thông tư được Bộ Tài chính ban hành trong năm 2020.

Bộ Tài chính đề xuất không gia hạn giảm 50% phí trước bạ với ôtô

Bộ Tài chính đề xuất không gia hạn giảm 50% phí trước bạ với ôtô

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính cho rằng cần gia hạn thêm một số chính sách miễn, giảm phí.

Cơ quan quản lý tài khóa đề xuất gia hạn việc miễn thuế môn bài đối với nhiều đối tượng như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; miễn lệ phí năm đầu đối với doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập mới… 

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết việc gia hạn nói trên không được áp dụng với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước theo quy định tại Nghị định 70/2020/NĐ-CP Chính phủ ban hành trước đó.

Theo đó, Nghị định 70 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP và có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020.

Thủ tướng quyết định cấp thêm 670 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão lũ

Thủ tướng vừa quyết định cấp thêm 670 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.

Cụ thể, tạm cấp bổ sung 670 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 9 địa phương gồm Nghệ An 50 tỷ đồng, Hà Tĩnh 50 tỷ đồng, Quảng Bình 50 tỷ đồng, Quảng Trị 70 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế 50 tỷ đồng, Quảng Nam 130 tỷ đồng, Quảng Ngãi 150 tỷ đồng, Bình Định 70 tỷ đồng và Kon Tum 50 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do bão số 5, 6, 7, 8, 9 và mưa lũ tháng 10 năm 2020 gây ra.

Theo đó, ưu tiên thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ dân sinh (hỗ trợ gia đình có người bị chết, mất tích, nhà ở bị hư hỏng), di dân khẩn cấp, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại.

Khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng nặng do bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất: y tế, trường học, công trình cung cấp nước sạch, thủy lợi, đê điều.

Hãng bay tư nhân xin được vay ưu đãi

Tại hội thảo Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam, do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam tổ chức, đại diện các hãng hàng không Việt đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất để đưa ngành vượt qua đại dịch Covid-19.

Vietjet kiến nghị được các ngân hàng thương mại hỗ trợ vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi trong vòng 3-5 năm. Có thể chỉ định 2 ngân hàng Nhà nước có tiềm lực mạnh cùng tham gia hỗ trợ. Hãng bắt đầu trả nợ và lãi trong vòng 3 năm, kể từ 2023-2025.

Cùng với đó, Bamboo Airlways kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chung cho các hãng chứ không riêng bằng hình thức cho vay tái cấp vốn. Các hãng đi vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại với lãi suất 2-3%, thời hạn vay 2-3 năm và đảm bảo bằng tài sản.

Đã chặn hơn 52.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác

Báo cáo từ 4 nhà mạng gồm VNPT, MobiFone, Viettel và iTelecom được tổng hợp bởi Cục Viễn thông cho thấy đã có 17.507 thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị chặn chỉ trong tháng 10. Trong đó, Viettel chặn được nhiều nhất với gần 10.000 cuộc gọi rác.

Tính từ tháng 7, các nhà mạng đã chặn tổng cộng 52.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, tức cuộc gọi quảng cáo, tiếp thị, quấy rối người dùng di động.

Cục Viễn thông cùng các doanh nghiệp đã thống nhất 5 tiêu chí để xác định cuộc gọi rác, bao gồm tần suất thực hiện cuộc gọi, tỷ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn, tỷ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn, tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ và đặc điểm hành vi sử dụng.

Ngoài các mức quy định xử phạt tại Nghị định 91, hành vi gửi tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo đến các thuê bao trong danh sách không quảng cáo còn bị xử phạt theo Nghị định 15/2020 với mức phạt tiền 80-100 triệu đồng (theo quy định tại khoản 7a, Điều 94).

Từng khởi nghiệp với mì tôm, nay thành tỷ phú, đại gia giàu cả Việt Nam biết đến

Trước đây, các đại gia này đều có thời gian khởi nghiệp với sản xuất mì tôm ở nước ngoài, hiện nay có khối tài...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Vy ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN