Nóng tuần qua: Người dân, DN ảnh hưởng bởi Covid-19 sắp được nhận hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ đồng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính về một số giải pháp thu ngân sách trong năm nay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Duyệt đề xuất ngân sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng Covid-19

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính về sự cần thiết bổ sung các giải pháp tiếp theo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chịu tác động của dịch Covid-19.

 Bộ Tài chính đã đề xuất gói hỗ trợ về thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid-19

 Bộ Tài chính đã đề xuất gói hỗ trợ về thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid-19

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan, trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất khóa XV, khẩn trương hoàn thiện đề xuất ban hành các văn bản pháp luật phù hợp theo trình tự thủ tục rút gọn về các giải pháp tiếp theo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/8, để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

"Trong đó cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ các giải pháp chính sách hỗ trợ đã thực hiện vừa qua, trên cơ sở đó, xác định sự cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung về đối tượng thụ hưởng, nội dung chính sách, thời hạn thực hiện... bảo đảm các chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời lưu ý lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách" - Phó Thủ tướng lưu ý.

Được biết, tại kì họp Quốc hội mới diễn ra gần đây, Bộ Tài chính đã đề xuất gói hỗ trợ về thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid-19 lên tới  24 nghìn tỷ đồng.

Bộ Công Thương hỏa tốc đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho tài xế, phụ xe

Ngày 30/7, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương bổ sung đối tượng lao động trong các ngành vận tải logistic như: lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu... là đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin như lực lượng tuyến đầu chống dịch của Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022.

Bộ Công Thương hỏa tốc đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho tài xế, phụ xe.

Bộ Công Thương hỏa tốc đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho tài xế, phụ xe.

Việc này theo Bộ Công Thương là nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hóa được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua do chưa đánh giá được đúng vai trò của đội ngũ lao động này, nhiều địa phương chưa ưu tiên thực hiện các chính sách phòng dịch, đặc biệt là ưu tiên tiêm vắc xin cho họ.

"Từ đó dẫn đến các quy trình kiểm tra dịch rất phức tạp, tốn kém, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp", lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

CPI tăng thấp nhất 6 năm

Tại báo cáo tình hình kinh tế xã hội, Tổng cục Thống kê cho biết CPI tháng 7 tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với tháng 7/2020. Bình quân 7 tháng đầu năm, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

“Giá lương thực, thực phẩm tăng tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 do người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng cường tích trữ; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 7 tăng”, cơ quan thống kê lý giải.

Trong khi đó, lạm phát cơ bản tháng 7 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng đầu năm nay tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra 20 dự án sai quy hoạch tại Hà Nội

Thanh tra Chính phủ mới công bố kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hà Nội, giai đoạn 2003-2016.

Kết luận thanh tra cho thấy hàng loạt dự án tại Hà Nội có vi phạm quy hoạch xây dựng.

Cụ thể là dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại tại lô đất 2.6 - NO Lê Văn Lương; chung cư cao tầng và trung tâm thương mại - văn phòng 250 Minh Khai; trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng và nhà ở cao tầng số 87 đường Lĩnh Nam; khu nhà ở cao tầng, văn phòng làm việc và nhà ở thấp tầng 89 phố Thịnh Liệt; dự án văn phòng làm việc và cho thuê tại 210 Trần Quang Khải và 17 Tôn Đản; dự án Sakura Tower số 47 Vũ Trọng Phụng; trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ để bán và cho thuê tại 302 Cầu Giấy...

Các lỗi vi phạm phổ biến là xây vượt số tầng được cấp phép, xây sai mật độ xây dựng, sai hệ số sử dụng đất, xây thêm tầng hầm, tầng kỹ thuật, nâng chiều cao các tòa nhà.

HoSE thu 10 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố doanh thu thuần bán niên kỷ lục hơn 1.300 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ.

Trong nửa đầu năm Sở này đã vận hành tổng cộng 125 phiên giao dịch, tạm tính số tiền thu mỗi phiên khoảng 10,4 tỷ đồng. Theo cơ cấu, nguồn thu chủ yếu đến từ dịch vụ giao dịch chứng khoán với tỷ trọng đóng góp đến gần 94% doanh thu và gấp 3,7 lần so với cùng kỳ.

Ngoài ra còn có doanh thu hoạt động cung cấp dịch vụ hơn 53 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ niêm yết hơn 7 tỷ đồng và doanh thu khác hơn 22 tỷ đồng.

Mặc dù tỷ lệ thu phí giảm, nguồn thu của HoSE lại tăng mạnh, điều này là nhờ thanh khoản thị trường chứng khoán bùng nổ. VN-Index ghi nhận mức tăng 27,6% trong nửa đầu năm và là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thứ 2 trên thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Đại gia tuần qua: Lộ khối tài sản ”khủng” của Chủ tịch VPBank

VPBank hé lộ tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng và một số cá nhân, tổ chức liên quan đến gia đình...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Lý ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN