Nóng tuần qua: Một tỉnh đề xuất chi 4.000 tỷ để xây 10 km cao tốc
Tuyến cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn từ đường Vành đai 4 đến Quốc lộ 18 có chiều dài 10,3 km được đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công với vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.
Đề xuất chi 4.000 tỷ đồng xây 10 km cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản báo cáo và đề nghị Thủ tướng cho phép đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn từ đường Vành đai 4 đến Quốc lộ 18 theo hình thức đầu tư công.
Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất xây dựng dự án theo quy mô mặt cắt ngang 100 m, kinh phí thực hiện khoảng 4.000 tỷ đồng bằng ngân sách tỉnh Bắc Ninh và các nguồn hợp pháp khác.
Đề xuất chi 4.000 tỷ đồng xây 10 km cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại.
Dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn từ đường vành đai 4 đến Quốc lộ 18 có chiều dài khoảng 10,3 km. Điểm đầu giao với đường vành đai 4; điểm cuối giao với Quốc lộ 18. Hướng tuyến vẫn sẽ thực hiện theo quy hoạch giao thông được Thủ tướng phê duyệt ngày 17/10/2018.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh (tổng chiều dài khoảng 20 km) được Thủ tướng cho phép đầu tư theo hình thức đối tác công tư (BT) vào ngày 31/01/2020, đồng thời giao UBND tỉnh Bắc Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, ngày 18/6/2020, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác Công tư. Theo đó, dự án nằm trong diện bãi bỏ thực hiện theo hình thức BT.
Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm tiền ra
Ghi nhận trong báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 25-29/4, SSI Research cho biết thị trường tiền tệ đã khép lại tháng 4 với diễn biến bật tăng mạnh của lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, cho thấy thanh khoản các ngân hàng đã gặp căng thẳng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày.
Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm tiền ra.
Theo dữ liệu thị trường, trong tuần cuối cùng tháng 4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm 4.300 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Các giao dịch chủ yếu được thực hiện vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng, trong đó, riêng lượng tín phiếu cơ quan quản lý tiền tệ bơm ra trong ngày 29/4 đã là 3.100 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch này, chỉ 2 thành viên tham gia nhận thanh khoản tiền Đồng từ NHNN, tuy nhiên giá trị giao dịch đã tăng gấp 9-10 lần so với những ngày trước đó. Đây cũng là phiên ghi nhận khối lượng bơm tiền từ NHNN lớn nhất trong tháng 4.
Ở chiều ngược lại, tổng khối lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần chỉ là 987 tỷ đồng, điều này khiến khối lượng tín phiếu đang lưu hành có giá trị lên tới 6.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính phản đối đề xuất xin miễn, giảm thuế của các hãng hàng không
Thời gian qua, một số hãng hàng không kiến nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm nay, giảm thuế VAT xuống mức 5% và điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không từ mức 7% xuống 0%.
Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, Bộ Tài chính cho biết trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ này đã nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp ngành hàng không), tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ là khoảng 129.000 tỷ đồng. Trong năm 2021, các giải pháp hỗ trợ đã được tiếp tục triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145.000 tỷ đồng.
Theo cơ quan này, trong bối cảnh cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, việc đặt vấn đề bổ sung thêm các giải pháp để hỗ trợ cho ngành hàng không cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước.
Trái phiếu "nóng", UBCKNN gửi "tối hậu thư" đến các công ty chứng khoán
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây có Công văn số 2488 về việc yêu cầu các công ty chứng khoán tiếp tục thực hiện các nội dung cụ thể liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, đối với hồ sơ chào bán trái phiếu, các công ty chứng khoán phải rà soát chặt chẽ, đảm bảo doanh nghiệp phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định tại Nghị định số 153/2020 của Chính phủ và pháp luật chứng khoán. Các công ty chứng khoán sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc rà soát của mình.
Đối với các hợp đồng tư vấn đang triển khai, công ty chứng khoán được yêu cầu rà soát lại toàn bộ hồ sơ của doanh nghiệp, chất lượng các thành phần hồ sơ cung cấp, đặc biệt là báo cáo tài chính, tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn từ đợt phát hành trái phiếu, hồ sơ về tài sản đảm bảo để yêu cầu doanh nghiệp công bố lại thông tin cho HNX trước khi phát hành.
Hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán chịu sự quản lý, giám sát của UBCKNN, tổ chức tư vấn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo định kỳ cho UBCKNN. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp thành lập mới tháng 4 đạt kỷ lục
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 4 này, hoạt động khởi sự kinh doanh khởi sắc mạnh mẽ. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất từ trước đến nay với 15.000 doanh nghiệp.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60,6% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 17,5%.
Cụ thể, theo Tổng Cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 49.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 635.300 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 348.200 lao động, tăng 12,3% về số doanh nghiệp, tăng 1,2% về vốn đăng ký và tăng 2,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 12,8 tỷ đồng, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả hơn 1,34 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 17.100 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm nay là hơn 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: [Link nguồn]
Chỉ một tuần sau khi bị Moscow cắt đứt nguồn cung, Ba Lan vẫn tiếp tục tìm cách tiếp cận khí đốt của Nga thông qua các đồng minh.