Nóng tuần qua: Khủng hoảng do Covid-19, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm?
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy 30% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% chỉ trụ được nửa năm trong bối cảnh chịu ảnh hưởng dịch bệnh.
Doanh nghiệp lao đao vì Covid-19
Theo kết quả khảo sát nhanh của VCCI, gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp; gần 60% doanh nghiệp thiếu vốn và đứt dòng tiền; trên 40% doanh nghiệp thiếu nguồn cung nguyên liệu, 82% doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu so với năm 2019…
82% doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu so với năm 2019.
Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm, trên 75% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động. Hệ lụy này có thể khiến hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc trong những tháng tới.
Trên cơ sở tập hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI kiến nghị với Thủ tướng một số giải pháp mới để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thêm 3.000 tỷ hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội
Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 về giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NOXH), Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và bổ sung 2.000 tỷ để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay NOXH.
Thị trường gặp khó khăn sau khi gói vay mua nhà 30.000 tỷ đồng kết thúc.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập để trình Chính phủ xem xét, han hành trong quý IV/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn, đề xuất đổi mới phương thức và cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng được yêu cầu phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển NOXH, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, nhất là công nhân.
Quyết định của Chính phủ được đưa ra sau khi các doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất cần có thêm gói vay ưu đãi dành cho người mua nhà xã hội do thị trường gặp khó khăn sau khi gói vay mua nhà 30.000 tỷ đồng kết thúc.
Bộ Tài chính: Đồng ý giảm giá điện nhưng không được để lỗ treo
Bộ Tài chính đồng ý đề xuất giảm giá điện của EVN nhưng đề nghị doanh nghiệp cân đối không để xảy ra tình trạng lỗ treo, rồi gây áp lực tăng giá vào các năm sau.
Thông tin được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ tại cuộc họp Chính phủ bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương là đơn vị chịu trách nhiệm quả lý Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện lực trong đó có giá điện.
Về đề xuất giảm giá điện của EVN, Bộ Tài chính thống nhất chủ trương giảm giá điện cho một số đối tượng chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh EVN phải có phương án cân đối để tránh trường hợp lỗ treo từ việc giảm giá.
“Rồi những khoản lỗ treo này lại gây áp lực tăng giá trong năm 2021 và các năm tiếp theo”, ông nói.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu EVN có phương án để việc giảm giá điện không ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác liên quan đến điện như than, khí, các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho sản xuất điện khi các ngành này không có điều kiện để giảm giá.
Trung Quốc siết nhập khẩu qua biên giới với Việt Nam
Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa gửi công hàm thông báo nước này sẽ tăng cường quản lý, áp dụng các biện pháp siết chặt, hạn chế nhập cảnh tại khu vực biên giới với Việt Nam.
Sau Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) mới đây cũng đưa ra thông báo về việc áp dụng các biện pháp tăng cường quản lý người và phương tiện qua các cửa khẩu biên giới đất liền với tỉnh Lạng Sơn để kiểm soát dịch Covid-19.
Thực tế, một số cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã mở nhưng năng lực thông quan chưa cải thiện nhiều do hai bên đều ưu tiên các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời thiếu nhân lực vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình để chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác điều hành, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới.
Kiến nghị tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu
Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về việc tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước.
Theo PVN, trong quý I/2020, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ước giảm khoảng 30% và dự kiến tiếp tục giảm khi thị trường du lịch, dịch vụ, vận tải đóng băng vì dịch Covid-19. Tồn kho các sản phẩm xăng dầu tại nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn luôn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng.
Theo số liệu công bố từ Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 2 tháng đầu năm là 1,356 triệu tấn. PVN cho biết khi so sánh với khối lượng sản xuất 2,16 triệu tấn của 2 nhà máy lọc dầu, lượng nhập khẩu đã chiếm 39% nhu cầu tiêu thụ nội địa.
“Lượng nhập khẩu quá lớn thực sự đã gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước”, PVN khẳng định.
Do đó, tập đoàn này kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét ban hành các cơ chế chính sách hạn chế/cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch bệnh, cũng như thị trường tiêu thụ xăng dầu nội địa đang gặp khó khăn.
Đồng thời, tiếp tục có các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ đối với chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, tăng cường các giải pháp phòng chống gian lận thương mại và bán phá giá xăng dầu.
Các chủ nhà đều cho biết khó tìm khách thuê mới thời điểm này, thậm chí còn bị ép ngược phải giảm giá phòng.
Nguồn: [Link nguồn]