Nóng tuần qua: Đường sắt Việt Nam đứng trước nguy cơ phá sản

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Ngành đường sắt đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn, nguy cơ phá sản do những vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt không được tháo gỡ.

Đường sắt Việt Nam nguy cơ phá sản vì bị "đẩy đến bước đường cùng"

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản kiến nghị khẩn đến Thủ tướng liên quan việc xây dựng Đề án án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư và việc giao nguồn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Lãnh đạo VNR cho biết các vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia 2021 vẫn chưa được giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Đường sắt Việt Nam nguy cơ phá sản vì bị "đẩy đến bước đường cùng"

Đường sắt Việt Nam nguy cơ phá sản vì bị "đẩy đến bước đường cùng"

20 công ty thực hiện nhiệm vụ bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia hiện chưa có kinh phí để mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên và đặc biệt là trả lương cho người lao động 4 tháng đầu năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 25.000 lao động trong VNR.

Theo VNR, những năm qua, doanh nghiệp là đơn vị được giao quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh trực tiếp toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

Với hệ thống đường sắt đơn, tình trạng kết cấu hạ tầng đường sắt rất lạc hậu, xuống cấp, với 5.531 điểm giao cắt đồng mức với đường bộ, nhiều nút thắt cổ chai, đi qua nhiều khu vực địa hình đồi núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt...

Tuy vậy, đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) trình Thủ tướng tới thời điểm này vẫn tiếp tục tạo ra nhiều cấp trung gian quản lý, nhiều thủ tục hành chính trong việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản, gia tăng giấy phép con.

VNR cho rằng đề xuất của Bộ GTVT tại đề án không những không khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn gây ra rất nhiều đình trệ, ách tắc cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản, nguy cơ triệt tiêu hoạt động vận tải đường sắt trong hệ thống giao thông vận tải.

Mỹ nói không đủ bằng chứng gán mác Việt Nam "thao túng tiền tệ"

Bloomberg đưa tin chính quyền ông Joe Biden khẳng định không có đủ bằng chứng để kết luận rằng các đối tác thương mại là Việt Nam, Thụy Sĩ có ý định "hạn chế điều chỉnh cán cân thanh toán một cách hiệu quả hoặc cố tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế", từ đó để bị gán mác thao túng tiền tệ. 

Mỹ thừa nhận tác động chưa từng có của đai dịch Covid-19 với kinh tế toàn cầu đã dẫn tới những phản ứng linh hoạt trong chính sách của các chính phủ và ngân hàng trung ương.

Vì vậy, Bộ Tài chính Mỹ đang cố gắng tìm hiểu kỹ hơn về các động thái tiền tệ của Việt Nam, Thụy Sĩ để xác định xem liệu sự can thiệp trên thị trường tiền tệ của các nền kinh tế này nhằm mục đích tạo lợi thế thương mại không công bằng hay để đối phó với cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra.

Hơn nửa triệu người Việt mất việc vì dịch Covid-19 bùng phát lần 3

Đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ 3 tại Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu khiến hơn 9,1 triệu người Việt từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực việc làm.

Trong đó, riêng người bị mất việc là 540.000 người, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập. Riêng lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn.

Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) vừa công bố báo cáo tình hình lao động việc làm 3 tháng đầu năm 2021. Trong đó nhấn mạnh đặc biệt vào việc làm của người lao động trong đại dịch.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, khu vực ít chịu tác động nhất của đại dịch là nông, lâm nghiệp và thủy sản với 7,5%. Đứng thứ hai là khu vực công nghiệp và xây dựng với 16,5%, lao động khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm tỷ lệ 20,4%.

Ngân hàng đã cho vay hơn 3 triệu tỷ đồng lãi suất thấp

Tại Hội nghị toàn ngành ngân hàng về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03/2021 diễn ra sáng nay (14/4), ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tin về hoạt động cho vay hỗ trợ của các ngân hàng với người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết tính đến cuối tháng 3, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ hơn 353.000 tỷ đồng. Số khách hàng được miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay thời gian qua cũng đạt trên 660.000 khách, dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết tính từ 23/1/2020 đến nay, các ngân hàng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn trước dịch đạt doanh số trên 3 triệu tỷ đồng, áp dụng với trên 452.000 khách hàng.

Chủ đầu tư nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, thuê đất

Nghị định số 49/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều về phát triển và quản lý nhà ở xã hội tại Nghị định số 100/2015, trong đó, cho phép chủ đầu tư nhà ở xã hội được khấu trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khi phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với địa phương xây dựng dự án.

Bên cạnh đó, quy định mới cũng bổ sung ưu đãi đối với trường hợp chủ đầu tư hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án nhà ở xã hội trong vòng 12 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất. Các chủ đầu tư này sẽ được UBND cấp tỉnh hỗ trợ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Cụ thể, Nghị định số 49/2021 cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội mà không sử dụng nguồn vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 58 của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13.

Trong đó, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với phần diện tích đã được Nhà nước giao, cho thuê, kể cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 18/4: Tăng ”nhảy dựng” cuối tuần, dự báo bất ngờ tuần tới

Đa số chuyên gia và nhà đầu tư dự kiến giá vàng sẽ cao hơn vào tuần tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Vy ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN