Nóng tuần qua: Bất chấp dịch Covid-19, vải Lục Ngạn vẫn "ngóng" thương nhân Trung Quốc
Ảnh hưởng của dịch bệnh, người trồng vải Lục Ngạn (Bắc Giang) lo ngại sức tiêu thụ sẽ giảm và đang “ngóng” những chính sách hỗ trợ xuất khẩu.
Chuyên gia Nhật và hơn 300 thương nhân Trung Quốc sẽ sang Việt Nam
Trung Quốc vẫn là thị trường chính trong tiêu thụ vải thiều. Trong bối cảnh dịch Covid-19, huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang đã lập danh sách hơn 309 thương nhân Trung Quốc và có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Cục Quản lý xuất nhập cảnh tạo điều kiện cho phép thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào địa bàn thu mua vải thiều.
Hiện Thủ tướng đã đồng ý cho hơn 300 thương nhân này nhập cảnh vào Việt Nam và đến thu mua vải thiều tại Lục Ngạn. Trung Quốc cũng yêu cầu trước khi nhập cảnh vào Việt Nam 3 ngày, các thương nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Trung quốc vẫn là thị trường lớn nhất của vải Việt Nam.
Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, các thương nhân Trung Quốc sẽ được huyện Lục Ngạn tổ chức đón, đưa về các khu cách ly tại 5 khách sạn, nhà nghỉ đã chuẩn bị.
Sau thời gian cách ly 14 ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định, những thương nhân Trung Quốc sẽ được cấp giấy chứng nhận và được giao dịch thu mua vải thiều tại Bắc Giang.
Thị trường xuất khẩu vải thiều truyền thống là Trung Quốc tiếp tục được duy trì. Bên cạnh đó, năm 2020 cũng là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn có 70 ha vải thiều được chăm sóc theo quy trình của Nhật Bản yêu cầu.
Dự kiến, trong những tuần tới các chuyên gia của Nhật Bản sẽ sang kiểm tra, nếu đạt chuẩn đây sẽ là những lô vải thiều đầu tiên xuất thẳng sang Nhật Bản.
Chuyên gia của Nhật Bản cũng sẽ được cách ly ở thành phố Bắc Giang đủ 14 ngày, sau đó sẽ kiểm tra y tế và cấp giấy chứng nhận sức khỏe.
Bộ Công Thương chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi găm hàng xăng dầu
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, kinh doanh hàng kém chất lượng và buôn lậu đối với mặt hàng xăng dầu.
Bộ Công Thương đánh giá nhu cầu sử dụng xăng dầu cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng trong nước hiện tăng mạnh. Trong khi đó, một số nhà máy lọc dầu trong và ngoài nước đang cắt giảm công suất hoặc tận dụng thời gian dịch bệnh để bảo dưỡng nên nguồn cung xăng dầu thành phẩm sụt giảm.
Nhiều cửa hàng xăng dầu có dấu hiệu găm hàng.
Do đó, Bộ yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với sở công thương các tỉnh, TP tăng cường kiểm tra, kiểm soát hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, kinh doanh hàng kém chất lượng và buôn lậu.
Đồng thời, Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo thương nhân đầu mối có phương án bảo đảm nguồn hàng, tuân thủ quy định về dự trữ lưu thông và thực hiện trách nhiệm cung ứng cho thị trường, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát thị trường và diễn biến giá trong nước và thế giới để tham mưu điều hành giá xăng dầu phù hợp, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu kiểm tra số thu, lưu lượng xe qua trạm BOT
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các Cục quản lý đường bộ, các nhà đầu tư và doanh nghiệp BOT thực hiện kiểm tra số thu, lưu lượng xe qua trạm, sao lưu dữ liệu tại các trạm thu phí.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Cục quản lý đường bộ tiếp tục thực hiện kiểm tra số thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, lưu lượng xe qua trạm thu phí và sao lưu dữ liệu tại các trạm thu phí theo Quyết định 4293/2019 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
"Các chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT cần tăng cường tự kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất việc thu phí.
Đồng thời, triển khai các biện pháp chống gian lận và thất thoát doanh thu thu phí; có hình thức xử nghiêm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm", Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.
Cùng đó, chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT phải thực hiện quản lý thu phí theo quy định của pháp luật, hợp đồng BOT, các chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Giảm nhiều loại thuế phí để phục hồi kinh tế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Nghị quyết 84/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Chính phủ thông qua một loạt chính sách và nhiệm vụ của các bộ ngành để hỗ trợ sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19.
Cụ thể, Chính phủ không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự; xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật theo đúng Nghị quyết 11/2017 của Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa XII.
Các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020.
Chính phủ sẽ miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến ngày 31/12/2019. Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9.
Chính phủ cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong tháng 3-9.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị lên phương án mở lại các đường bay quốc tế
Bộ Giao thông Vận tải vừa giao Cục Hàng không nghiên cứu, đề xuất thời điểm và nguyên tắc dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay quốc tế để trình Thủ tướng phê duyệt.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không nghiên cứu, báo cáo lại Bộ việc nối lại một số đường bay quốc tế trên cơ sở song phương nhằm phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại, đầu tư.
Cục Hàng không cần lên phương án trước ngày 10/6 để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Hiện Việt Nam vẫn duy trì đóng cửa các đường bay quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và chỉ cấp phép những chuyến bay đưa người Việt từ nước ngoài về tránh dịch.
Theo số liệu từ Cục Hàng không, lượng khách di chuyển trên các đường bay quốc tế của hàng không Việt đã giảm 97,6% so với cùng kỳ 2019, chỉ đạt mức 78.000 lượt khách. Dịch Covid-19 đã gần như cắt đứt hoàn toàn doanh thu từ thị trường quốc tế của hàng không Việt Nam trong giai đoạn tháng 2 tới tháng 5.
Nguồn: [Link nguồn]
Các kiến trúc sư gọi ngôi nhà là "một định nghĩa mới đối với không gian sống nhiệt đới đương đại", với hơn...