Nóng tuần qua: Ai là chủ mưu vụ đổ trộm dầu gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà?
Thông tin ban đầu về những đối tượng thực hiện hành vi này đã được tiết lộ.
Kẻ thuê hai đối tượng đổ trộm dầu đầu thú
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đã tạm giữ hình sự 2 đối tượng là nghi phạm xả chất thải nêu trên, gồm: Nguyễn Chương Đại (SN1994, trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh); Hoàng Văn Thám (SN 1986, trú tại xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn).
Tại cơ quan điều tra, ban đầu Đại và Thám khai ngày 6-10 được Lý Đình Vũ (trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh) thuê lái xe tải biển kiểm soát 99C-087.xx đi từ Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ lấy chất thải, bơm vào 10 thùng chứa với tổng dung tích khoảng 10m3, sau đó đi về xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên gửi xe.
Ngày 8-10, cả ba người sử dụng hai ô tô chở chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đổ trộm rồi bỏ trốn.
Kết quả điều tra ban đầu xác định hai ô tô nghi vấn liên quan đến vụ án là ô tô tải biển kiểm soát 99C-087.xx thuộc Công ty TNHH TM và vận tải du lịch Minh Phương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và xe 4 chỗ biển kiểm soát 89A-137.xx, chủ phương tiện là Nguyễn Văn Quyền (trú huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
Hàng vạn hộ dân ở Hà Nội lao đao vì vụ việc nước nhiễm dầu.
Cơ quan điều tra cũng đã tạm giữ xe 4 chỗ 89A-137xx, đồng thời tiếp tục xác minh truy bắt Lý Đình Vũ và thu giữ các phương tiện, vật chứng có liên quan đến vụ án.
Cơ quan cảnh sát điều tra đang phối hợp các đơn vị chức năng Bộ Công an xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan việc xử lý nguồn nước ô nhiễm cung cấp cho TP Hà Nội.
Công an tỉnh Hòa Bình đề nghị người dân khi phát hiện Lý Đình Vũ, có điều kiện có thể bắt giữ hoặc báo ngay cho chính quyền và cơ quan công an nơi gần nhất để bắt giữ.
Chiều ngày 20-10, một lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình xác nhận Lý Đình Vũ (ngụ xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã ra cơ quan công an đầu thú.
Lý Đình Vũ được xác định là kẻ chủ mưu liên quan tới việc đổ dầu thải xuống nguồn nước sông Đà dẫn tới hồ Đầm Bài (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình), nơi cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch Sông Đà, khiến nguồn nước bị ô nhiễm gây mất nước cho hàng ngàn hộ dân ở TP Hà Nội.
Vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào cuối 2019 nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông trong năm 2019 nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông liệu có vận hành đúng thời điểm cuối năm 2019?
Thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, theo quy hoạch, Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 400 km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 40 tỷ USD. Để giải quyết triệt để ùn tắc giao thông phải có hệ thống giao thông đồng bộ; trong đó hệ thống đường sắt đô thị đóng vai trò quan trọng. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp và nợ công đang ở mức cao, nên cần huy động các phương án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, ưu tiên nguồn lực nội địa để đầu tư.
4 dự án đường sắt đô thị đang triển khai đầu tư đã nhiều lần điều chỉnh tiến độ, trong đó, đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, UBND thành phố Hà Nội đã tích cực thực hiện công tác chuẩn bị tiếp nhận vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, Dự án có nhiều vướng mắc, bị chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện gây bức xúc trong dư luận.
Phó Thủ tướng yêu cầu tổng thầu khẩn trương thực hiện đúng quy định về hồ sơ thiết kế Dự án được duyệt, cung cấp đầy đủ hồ sơ đáp ứng yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống để đủ điều kiện chứng nhận an toàn hệ thống theo đúng quy định.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác trong năm 2019 nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại văn bản số 8736/VPCP-CN ngày 26/9/2019 của Văn phòng Chính phủ.
Truy tố 2 cựu chủ tịch Đà Nẵng giúp Vũ "Nhôm" thâu tóm đất côngViện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011), Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2011-2014), Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) cùng 19 bị can về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Theo cơ quan công tố, các bị can trong vụ án là người giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của UBND TP Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và bộ máy hành chính của thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên, vì những động cơ khác nhau, ông Minh và đồng phạm cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, các quy định về quản lý đất đai trong thời gian dài từ năm 2006 đến năm 2014.
Từ hành vi trái pháp luật của ông Minh và đồng phạm, Vũ "nhôm" trực tiếp được nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà, đất công sản và 6/7 Dự án đất. Sau đó, Vũ "nhôm" đã chuyển nhượng, khai thác, sử dụng… trục lợi.
Hậu quả, số tiền nhà nước bị thiệt hại tại 22 nhà đất công sản là trên 2.400 tỉ đồng; tại 7 dự án là trên 19.600 tỉ đồng. Tổng số tiền nhà nước bị thiệt hại là hơn 22.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án 29 ha Khu đô thị Quốc tế Đa Phước số tiền Nhà nước đã thiệt hại là trên 11.200 tỉ đồng.
Ngoài 4 bất động sản trị giá trên 874 tỉ đồng đã được tòa án tuyên thu hồi tài sản cho Nhà nước, thì toàn bộ 42 tài sản là bất động sản liên quan đến hành vi phạm tội hoặc sở hữu của Vũ "nhôm" được kê biên trong vụ án này và 2 dự án gồm: 29 ha và dự án Phú Gia Compound đã bị chuyển dịch trái pháp luật với tổng giá trị trên 15.700 tỉ đồng cần phải thu hồi để bảo vệ tài sản Nhà nước.
TP.HCM: Hai dự án Metro số 1 và số 2 đứng trước nguy cơ "vỡ tiến độ" do chậm phê duyệt điều chỉnh dự án
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký văn bản hỏa tốc gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc thẩm định nội bộ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương.
Theo UBND TP.HCM, thực hiện hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố, Ban Quản lý Đường sắt đô thị (chủ đầu tư) và các cơ quan, đơn vị liên quan đã hoàn thành nhiều nội dung.
Cụ thể là đã thành lập Hội đồng thẩm định điều chỉnh 2 dự án và hoàn thành đánh giá toàn bộ tình hình thực hiện dự án, bao gồm cả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn và đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh của hai dự án nêu trên.
Trong đó, căn cứ kế hoạch thẩm định, phê duyệt điều chỉnh 2 dự án, thời hạn hoàn tất hồ sơ dự kiến phải kết thúc trước ngày 31/10/2019, nhằm đảm bảo kịp thời gian trình HĐND Thành phố vào kỳ họp cuối năm.
Tuy nhiên, cho đến nay, TP.HCM vẫn chưa nhận được ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Theo đánh giá của UBND Thành phố, nếu tiến độ thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh 2 dự án tiếp tục kéo dài, chậm trễ, sẽ có nguy cơ phát sinh một số hệ lụy như: Ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia nước ngoài tài trợ cho dự án.
Đặc biệt, vấn đề này còn ảnh hưởng đến khả năng tài trợ tiếp theo cho các dự án đầu tư nói chung và các dự án đường sắt đô thị nói riêng trong tương lai. Dư luận trong và ngoài nước sẽ có nhận định, đánh giá không tốt vai trò trong công tác quản lý, điều hành thực hiện các dự án vốn vay nước ngoài trong lĩnh vực đường sắt đô thị. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch, tiến độ thực hiện công việc của dự án.
Trước yêu cầu bức thiết như trên, UBND Thành phố kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc đặc biệt quan tâm, chủ trì làm việc với Bộ Tài chính và UBND Thành phố, các cơ quan liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh của 2 dự án.
Trước đó, trong tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, UBND Thành Phố thông tin dự án metro số 1 sẽ đưa vào khai thác từ quý 4/2021, thay vì khai thác năm 2020 như dự kiến
Nhà đầu tư Hàn Quốc muốn rót 363 triệu USD làm dự án căn hộ cao cấp tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng
Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, Tập đoàn HK Plus JSC (Hàn Quốc) vừa có cuộc làm việc với Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ về mong muốn đầu tư dự án căn hộ cao cấp dành cho các chuyên gia, kỹ sư tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Theo đó, trên tinh thần tiếp đón và làm việc với ông Min Young Sik, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết thành phố mong muốn mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hàn Quốc đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng cơ hội hợp tác.
Chủ tịch thành phố Đà Nẵng cam kết thực hiện các chính sách hỗ trợ tối đa đối với doanh nghiệp đầu tư tại Khu Công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung... đối với những nhà đầu tư có mong muốn thật sự chọn Đà Nẵng để đầu tư dự án.
Theo thông tin về các hoạt động trao đổi kinh nghiệm tư vấn thiết kế, xây dựng... các đối tác tham gia dự án sẽ tạo nên những sản phẩm căn hộ chung cư cùng các tiện ích phục vụ dành cho các chuyên gia, kỹ sư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất.
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang thực hiện tái cơ cấu tổ chức.