Nhiều người vẫn “sập bẫy” với chiêu thức lừa tiền qua mạng “cũ rích”

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Theo tìm hiểu, chiêu trò lừa tiền qua mạng này xuất hiện mấy năm trở lại đây. Tuy nhiên, không ít người bán hàng vẫn “sập bẫy”, bay mất cả triệu đồng.

Trong mùa dịch Covid-19, lợi dụng người dân tăng cường mua hàng qua mạng, kẻ gian nghĩ ra và áp dụng các chiêu thức lừa đảo cũ để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, mới đây, chị Trần Huế - một người bán hàng online 5 năm ở Hà Nội, cho biết vừa mới bị lừa tiền. Dù số tiền bị lừa không lớn, chị vẫn cảm thấy bức xúc và muốn chia sẻ để mọi người biết đến và cảnh giác.

“5 năm kinh doanh online, nay tôi mới gặp trường hợp như thế này nên không thể lường trước được. Chuyện là, tôi có bán một đơn tép 4kg trị giá 200.000 đồng. Nhưng khách lại nhờ tôi viết hóa đơn lẻ thành 350.000 đồng để về thanh toán với công ty và ăn phần chênh lệch giá”, chị kể lại.

Thấy không ảnh hưởng tới mình, chị liền đồng ý với khách. Điều đáng chú ý là khách hàng lại tự đặt shipper đến lấy nhưng lại nói là nhân viên của công ty họ qua lấy và ứng tiến đầy đủ theo giá 350.000 đồng.

Câu chuyện chị Huế chia sẻ bị lừa tiền vì tin tưởng khách hàng. Ảnh chụp màn hình.

Câu chuyện chị Huế chia sẻ bị lừa tiền vì tin tưởng khách hàng. Ảnh chụp màn hình.

Khi shipper đã đi, chị nhận được cuộc gọi của người khách đó. Họ muốn chị chuyển khoản cho họ số tiền chênh lệch là 150.000 đồng. Chị đã nhận tiền của shipper nên cứ thế chuyển tiền mà không nghĩ ngợi gì.

Một lúc sau, shipper gọi lại nói với chị là không thể liên lạc với khách hàng. Chị mới thấy lạ, liền gọi lại cho khách cũng không được và vào kiểm tra tin nhắn thì đã thấy bị chặn liên lạc. Shipper quay lại trả hàng và chị hoàn tiền cho họ.

“Vậy là tôi đã mất 150.000 đồng mà chẳng biết làm gì. Lúc này, kiểm tra trang cá nhân của kẻ gian này mới biết đây là nick ảo và toàn dùng ảnh của người khác đăng lên, mỗi thời điểm lại lấy ảnh của một người khác nhau”, chị nói.

Ngay sau khi vụ việc được đăng tải, nhiều người vào bày tỏ cảm thông và cho biết bản thân cũng từng bị lừa như vậy. Tuy nhiên, do số tiền nhỏ chỉ vài trăm nghìn đồng, họ không muốn làm to chuyện và cũng không chia sẻ ra ngoài mà chỉ tự rút kinh nghiệm.

Cũng bị lừa tương tự như vậy, khoảng 5/2021, anh Nguyễn Văn Cường (ngụ TP.Thủ Đức) là chủ cửa hàng bán đồ điện bị mất hơn 1 triệu đồng. Bởi có khách muốn mua chiếc quạt điện giá 465.000 đồng/kg cho công ty nhưng muốn ghi trong phiếu mua hàng là 1,6 triệu đồng để lấy chênh lệch. Người này muốn giao nhận hàng bằng hình thức ship COD.

Sau đó, shipper của hãng giao nhận tới lấy quạt điện và đưa cho anh Cường 1,6 triệu đồng. Khi shipper vừa rời khỏi cửa hàng, khách gọi điện thúc giục anh Cường chuyển khoản cho mình số tiền chênh lệch. Anh liền chuyển trả cho khách 1.135.000 đồng vào số tài khoản mà khách cung cấp. Khoảng nửa giờ sau, anh nhận được cuộc gọi từ shipper, thông báo không thể liên hệ được cho người nhận.

Anh vội gọi điện cho vị khách trên thì không liên lạc được. Lúc sau, anh phải trả cho shipper tiền và nhận lại hàng của mình. Còn số tiền đã chuyển, anh mất hẳn.

Để tránh bị lừa đảo, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) khuyến cáo người tiêu dùng nếu mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, các đơn vị là các cửa hàng thuốc được cấp phép và các mặt hàng nằm trong danh mục được phép lưu hành.

Người mua tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

Nguồn: [Link nguồn]

Chiêu lừa tiền ”cũ rích” nhưng nhiều người vẫn ”sập bẫy”, bay ngay mấy triệu đồng

Chiêu trò lừa đảo cũ nhưng người dùng khó thể lường trước được vì cách thức hoàn toàn mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN