Nhà đầu tư lao đao vì “chơi” chứng khoán theo phong trào
Những nhà đầu tư chứng khoán theo kiểu phong trào rơi vào tình cảnh “kiếm củi ba năm thiêu một giờ” sau khi thị trường chứng khoán lao dốc.
Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, song sẽ rất rủi ro cho những nhà đầu tư theo phong trào. Ảnh: Tạ Hải
Sau khi tăng vọt lên trên 1.200 điểm, thị trường chứng khoán bất ngờ quay đầu lao dốc khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào tình cảnh “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”, đặc biệt là với những nhà đầu tư theo kiểu phong trào.
Bài học “đầu đời” tốn kém quá!
Chị Lê P.H. (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã thốt lên như vậy khi nói về số tiền lỗ trong lần đầu tiên “chơi” chứng khoán.
Theo lời chị H., đầu tháng 1 vừa qua, nghe đồng nghiệp bàn tán việc đầu tư cổ phiếu, chốt lãi được hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng, chị H. bàn với chồng gom tiền từ sổ tiết kiệm và bán vàng để mở tài khoản đầu tư chứng khoán. “Lúc ấy, gần như cả thị trường vẫn đang lên, có mã tăng gấp mấy lần chỉ trong một tuần. Lãi nào đọ được”, chị H. kể.
Cẩn trọng chọn 5 mã, 50% số tiền đầu tư vào hai mã lớn, 50% còn lại đầu tư vào 3 mã nhỏ nhưng cho đến tuần qua, tất cả các mã chị H. đầu tư đều giảm mạnh. Trong đó, “đau” nhất là mã TDT (Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư và phát triển TDT) chị H. mua ở mức giá 18.400 đồng/cổ phiếu nhưng phải thoát ra tại mức giá 12.500 đồng/cổ phiếu phiên 27/1.
Với LUT (CTCP Đầu tư xây dựng Lương Tài), chị H. mua ở mức giá 7.900 đồng/cổ phiếu và thoát ra ở mức 6.200 đồng/cổ phiếu. Chỉ riêng hai cổ phiếu trên, chị H. lỗ hơn 40 triệu đồng, chưa kể chi phí giao dịch.
“Kể cả cổ phiếu tốt như VNM (CTCP Sữa Việt Nam - PV) khi tôi mua hôm mùng 7 giá 109.800 đồng thì đến hôm thứ 5 tuần trước bán ra cũng chỉ còn 98.500 đồng”, chị H. xót xa. Hai cổ phiếu còn lại chị H. vẫn đang giữ lại để chờ thị trường khởi sắc hơn. Còn nếu bán ra lúc này thì tổng mức lỗ chị hứng chịu lên tới gần trăm triệu đồng. Đóng cửa phiên cuối tuần qua, ba cổ phiếu mà chị H. vừa bán vẫn tiếp tục giảm, trong đó LUT còn 5.100 đồng/cổ phiếu, TDT còn 9.300 đồng/cổ phiếu.
Không chỉ chị H., nhiều nhà đầu tư phong trào cũng rơi vào cảnh tương tự. TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên môn Tài chính, Đại học Lincoln (Anh), khi trò chuyện về thị trường chứng khoán cuối tuần qua cho biết, có nhiều nhà đầu tư trong nước nhắn tin cho ông và kể rằng họ đã trở thành “thỏ” trong “trò chơi cáo và thỏ” trên thị trường chứng khoán thời gian qua.
Ông Lê Ngọc Nam, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thông tin, đầu tư trên thị trường chứng khoán những ngày này sẽ không có lợi nhuận cao như trước, thậm chí nhiều người gặp thua lỗ.
“Những người đầu tư từ tháng 3/2020 thì khó mà lỗ. Nhưng những người mở tài khoản khi chỉ số VN-Index đã lên vùng giá 1.000 - 1.200 điểm thì đến nay sẽ âm. Tuy nhiên, hiện chỉ số VN-Index vẫn giao dịch trong khoảng 1.000 - 1.050 điểm thì mức lỗ không nhiều”, ông Nam nói.
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, chỉ số VN-Index giảm 110,17 điểm (tương đương giảm 9,44%) xuống 1.056,61 điểm. Chỉ số này giảm điểm 4/5 phiên giao dịch trong tuần với 337 mã giảm và 44 mã tăng.
VCB, GVR và CTG được đánh giá là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số VN-Index khi lấy đi lần lượt 9,95 điểm, 8,26 điểm và 7,10 điểm. Ngược lại, MWG, VGC và OCB là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho VN-Index khi đóng góp lần lượt 0,67 điểm, 0,42 điểm và 0,37 điểm. Giá trị giao dịch trung bình tuần qua vẫn duy trì mức cao 16.817,60 tỷ/phiên.
Đầu tư vào cổ phiếu nào?
Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư TVSI cho biết, chỉ số VN-Index sau khi chạm vùng giá cao tại 1.200 điểm đã quay đầu giảm. Tới tuần qua, chỉ số này đã giảm 160 điểm, có phiên giảm hơn 70 điểm.
Sau đó loạt mã, nhất là mã lớn đã tăng lại ngay như: FPT, VNM, VNH… nhưng mức điểm hồi lại vẫn không bằng mức giảm của các phiên trước. Dù vậy, ông Nam vẫn đánh giá đây vẫn là những cổ phiếu thuộc nhóm tương đối ổn định.
Sau hai tuần giảm điểm mạnh, thị trường dự báo sẽ có diễn biến hồi phục tăng điểm trở lại trong tuần kế tiếp. VN-Index có thể hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.085 - 1.100 điểm trong nhịp hồi phục lần này. Mặc dù vậy, thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh trong một vài phiên đầu tuần trước khi tiếp tục quá trình hồi phục ngắn hạn. Sau phiên hồi phục mạnh trên diện rộng, thị trường có thể sẽ sớm bước vào giai đoạn phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Chuyên viên phân tích Trần Xuân Bách, Công ty Chứng khoán Bảo Việt |
Còn với những cổ phiếu nhỏ như một số cổ phiếu được chị H. đầu tư, theo ông Nam trong tuần tới sẽ tiếp tục giảm mạnh, sau đó có thể sẽ ổn định hơn.
Nói về mức độ phục hồi các nhóm cổ phiếu, ông Nam cho rằng, khi thị trường ổn định, cơ hội xoay chiều sẽ cao lên trong vài tuần tới nhưng sẽ tùy thuộc vào từng dòng cổ phiếu.
“Riêng các mã cổ phiếu ở những công ty vốn hóa nhỏ có mức tăng nóng 5 - 7 lần trong 2 - 3 tháng qua khó có khả năng tăng trở lại ngay bởi sẽ có nhiều đơn vị có kết quả báo cáo kinh doanh quý 4/2020 không tốt như nhà đầu tư kỳ vọng. Do đó, dòng sẽ xoay chuyển sang các nhóm cổ phiếu khác có tính ổn định hơn”, ông Nam nói và cho biết thêm, xét về triển vọng thì trong nhóm này vẫn có những cổ phiếu vẫn trong tầm ngắm của nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng đang thấp.
Thêm nữa, số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản hiện vẫn tăng. Tại TVSI, tốc độ tăng của tài khoản mở mới vẫn không giảm so với mức tăng 180% trong năm 2020.
Bởi theo ông Nam, số lượng khoảng 60.000 tài khoản mở mới mỗi tháng hiện nay cho thấy, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và ngày càng phổ biến. “Nhà đầu tư nhìn vào triển vọng lâu dài của thị trường nên thậm chí có khi thị trường giảm nhà đầu tư còn mở tài khoản nhiều hơn”, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư TVSI nói.
Còn TS. Quách Mạnh Hào cho rằng, nhà đầu tư nên nhìn thị trường chứng khoán là kênh lâu dài. “Thị trường luôn biến động, nay có thể bi quan nhưng khi có tin tức được phát ra lại có thể thay đổi hoàn toàn”, ông Hào nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đẩy giá vàng bật tăng mạnh sáng đầu tuần.