Nghịch lý việc làm thời COVID-19: Đỏ mắt tìm lao động
Dù lao động đang thất nghiệp hàng loạt vì dịch COVID-19 nhưng không ít doanh nghiệp (DN) tìm “đỏ mắt” vẫn không ra người phù hợp để phát triển sản xuất kinh doanh. Đó là nghịch lý đang diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phía Nam.
Công ty Phúc Sinh cần nhiều lao động nhưng vẫn khó tuyển dụng. Ảnh: Hương Chi
Bà Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp VSIP (Bình Dương) cho biết, hiện một số DN ở KCN này có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động. Chẳng hạn, Công ty Sharp Manufacturing Việt Nam đang cần tuyển 2.000 lao động trong lĩnh vực điện tử từ nay đến cuối năm. Công ty KURABE Việt Nam cần tuyển 400 lao động sản xuất trong lĩnh vực vật liệu cách điện; Công ty Showa Gloves sản xuất bao tay đang có nhu cầu tuyển 400 lao động từ nay đến tháng 9/2020; Công ty ZENG HSING INDUSTRIAL có nhu cầu tuyển 50 lao động sản xuất máy may. Ngoài ra nhiều DN khác cũng tuyển dụng thường xuyên với số lượng ít để bù vào các vị trí khuyết do người lao động nghỉ việc.
Không riêng những DN kể trên, rất nhiều DN khác tại Bình Dương vẫn chưa tuyển đủ lao động phục vụ sản xuất, mặc dù số lượng lao động thất nghiệp thời gian qua trên địa bàn tỉnh này tăng cao và lượng lao động dôi dư rất nhiều.
Lý giải về tình trạng trên, bà Đặng Thị Kim Chi cho rằng, tuy người lao động bị mất việc làm có tăng, nhưng không trùng với ngành nghề các DN đang tuyển dụng. Trong khi các DN ngại đào tạo lại nên muốn tìm lao động có tay nghề vào làm việc ngay. Mặt khác, trong khoảng thời gian tạm nghỉ, người lao động phải lo cho cuộc sống nên tìm việc khác và về quê sinh sống không quay lại, dẫn đến DN thiếu người làm.
Trong khi đó, nhiều lao động tỏ ra kén chọn, từ chọn nơi làm việc đến chế độ tiền lương thưởng, giờ giấc làm việc… Dù thất nghiệp do bị Công ty Giày da Huê Phong (Q.Gò Vấp, TPHCM) sa thải từ tháng 5/2020, nhưng Lê Thị Huệ (22 tuổi, quê Trà Vinh) vẫn khá kén chọn khi tìm việc mới. “Gần chỗ làm có nhiều nơi rao tuyển người lao động nhưng đa số là may mặc, trong khi em chỉ muốn làm công ty liên quan đến giày da. Chưa kể có công ty số ngày làm việc gần như suốt tuần nhưng lương thấp, công việc nặng nhọc…” - Huệ cho biết.
Than thở khi khó tìm lao động, ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho biết: “Chúng tôi có nhu cầu tuyển nhiều nhân viên ở các vị trí như công nhân, KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm), kinh doanh, kế toán… nhưng khó quá. Chúng tôi cũng sẵn sàng đào tạo lại với nhân viên mới, bố trí công việc phù hợp với nhân viên có hoàn cảnh khó khăn mà vẫn không thể tuyển đủ số lượng theo nhu cầu”.
Khó kết nối
Bà Thị Kiều Phượng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở LĐ TB&XH TPHCM) thừa nhận, rất khó kết nối lao động thất nghiệp trong giai đoạn này. “Khi công nhân bị công ty sa thải đều được chăm lo rất tốt về mặt phúc lợi. Ngoài chế độ trợ cấp thất nghiệp, công nhân còn được công ty chi trả lương thôi việc một khoản kha khá. Có khoản tiền trong tay, nhiều người nghĩ đến việc “xả hơi” vài tháng, chờ hết dịch mới tìm việc” - bà Phượng nói.
Từng trực tiếp gặp gỡ công nhân công ty bị sa thải hàng loạt ở các công ty Huê Phong, Pouyuen…thời gian qua, Trung tâm đã giới thiệu việc làm cho người có nhu cầu tìm việc nhưng hầu như không kết nối được bao nhiêu. “Tìm việc làm trong thời điểm này còn dễ dàng, nếu để hết dịch bệnh COVID-19, lúc đó nhiều người đổ xô xin việc, tỷ lệ sàng lọc lớn thì cơ hội việc làm càng thu hẹp. Chưa kể, nếu không có nhiều DN mới thành lập thì lao động muốn có việc làm còn khó khăn hơn” - bà Phượng khẳng định.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) cho biết, thị trường lao động TPHCM trong thời gian qua có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2020, các DN tập trung triển khai kế hoạch sản xuất - kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết nguyên đán. Do đó, nhu cầu nhân lực tập trung nhiều ở việc làm bán thời gian, lao động mùa vụ. Tuy nhiên, từ tháng 2 trở đi, nhu cầu tuyển dụng lao động có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhu cầu nhân lực giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019.
Thất nghiệp tiếp tục gia tăng
Sở LĐ-TB&XH TPHCM dự báo tới tháng 9/2020 sẽ có khoảng 120.000 lao động của 4.000 DN trên địa bàn thành phố tiếp tục bị cắt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó chủ yếu là lao động thuộc các ngành du lịch, lưu trú, vận tải, ngành công nghiệp xây dựng, dệt may, da giày do các công ty rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay số lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động là hơn 13 nghìn trường hợp. Số lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương hơn 54 nghìn trường hợp. Số lao động phải thực hiện giảm giờ làm việc hơn 94 nghìn trường hợp.
Ông Lê Minh Quốc Cường - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh liên kết các trung tâm ở các tỉnh lân cận cung ứng nguồn lao động. Đồng thời, phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh miền Tây Nam bộ triển khai các chương trình tư vấn việc làm cho người lao động, thu hút người lao động về Bình Dương làm việc.
Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Dương đã tiếp nhận gần 50.000 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 32.9% so với cùng kỳ 2019. Trong tháng 7/2020, có 865 DN có nhu cầu tuyển dụng hơn 10 nghìn lao động, hơn 7 nghìn lao động nhận được việc làm. Lũy kế 7 tháng, DN đã tạo việc làm cho hơn 20 nghìn lao động. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa đủ người làm.
Bà Trương Thị Bích Hạnh – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết đã đến tận nơi các doanh nghiệp trên địa bàn lắng nghe nhằm tìm hướng giúp họ tháo gỡ khó khăn. Các cấp công đoàn tỉnh Bình Dương rà soát số lượng đoàn viên, công nhân lao động khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để hỗ trợ kịp thời giữ nguồn lực lao động khi doanh nghiệp tái sản xuất.
Đối với những người tìm kiếm một công việc hoặc con đường sự nghiệp mới hoàn toàn, trang web nghề nghiệp Indeed đã...
Nguồn: [Link nguồn]