Nghề này làm không hết việc, dựa vào thời tiết “hốt bạc triệu” mỗi ngày
Mới chớm hè, các cửa hàng điện lạnh đã hoạt động hết công suất vì nhu cầu sử dụng điều hòa tăng đột biến. Lượng khách yêu cầu sữa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt điều hòa tăng gấp 2-3 lần đã khiến nhiều cửa hàng làm không hết việc.
Anh Phan Văn Bản – Chủ cửa hàng điện lạnh tại Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội) - cho biết vài ngày gần đây nắng nóng khiến lượng khách tăng gấp 5-6 lần, anh phải liên tục tuyển thêm thợ phụ.
“Nhà tôi làm điều hòa hơn 10 năm nay, ra Tết thời tiết mát mẻ lại thêm dịch bệnh nên ít việc, nhân viên không có việc làm nên xin nghỉ về quê. Giờ bắt đầu vào mùa nóng, nhà có 5 người mà làm không hết việc. Bên cạnh khách lắp đặt điều hòa mới, sửa chữa, bảo hành điều hòa cũ, bơm ga… nhà tôi còn nhận bảo trì cho các công ty tại khu công nghiệp nên lúc nào cũng phải làm việc hết công suất, chạy sô từ sáng sớm đến nửa đêm vất vả lắm”, anh Bản nói.
Mùa hè thợ điện lạnh làm không hết việc vì lượng khách tăng đột biến.
Anh Bản cho biết cửa hành của anh chính thức "vỡ trận" trong ngày hôm nay với hơn 40 cuộc gọi, riêng khách yêu cầu lắp mới 20 bộ, khách có nhu cầu sửa chữa, bơm ga, bảo trì tổng hơn 50 bộ. “Vì không thể làm hết đống việc đó chỉ trong 1 ngày nên tôi chỉ nhận đúng số lượng khách phù hợp, khách nào không chờ được thì ưu tiên làm trước. Mấy ngày nay, ngày nào tôi cũng phải dậy thật sớm phân chia nhân viên đi các tuyến khách, ưu tiên những trường hợp gấp và khách hàng thân thiết”.
Theo anh Bản, thông thường cả năm 4 mùa thì có 1 mùa là mùa hè người dân sử dụng điều hòa nhiều nhất, đồng nghĩa với việc thợ điện lạnh bận nhất. “Những tháng trời mát mẻ, cửa hàng tôi nhận thêm việc lắp đặt cho một số dự án xây dựng, việc làm túc tắc với thu nhập ổn định chứ không quá bận rộn. Vào hè, tôi cùng 4 nhân viên chia nhau đi làm, mỗi ngày tối đa cũng chỉ lắp được khoảng 10 bộ, sửa chữa, bơm ga, bảo hành thêm khoảng 7-8 máy nữa là hết ngày”.
Không chỉ lắp đặt mới, nhu cầu sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng điều hòa cũng tăng cao khiến thợ điều hòa “trở tay không kịp”.
“Mấy tháng trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, một số cửa hàng kinh doanh đóng cửa, không bán được hàng phải trả mặt bằng, thanh lý nội thất họ nhờ qua tháo điều hòa. Giờ dịch bệnh được đẩy lùi và có dấu hiệu khả quan thì lại đi thuê mặt bằng mới, nhờ thợ lắp đặt lại toàn bộ hệ thống nên khách thì tăng mà nhân viên chỉ có bấy nhiêu người, không kham nổi”, anh Bản kể.
Anh Bản cho hay, việc quá tải nhưng tuyển thêm nhân viên điện lạnh rất khó vì đặc thù công việc rất vất vả, lại đòi hỏi tay nghề cao. “Những thợ điện lạnh có tay nghề cứng họ lại ra mở cửa hàng làm riêng hoặc tự nhận khách để làm mà không chịu đi làm thuê. Một số sinh viên mới ra trường, mới vào nghề, chưa thông thạo việc thì lại lười, không chịu được áp lực công việc mà đòi hỏi lương cao. Để đào tạo từ một người chưa biết gì đến khi thạo việc phải mất cả năm trời, đòi hỏi thợ phải chịu khó, thường xuyên học hỏi kiến thức, nâng cao tay nghề mới có thể làm được việc. Hơn nữa, đặc thù của nghề điện lạnh rất vất vả, những ngày hè nắng nóng ai cũng muốn ngồi phòng lạnh thì thợ điều hòa phải làm việc ngoài trời, mang vác nặng nên ít người theo nổi”, anh Bản chia sẻ.
Công việc của thợ lắp đặt, sửa chữa điều hòa thường ngoài trời nắng nóng rất vất vả.
“Hiểu sự vất vả của anh em làm điện lạnh nên những tháng ít việc tôi vẫn trả lương trung bình từ 8-10 triệu đồng/ người/ tháng, miễn phí toàn bộ chi phí ăn ở sinh hoạt. Ngoài ra, những khi nhiều việc, tôi đều trích % tiền lắp đặt, bão dưỡng từng bộ cho anh em, chia sẻ để họ gắn bó với mình lâu dài hơn. Hiện tại, cửa hàng tôi lấy phí lắp đặt mới là 300.000 đồng/ bộ, bảo dưỡng từ 150-350.000 đồng/ bộ tùy công suất và số lượng máy, bơm ga R22 giá 7.000 đồng/psi, ga R32 và R410 giá 12.000 đồng/psi. Trung bình những ngày cao điểm, mỗi người thợ điện lạnh cũng có thu nhập từ 1-3 triệu đồng”, anh Bản nói.
Theo anh Bản, đa phần thói quen của khách hàng là khi nóng thì mới lắp, khi hỏng mới sửa chứ không thường xuyên kiểm tra định kỳ dẫn đến những ngày nắng nóng thợ điều hòa thường không thể làm xuể, gọi thợ không quen thì sợ không đảm bảo, chặt chém, chờ cửa hàng quen biết thì phải “xếp lịch” dài cả tuần, thậm chí cả tháng trời.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng, lắp đặt điều hòa ngày càng lớn.
Chị Phạm Thị Cúc, nhân viên hành chính văn phòng của một công ty tại Khu Công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm, cho biết năm nào công ty mình cũng tiến hành bảo dưỡng hệ thống điều hòa với chi phí hàng chục triệu/lần.
“Công ty tôi có 17 chiếc điều hòa, hàng năm vẫn tiến hành bảo dưỡng định kỳ vào đầu hè. Năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh, chưa kịp bảo dưỡng thì đã có máy bị vỡ ống, chảy nước vào trong, gọi đến cửa hàng quen thì họ chỉ cử thợ qua khắc phục gấp máy bị hỏng còn lịch bảo dưỡng phải chờ đến cuối tháng vì họ quá bận. Với giá bảo dưỡng 350.000 đồng/máy thì công ty sẽ mất 5.900.000 đồng phí bão dưỡng, họ kiểm tra cần nạp ga hay thay thế gì lại báo giá sau”, chị Cúc nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Những con sâu này có thân hình mập mạp, hương vị béo ngậy khiến nhiều người đã ăn là khó quên.