Đầu tháng 12, thương trường chao đảo khi nghe tin doanh nghiệp của hai ông lớn hàng đầu Việt Nam tính chuyện “góp gạo thổi cơm chung”. Theo đó, Tập đoàn Vingroup và Masan đã thoả thuận sáp nhập Công ty VinCommerce (bán lẻ) và VinEco (nông nghiệp) của VinGroup vào CTCP Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ.
Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Trong thông cáo phát đi, Vingroup giải thích Tập đoàn này đã thay đổi chiến lược, phát triển với định hướng tập trung vào công nghệ, công nghiệp. Ông Nguyễn Việt Quang, CEO Vingroup cho biết, Vingroup đã khởi tạo hai doanh nghiệp quy mô lớn là VinFast và VinSmart với khát vọng toàn cầu. Do vậy, tập đoàn này phải tối ưu hoá mọi nguồn lực nhằm đưa VinFast và VinSmart thành các doanh nghiệp mạnh, có tầm vóc quốc tế.
Có thể nói, với thương vụ làm ăn này, Masan hay Vingroup đều có bài toán riêng cần giải. Nếu với Masan là việc phải tăng trưởng phân khúc người tiêu dùng thì Vingroup là bài toán tài chính. Bán lẻ được xem mảng bổ trợ cho các lĩnh vực khác ở Vingroup, đặc biệt là bất động sản. Tuy nhiên, ngoài VinEco, VinGroup không tham gia sâu vào sản xuất hàng tiêu dùng. Hiện tại, tỷ lệ hàng tươi sống của VinMart/VinMart+ chưa cao do vậy, khi kết hợp với Masan, bài toán này sẽ được giải. Đồng thời, chuỗi bán lẻ và cả Meat Deli cũng sẽ tiếp cận được người tiêu dùng tốt hơn.
Trong khi đó, Vingroup lại đang chuyển trọng tâm đầu tư sang hướng công nghiệp, công nghệ. Vingroup đang trong cuộc đốt tiền đầu tư cho sản xuất ô tô, smartphone… nên tập đoàn này cũng cân nhắc rút lui ở một số mảng.
Tháng 11/2019, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và KEB Hana Bank chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và công bố KEB Hana Bank là cổ đông chiến lược nước ngoài, sở hữu 15% vốn điều lệ của BIDV.
Trên cơ sở chấp thuận của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, BIDV và KEB Hana Bank đã hoàn tất các thủ tục giao dịch và hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật hai nước để KEB Hana Bank chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của BIDV.
Cụ thể, BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng. Sau khi phát hành cổ phần cho KEB Hana Bank, vốn điều lệ BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Có thể nói, đây là giao dịch M&A với một nhà đầu tư chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam và là giao dịch kép. KEB Hana Bank đầu tư để sở hữu 15% cổ phần của BIDV với thời gian nắm giữ ít nhất 5 năm. Đồng thời, BIDV nhận được chương trình hỗ trợ kỹ thuật dài hạn từ Tập đoàn Tài chính Hana và KEB Hana Bank, bao gồm nhưng không giới hạn trên 6 lĩnh vực: quản trị chiến lược phát triển ngân hàng; quản lý hệ thống công nghệ và ngân hàng số; tăng cường phát triển ngân hàng bán lẻ; đa dạng hóa danh mục tài sản sinh lời; quản trị rủi ro; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Sự kiện công bố hợp tác này không chỉ đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử hoạt động của BIDV - ngân hàng thương mại lâu đời nhất Việt Nam mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa BIDV và KEB Hana Bank. Đồng thời góp phần khẳng định mối quan hệ đồng hành - phát triển của các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam - Hàn Quốc nhằm nỗ lực thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, ngoại giao giữa hai nước.
Tháng 6/2019, Auchan Retail Việt Nam (Pháp) đã ký kết chuyển giao toàn bộ hệ thống siêu thị Auchan tại Việt Nam cho Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).
Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp bán lẻ trong nước sở hữu thương hiệu nước ngoài. Và điều này cũng chứng tỏ vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường vốn được xem là lợi thế của nhà đầu tư ngoại. Điều đáng nói của thương vụ này là giá bỏ thầu của Saigon Co.op thấp hơn đơn vị bỏ giá cao nhất đến 20%.
“Ông lớn” Vingroup tiếp tục có thêm một thương vụ M&A có giá trị trong năm 2019. Theo đó, vào tháng 5/2019, SK Investment Vina II - quỹ thành viên của SK Group đã mua 205,7 triệu cổ phiếu VIC.
Theo thỏa thuận đã ký, SK Group chi ra khoảng 23.300 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) để mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu của VinCommerce, với giá trung bình 113.000 đồng một cổ phần. Một phần của thương vụ này đã được thực hiện qua giao dịch thỏa thuận trên sàn HoSE.
Hoàn tất thỏa thuận với SK Group, Vingroup cũng thực hiện được gần 62% phương án chào bán cổ phần riêng lẻ được thông qua tại phiên họp thường niên 2019.
Theo phương án được các cổ đông thông qua, tập đoàn lên kế hoạch huy động gần 1,1 tỷ USD thông qua phát hành riêng lẻ cổ phiếu. Vingroup muốn chào bán riêng lẻ 250 triệu cổ phần (tương đương 7,8% lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho tối đa 5 nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài, với mức giá không thấp hơn 100.000 đồng cho mỗi cổ phiếu.
Kịch bản 2 dòng sữa Việt về chung một nhà đang trở thành hiện thực khi tại Đại hội cổ đông bất thường tổ chức cuối tháng 12, GTN Foods cho phép CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông để có thể đạt tỉ lệ sở hữu 75% tổng vốn điều lệ của GTNfoods mà không cần làm thủ tục chào mua công khai theo qui định
Đây có thể coi là dấu mốc quan trọng để Vinamilk nhanh chóng kiểm soát quyền điều hành GTNfoods để thực hiện các bước tái cấu trúc tiếp theo trong thương vụ M&A giữa hai doanh nghiệp sở hữu hai thương hiệu sữa nổi tiếng là Vinamilk và Mộc Châu Milk (Sữa Mộc Châu).
Thương vụ này bắt đầu từ tháng 3/2019 khi Vinamilk bất ngờ chào mua công khai hơn 116,7 triệu cp GTN tương đương 46,68% vốn của GTNFoods, với số tiền ước tính phải chi lên đến 1.517 tỉ đồng.
Tên tuổi của GTN trong ngành nông nghiệp, hàng tiêu dùng không còn xa lạ. Công ty đã mua và nắm được quyền kiểm soát nhiều doanh nghiệp tiềm năng: nắm giữ gần 75% cổ phần Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico). Trong đó, tỷ lệ sở hữu của Vilico tại Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu là 51%. Ngoài ra, GTN còn nắm giữ 95% cổ phần Tổng Công ty chè Việt Nam; 35% cổ phần LadoFoods (thương hiệu Vang Đà Lạt)…
Nếu như năm 2019 ngành bán lẻ và ngân hàng có nhiều thương vụ giá trị thì mảng bất động sản cũng không kém cạnh. Tháng 6/2019, Lotte Land liên doanh với tập đoàn FLC để phát triển một dự án quy mô 6,4 ha tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Theo đó, hai bên liên kết thành lập pháp nhân mới là CTCP Lotte FLC vào tháng 6/2019, mã số doanh nghiệp 0108773573. Địa chỉ trụ sở chính tại tầng 7, tháp văn phòng FLC 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Công ty đăng ký ngành nghề chính là kinh doanh BĐS. Người đại diện theo pháp luật là Tổng Giám đốc Kim June Hyun (quốc tịch Hàn Quốc)
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty có vốn điều lệ 556,5 tỉ đồng. Cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH Lotte Land góp 333,9 tỉ đồng, nắm 60% vốn điều lệ; CTCP FLC Premier Parc góp hơn 139 tỉ đồng, tương ứng với 25% vốn và CTCP Tập đoàn FLC góp gần 83,5 tỉ đồng, chiếm 15% còn lại.
Trong đó, CTCP FLC Premier Parc cũng mới được thành lập hồi tháng 5/2019. Công ty này có vốn điều lệ 70 tỉ đồng, người đại diện theo pháp luật là ông Trịnh Văn Nam (sinh năm 1991).
CTCP Lotte FLC sẽ đầu tư dự án với diện tích hơn 6,4 ha tại Đại Mỗ - chính là khu đất mà tập đoàn đã trúng đấu giá ở mức 860 tỉ đồng từ năm 2017 (mức giá này cao gấp gần 3 lần giá khởi điểm khi đó là 320 tỉ đồng). Dự án được quy hoạch gồm đất nhà ở liền kề, nhà biệt thự song lập, nhà ở cao tầng.