Ngấm đòn Covid-19, các đại gia du lịch thua lỗ liểng xiểng
Đại dịch Covid-19 đã khiến các công ty du lịch lữ hành và bất động sản nghỉ dưỡng gặp khó khăn hơn bao giờ hết khi các doanh nghiệp đua nhau báo… lỗ quý 1/2020.
Đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp du lịch thua lỗ liểng xiểng. Ảnh minh họa
Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), một ông lớn trên thị trường du lịch lữ hành vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2020 với một kết quả được dự báo từ trước, lợi nhuận kế toán trước thuế âm 38 tỷ đồng.
Quý 1 cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên thế giới, hàng không bị đình trệ, các thị trường du lịch quốc tế đóng băng, các điểm thăm quan, du lịch trong nước đóng cửa. Điều này khiến doanh thu quý 1 của công ty giảm 43%, đạt 789 tỷ đồng.Trong đó, doanh thu từ dịch vụ du lịch lữ hành giảm 47% còn 607 tỷ đồng, doanh thu từ bán vé máy bay giảm 33% còn 155 tỷ đồng.
Phần lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 30 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái 106 tỷ đồng). Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 41 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái đạt 6 tỷ đồng).
Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế hợp nhất âm 38 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái đạt 6,5 tỷ đồng). Lợi nhuận công ty mẹ âm 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 4,9 tỷ đồng.Vietravel hoạt động chính trong lĩnh vực điều hành tour du lịch, đại lý vé máy bay, vận chuyển khách du lịch, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống lưu động.
Cấu trúc của Vietravel bao gồm công ty Mẹ và 13 công ty con, 3 công ty liên kết. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Vietravel đã phải cắt giảm nhân sự từ 1.544 nhân viên hồi đầu năm xuống còn 1.513 nhân viên tại ngày 31/03/2020.
Mức chi phí cho nhân viên (gồm lương, phụ cấp) cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, từ 43,59 tỷ đồng xuống còn 21,28 tỷ đồng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines. Vietravel sẽ là hãng hàng không gắn với du lịch, cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước, quốc tế đến các nước trong châu lục, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành.
Hãng sẽ khai thác các chuyến bay trên máy bay Airbus, Boeing hoặc tương đương. Hãng có 3 máy bay trong năm đầu tiên, sau đó tăng dần lên 8 tàu bay vào năm thứ năm khai thác.
Trước đó, báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, hồ sơ đề xuất dự án đầu tư của Vietravel Airlines chứng nhận Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) đã chuyển đủ 700 tỷ đồng (100% vốn điều lệ) vào tài khoản của Vietravel Airlines tại ngân hàng từ tháng 9/2019.
Một ông lớn trong lĩnh vực du lịch lữ hành là CTCP Du lịch Bến Thành. Doanh nghiệp này cũng công bố doanh thu quý 1 giảm 35% còn 96 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng không giảm, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng. Các khoản thu nhập khác giảm 61%, dẫn đến lợi nhuận trước thuế của Bến Thành âm 7,6 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 2,6 tỷ đồng).
Không chỉ các doanh nghiệp lữ hành, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cũng lao đao trong quý 1.
CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay cho biết, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 95% trong quý vừa qua, trong khi chi phí tài chính tăng vọt từ 10 triệu đồng lên 851 triệu đồng. Kết thúc quý 1, lợi nhuận trước thuế của công ty âm 1,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 8,3 tỷ đồng.
Trong nhóm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, FLC đang là doanh nghiệp thua lỗ nặng nhất khi công bố báo cáo tài chính hợp nhất lỗ hơn 1.400 tỷ đồng, mặc dù tập đoàn thu về doanh thu 4.800 tỷ đồng (tăng 60%).
Nguyên nhân thua lỗ của FLC xuất phát từ việc tập đoàn này lỗ từ hoạt động kinh doanh tài chính 1.800 tỷ đồng. FLC hiện sở hữu 52,11% cổ phần của hãng hàng không Bamboo Airways, một hãng hàng không chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Nếu như tuần trước USD Index có xu hướng tăng thì bước sang tuần này, chỉ số này liên tục đi xuống.
Nguồn: [Link nguồn]