Năm kiếm bộn tiền của dân chứng khoán

Tài khoản gia tăng, chứng khoán thăng hoa cũng mang lại khoản lợi nhuận lớn từ nghiệp vụ môi giới, tư vấn… cho các công ty chứng khoán.

Thị trường chứng khoán khởi sắc mạnh vào cuối năm 2020, tạo nền tảng cho thị trường tiếp tục đi lên trong năm 2021. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường chứng khoán khởi sắc mạnh vào cuối năm 2020, tạo nền tảng cho thị trường tiếp tục đi lên trong năm 2021. Ảnh: Dũng Minh

Chỉ số chứng khoán chính của thị trường là VN-Index đã tăng 72,6% so với “đáy” cuối tháng 3/2020. Hai chỉ số khác là HNX-Index và chỉ số UPCom cũng tăng mạnh lần lượt là 128,5% và 56,7%. Riêng VN-Index hiện đã vượt mức “đỉnh” của năm 2007 tại 1.123,07 điểm và đang được kỳ vọng sẽ vượt qua “đỉnh” 1.196,61 điểm thiết lập năm 2018.

Dòng tiền ùn ùn đổ vào thị trường chứng khoán

Anh Nguyễn Thành Vinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa bàn với vợ mở tài khoản kinh doanh chứng khoán. “Trong nhà có ít tiền mặt, cửa hàng kinh doanh vẫn chưa mở lại nên tiền vẫn để ở ngân hàng. Lãi suất thấp, ngân hàng lại vừa thông báo giảm tiếp nên đợt này sẽ rút ra 2/3 số tiền để đầu tư vào chứng khoán”, anh Vinh nói.

Anh Vinh cho biết, trong nhóm bạn bè của anh có 3 người tham gia đầu tư chứng khoán từ đầu tháng 10/2020 và cả ba đều có lãi sau khi bán ra. “Lãi chốt được mấy chục triệu, nhà nào cũng đưa vợ con đi nghỉ Tết tây”, anh Vinh thông tin và cho biết, sau khi bạn bè tư vấn một số mã cổ phiếu đang tăng “hot”, anh cũng lập tức nhảy vào cuộc chơi mới.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, số lượng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia vào thị trường như anh Vinh những tháng qua rất lớn.

Sự gia nhập của làn sóng nhà đầu tư F0 đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện thị trường, đưa thị trường chứng khoán trở lại những tháng ngày rực rỡ nhất cách đây hơn 10 năm bất chấp đà bán ròng gần 11.000 tỷ đồng trong năm 2020 của khối nhà đầu tư nước ngoài.

Gần đây nhất, tháng 10/2020 có 36.451 tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, tăng hơn 5.000 so với tháng 9. Tiếp đó, tháng 11 có thêm 41.203 tài khoản mở mới, phá kỷ lục số tài khoản mở mới của tháng 3/2018 là 40.651 tài khoản.

Chưa dừng ở đó, tháng 12 ghi nhận 63.629 tài khoản mở mới. Đây là con số cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán. Lượng tài khoản mở mới tăng vọt đã đưa tổng số lượng tài khoản giao dịch trên thị trường lên gần 2,73 triệu tài khoản.

Bên cạnh đó, số tài khoản chứng khoán mở mới của các tổ chức trong nước cũng tăng cao với 168 tài khoản trong tháng 12, cao nhất trong 4 năm trở lại đây, nâng số tài khoản của tổ chức trong nước tính đến cuối năm 2020 lên 11.251 tài khoản.

Nói về các tài khoản mới, tại tọa đàm “Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới” ngày 5/1, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thông tin, dòng tiền tham gia mới đều là dòng tiền thật, ít sử dụng đòn bẩy tài chính.

Ông Lực cho biết, năm qua có 300.000 - 400.000 nhà đầu tư F0 (chỉ các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường chứng khoán sau khi dịch Covid-19 bùng nổ). “Nhưng đây chỉ là dịch chuyển dòng tiền chứ không phải đòn bẩy tài chính”, ông Lực nói.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối phân tích Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho biết, các nhà đầu tư F0 năm nay đã khác trước là đều đã có tài sản tích luỹ. Giá trị tài sản của họ tăng lên cùng với sự tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam những năm qua nên đây là những người có tiềm lực về tài chính.

Chính vì nhờ dòng tiền mới “cuồn cuộn” và liên tục đổ vào thị trường mà thời gian qua đã chứng kiến sự phục hồi thần kỳ, đạt đến trạng thái rực rỡ của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong buổi lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm mới 2021 ngày 4/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vui mừng thông tin, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đã tăng trưởng đột phá, đạt mức bình quân gần 7.400 tỷ đồng/phiên.

Riêng các tháng 11 và 12/2020 lần lượt đạt mức trung bình 10.000 và 14.800 tỷ đồng/phiên, gấp hơn 2 lần so với mức bình quân năm 2019. Thị trường thăng hoa đẩy quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt tới 84,3% GDP năm 2020.

Công ty chứng khoán lãi đậm, thưởng lớn nhân viên

Số tài khoản mở mới tăng tốc kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ

Số tài khoản mở mới tăng tốc kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ

Tài khoản gia tăng, chứng khoán thăng hoa cũng mang lại khoản lợi nhuận lớn từ nghiệp vụ môi giới, tư vấn… cho các công ty chứng khoán.

Trong Top 5 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất, ngoài Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) có doanh thu thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, các công ty khác đều ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh.

Đứng đầu Top thị trường môi giới là Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) ghi nhận doanh thu từ các nghiệp vụ đều tăng mạnh.

Theo báo cáo tài chính quý III/2020, chỉ tính riêng lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/ lỗ của SSI trong quý III/2020 đạt 327,3 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm tới 30/9 đạt 1.257,8 tỷ đồng (tăng 172,5% so với cùng kỳ 2019); Lãi từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán quý III/2020 tăng 419,2% khi đạt gần 68,5 tỷ đồng, nâng lũy kế từ đầu năm lên gần 232,4 tỷ đồng (tăng 430,79% so với cùng kỳ năm trước).

Không chỉ công ty chứng khoán lớn mà các công ty chứng khoán có quy mô vừa và nhỏ cũng báo cáo lãi ròng đột biến như Công ty Chứng khoán AIS, Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, Công ty Chứng khoán Trí Việt, Công ty Chứng khoán HDBS, Công ty Chứng khoán APG… Sự tăng trưởng lên đỉnh cao của thị trường thậm chí còn giúp nhiều công ty chứng khoán như Châu Á - Thái Bình Dương, Hải Phòng, Nhất Việt thoát lỗ.

Doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán cũng tăng mạnh, riêng quý III/2020 đạt 176,8 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đạt hơn 490 tỷ đồng (tăng 13,2% so với cùng kỳ 2019), doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán tăng mạnh 137,5% lên 29,67 tỷ đồng...

Các khoản doanh thu tăng mạnh nói trên góp phần mang lại cho SSI khoản lợi nhuận trước thuế 3 quý năm 2020 nhảy vọt lên đến 1.080,3 tỷ đồng, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh SSI, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 3 quý 2020 của Công ty CP Chứng khoán VNDirect cũng đạt mức cao là 191,8 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty CP Chứng khoán TP HCM (HSC) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 842,2 tỷ đồng, tăng 58,48% so với cùng kỳ 3 quý 2019. Con số này tại Công ty CP Chứng khoán Tân Việt là hơn 169 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước…

Thống kê tổng doanh thu hoạt động 9 tháng đầu năm 2020 của 50 công ty chứng khoán có quy mô lớn nhất thị trường đạt tới 23.682 tỷ đồng, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước. Đứng ngay sau SSI là Công ty CP Chứng khoán VPS với doanh thu hoạt động 9 tháng 2.669 tỷ đồng, tăng 36,8%; Công ty CP Chứng khoán Techcombank đạt 2.490 tỷ đồng, tăng 123,5%; Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội 1.121 tỷ đồng…

Nhờ hưởng lợi kép, cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng tăng mạnh: SSI đến nay tăng 163,5% so với hồi tháng 3/2020, BSI của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN tăng 78,2%, BVS của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt tăng 157%; CTS của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam tăng 177%; VDS của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt tăng 106,3%...

Lợi nhuận tăng cao là điều kiện để các công ty chứng khoán tăng thu nhập cho nhân viên. Vừa trở về sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch cùng gia đình ở Hội An, anh Nguyễn L.H (nhân viên tư vấn, Công ty chứng khoán T.V, trụ sở tại Hà Nội) cho hay, gần như toàn bộ chi phí chuyến đi của gia đình là từ thưởng Tết Dương lịch của công ty.

Công ty T.V vừa báo lãi sơ bộ năm 2020 hơn 250 tỷ đồng. Với quy mô tinh gọn, ứng dụng công nghệ thông tin tốt, mỗi nhân viên đều làm việc hiệu quả nên thu nhập những năm gần đây tăng đều.

Tại Công ty Chứng khoán V.N, lãi 3 quý năm 2020 gần 200 tỷ đồng, anh Nguyễn D. Tú, nhân viên bộ phận công nghệ thông tin cho biết, công ty chưa tổng kết cuối năm nên chưa rõ lãi cả năm 2020 bao nhiêu nhưng với tốc độ tăng trưởng như 3 quý vừa qua, năm nay công ty sẽ lãi khá lớn.

Theo anh Tú, hiện thu nhập trung bình mỗi nhân viên từ 17-20 triệu đồng/tháng tùy từng bộ phận. Mức thu nhập này không kém các ngân hàng, thậm chí còn vượt thu nhập trung bình ở nhiều ngân hàng nhỏ. Đợt Tết Dương lịch vừa qua, mỗi nhân viên trong công ty của anh Tú đều được thưởng một tháng lương.

“Thưởng Tết Nguyên đán chắc sẽ từ 2-3 tháng lương, chưa tính lương kinh doanh”, anh Tú dự đoán và thông tin, trước đó đợt thưởng giữa năm của công ty dành cho nhân viên cũng khá cao.

Chứng khoán tăng 5 phiên liên tiếp

Hôm qua (7/1), VN-Index lên 1.156 điểm nhờ dòng tiền chảy vào thị trường ồ ạt, bất chấp khối ngoại xả hàng và tình trạng nghẽn thanh khoản chưa dứt điểm.

Chứng khoán vẫn đang thăng hoa và chưa gặp chướng ngại vật nào trên đường tiến đến vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước không ngừng đổ vào thị trường khiến bên bán bị lấn lướt hoàn toàn. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM hôm nay đóng cửa tại 1.156,49 điểm, tăng 13,28 điểm so với tham chiếu và duy trì mạch đi lên 5 phiên liên tiếp.

Trong số hơn 300 cổ phiếu tăng điểm (gấp đôi số lượng cổ phiếu giảm), rổ VN30 đóng góp 23 mã tăng. Các cổ phiếu trong nhóm tác động tích cực nhất đến chỉ số chung đều thuộc rổ vốn hoá lớn, lần lượt là VCB tăng 1,9%, TCB tăng 4,2%, GAS tăng 2,5%, MSN tăng 4,2%.

Giá vàng hôm nay 10/1: Rớt giá thê thảm, tuần tới vàng tăng hay giảm?

Giá vàng thế giới vừa trải qua một tuần tồi tệ khi giảm liền mạch 125 USD/ounce và rời khỏi ngưỡng 1.900 USD/ounce.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn ([Tên nguồn])
Bùng phát cúm gia cầm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN