Quyết định gây sốc của Mỹ khiến một ngành của Trung Quốc có thể về thời "đồ đá"
Bộ Thương mại Mỹ vừa đưa ra loạt biện pháp được cho là sẽ làm lay chuyển ngành công nghệ cao của Trung Quốc.
Loạt quy định mới của Mỹ nhằm ngăn Trung Quốc mua hoặc sản xuất chip và linh kiện quan trọng cho siêu máy tính được coi là sự leo thang căng thẳng lớn giữa Bắc Kinh và Washington trong lĩnh vực công nghệ.
Các công ty Mỹ được yêu cầu phải có giấy phép để xuất khẩu chip hiệu năng cao, vốn được dùng cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo sang Trung Quốc. Ngay cả những con chip do nước ngoài sản xuất liên quan đến AI và siêu máy tính, sử dụng các công cụ và phần mềm của Mỹ trong quá trình thiết kế và sản xuất, cũng sẽ phải có giấy phép mới được xuất khẩu sang Trung Quốc. Các công ty Mỹ sẽ bị hạn chế nhiều trong việc xuất khẩu máy móc cho các công ty Trung Quốc đang sản xuất chip có độ tinh vi nhất định.
“Các quy tắc về chip mới nhất là một dấu hiệu cho thấy Washington đang nói rõ rằng họ xem xét cuộc cạnh tranh này nghiêm túc hơn bao giờ hết và sẵn sàng thực hiện các bước đi mà trước đây không thể tưởng tượng được,” Abishur Prakash, một chuyên gia tư vấn về đổi mới công nghệ cho biết.
Các hạn chế của Mỹ sẽ có tác động gì đối với Trung Quốc?
Thiết bị bán dẫn là một trong số những sản phẩm công nghệ quan trọng nhất. Chúng được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến ô tô và tủ lạnh. Đây cũng là chìa khóa cho các ứng dụng quân sự và phát triển trí tuệ nhân tạo.
Khi căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng trong vài năm qua, công nghệ và đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm như chip, đã bị kéo vào cuộc chiến.
Trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và chất bán dẫn đều là những lĩnh vực mà Trung Quốc xác định là công nghệ “tiền tuyến” nhằm nâng cao năng lực quốc gia. Tuy nhiên các quy định mới của Mỹ sẽ khiến việc này trở nên cực kỳ khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực chip.
Lý do các biện pháp mới có thể tác động mạnh là do Mỹ có nhiều vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, ngay cả với những loại không được sản xuất tại Mỹ hay được kiểm soát bởi các công ty Mỹ.
Trong hơn 15 năm qua, TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung của Hàn Quốc đã vươn lên thống trị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới. Intel, nhà sản xuất chip lớn nhất của Mỹ, đã bị tụt lại phía sau rất nhiều.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn tự hào có các công ty mạnh trong lĩnh vực thiết kế, có sản phẩm được nhiều công ty khác trong chuỗi cung ứng sử dụng. Ví dụ: các con chip hiện đại do TSMC sản xuất có thể lại sử dụng các công nghệ của Mỹ ở đâu đó trên chuỗi cung ứng.
Mỹ đã sử dụng quy tắc tương tự trước đây trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc dưới thời ông Donald Trump. Khi đó, Huawei đã bị cắt khỏi các loại chip tiên tiến nhất mà TSMC đang sản xuất và thiết kế cho điện thoại thông minh của mình. Huawei, từng là công ty số một trên thị trường điện thoại thông minh, đã chứng kiến phân khúc thiết bị cầm tay bị tê liệt. Và với quyết định mới, chưa bao giờ quy tắc này lại được áp dụng trên quy mô rộng như hiện nay và không chỉ 1 công ty của Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Trung Quốc sẽ cần phải 'phát minh lại bánh xe'
Nhiều quốc gia khác có thể phải chịu áp lực trong việc không được bán một số thiết bị nhất định cho Trung Quốc. Ví dụ, theo các quy tắc mới nhất, các công ty sẽ cần phải có giấy phép để vận chuyển máy móc cho các dây chuyền sản xuất của Trung Quốc nếu các nhà máy này đang sản xuất một số chip nhớ, chất bán dẫn 16 nm, 14 nm hoặc nhỏ hơn. Thông thường, kích thước càng nhỏ, chip càng mạnh mẽ và hiệu quả.
Nhà sản xuất chip tiên tiến nhất của Trung Quốc, SMIC, hiện đang sản xuất chip 7nm, nhưng không phải ở quy mô lớn. Để tạo ra những con chip có độ tinh xảo này trên quy mô lớn, với chi phí thấp hơn và độ tin cậy cao hơn, SMIC và các dây chuyền khác của Trung Quốc sẽ cần phải có trong tay thiết bị được gọi là máy in thạch bản cực tím. Công ty ASML của Hà Lan là công ty duy nhất trên thế giới có khả năng chế tạo loại máy này. Nếu công ty là một đối tượng trong lệnh hạn chế của Mỹ hoặc chịu áp lực từ Washington không bán sản phẩm cho các công ty Trung Quốc thì sự phát triển của các nhà sản xuất chip nước này sẽ bị cản trở.
“Sản xuất chất bán dẫn là một chuỗi cung ứng siêu toàn cầu hóa. Việc bị cắt bỏ khỏi guồng quay này đồng nghĩa với việc các công ty Trung Quốc sẽ phải “phát minh lại bánh xe”, nghĩa là phải bắt đầu lại từ những công nghệ cơ bản nhất. Nền kinh tế số 2 thế giới sẽ cần vốn và nguồn nhân tài rất lớn để có thể vượt qua cú sốc này” ông Pranay Kotasthane, chuyên gia Viện Takshashila cho biết.
Kotasthane cho rằng Trung Quốc có thể sản xuất chip tiên tiến ngay cả khi không có máy móc của ASML "nhưng năng suất sẽ thấp hơn nhiều, có nghĩa là chi phí cao hơn và độ tin cậy thấp hơn."
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc sẽ phải dựa vào các lựa chọn thay thế nội địa “cấp thấp hơn” cho các công cụ thiết kế, mà họ thường nhận được từ các công ty Mỹ và Nhật Bản.
Washington cũng yêu cầu bất kỳ người Mỹ nào cũng cần có giấy phép nếu họ muốn hỗ trợ phát triển hoặc sản xuất chất bán dẫn tại một số cơ sở có trụ sở tại Trung Quốc. Điều này sẽ cắt đứt một đường dẫn nhân tài quan trọng của Mỹ đến Trung Quốc. Và như vậy, việc “phát minh lại bánh xe” lại càng trở nên tốn kém.
Những KOL nổi tiếng của Trung Quốc như Vi Á hay ông hoàng son môi Lý Giai Kỳ từng thu hút hàng triệu người mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử. Tuy nhiên sau loạt bê...
Nguồn: [Link nguồn]