Meta xem xét mở cửa hàng bán lẻ cho sản phẩm thực tế ảo

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Meta, trước đó là Facebook, có kế hoạch mở nhiều cửa hàng bán lẻ nhằm quảng bá sản phẩm liên quan đến mục tiêu “vũ trụ ảo” của tập đoàn mạng xã hội này.

Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook và nhiều ứng dụng khác, đã xem xét mở các cửa hàng bán lẻ với quy mô có thể mở rộng ra khắp thế giới, theo New York Times. Các cửa hàng này sẽ được dùng để chào bán sản phẩm từ bộ phận Reality Labs của Meta, bao gồm các bộ kính thực tế ảo (VR) và có thể là kính thực tế tăng cường (AR). 

Những thiết bị mới này được Meta kỳ vọng sẽ dẫn người dùng vào “vũ trụ ảo” (metaverse) - một thế giới số tương lai, nơi mà mọi người có thể di chuyển từ thế giới ảo sang thế giới thực AR một cách linh hoạt.

Mark Zuckerberg, người sáng lập và CEO của Facebook, đã đổi tên công ty của mình thành Meta vào tuần trước và vạch ra định hướng biến vũ trụ ảo thành nền tảng mạng xã hội thế hệ mới. Việc mở cửa hàng thiết bị là một cách Meta muốn sử dụng để cho người dùng thấy thế giới VR và AR có thể hấp dẫn như thế nào.  

Theo tài liệu từ Meta mà New York Times có được, mục tiêu của các cửa hàng này là làm thế giới trở nên “mở và kết nối hơn”, kèm theo việc gợi lên những cảm xúc như “tò mò”, “gần gũi” và “cảm giác được chào đón”. 

Sáng kiến mở cửa hàng truyền thống xảy ra trước việc Facebook đổi tên nhiều tháng và bắt đầu nghiêm túc vào năm 2020. Dự án này vẫn có thể sẽ không xảy ra, nhưng nếu Meta quyết định mở cửa hàng truyền thống thì đây sẽ là động thái chưa có tiền lệ với công ty này - vốn chủ yếu chỉ hoạt động trên thế giới số với các ứng dụng Facebook, Messenger, Instagram và WhatsApp..

Một người phát ngôn của Meta cho biết công ty chưa thể xác nhận kế hoạch mở cửa hàng, nhưng nói rằng nhu cầu kính VR của công ty đang “ở mức cao” và có sẵn tại các cửa hàng bán lẻ đối tác.

Chuyện một công ty công nghệ mở chuỗi cửa hàng riêng cũng không phải mới, khi Apple, Microsoft và Amazon đều đang có các chuỗi cửa hàng bán lẻ của riêng mình. 

Mark Zuckerberg quảng bá sản phẩm thực tế ảo tại một sự kiện năm 2017. Ảnh: Business Insder

Mark Zuckerberg quảng bá sản phẩm thực tế ảo tại một sự kiện năm 2017. Ảnh: Business Insder

Trong lúc Mark Zuckerberg tập trung quảng bá vũ trụ ảo, Meta và Facebook đang phải vật lộn với nhiều thách thức từ cả giới quản lý và công luận.

Frances Haugen, một cựu nhân viên tại Facebook, đã thu thập hàng nghìn trang tài liệu nội bộ và chia sẻ chúng với các nhà lập pháp và giới truyền thông. Haugen cho rằng Facebook chưa nỗ lực đủ để bảo vệ xã hội khỏi những tác hại từ nền tảng này. Tiết lộ của cô đã kéo theo làn sóng dò xét từ giới lập pháp và quản lý cũng như nhiều lời kêu gọi siết chặt hoặc chia tách Facebook. 

Thái độ nghi ngờ cũng bủa vây vũ trụ ảo của Meta. Tuy bộ phận Reality Labs đã từng đạt thành công tương đối trong quá khứ với bộ kính VR Oculus Quest 2, VR vẫn là một thị trường nhỏ hẹp dành cho những người sẵn hứng thú với loại hình giải trí này. Thiết bị VR thường có giá cao và có thể khó sử dụng; một số người còn cảm thấy chóng mặt sau khi sử dụng VR. 

Tim Derdenger, giáo sư từ Trường Kinh doanh Tepper (Đại học Carnegie Mellon), nói rằng Meta sẽ cần ít nhất 5-10 năm nữa để có một sản phẩm hoặc dịch vụ hoàn thiện, Ông Derdenger cho rằng thứ mà Meta đang phát triển có vẻ tương đồng với game Second Life đầu những năm 2000, nhưng cũng nói sản phẩm của Meta có thể có trải nghiệm “đắm chìm” hơn. 

Dù vậy, Zuckerberg đã tuyên bố rằng đã nhìn thấy được tương lai của bước tiến lớn tiếp theo của thế giới số kể từ khi smartphone bắt đầu trở nên phổ biến. Trong tương lai ấy, ứng dụng của Zuckerberg sẽ không còn phải làm theo luật lệ của Apple và Google, vốn quản lý các chợ ứng dụng phân phối các sản phẩm của Meta. 

Trong những năm gần đây, Meta đã tiến hành thử nghiệm mở cửa hàng bán lẻ ở quy mô nhất định. Công ty này đã mở một số kiosk và cửa hàng tại các sân bay và quận SoHo tại Manhattan, New York để quảng bá sản phẩm Oculus. Meta cũng từng hợp tác với hãng bán lẻ Macy’s mở một địa điểm tạm thời vào năm 2018 nhằm đưa nhiều doanh nghiệp nhỏ lên nền tảng của mình.

Nếu kế hoạch mở cửa hàng của thực hiện, các sản phẩm được chào bán sẽ bao gồm dòng thiết bị gọi video Portal và kính VR Oculus. Các cửa hàng này cũng có thể có sản phẩm kính râm công nghệ Meta hợp tác phát triển với hãng kính Ray-Ban.

Thiết kế ban đầu cho cửa hàng của Meta mang tính hiện đại, phẳng với phong cách tối giản bên ngoài và vị trí đặt thương hiệu Facebook không quá lộ liễu, theo các tài liệu New York Times xem xét. Tên của cửa hàng có khả năng cao là Facebook Store, bên cạnh các tên khác như Facebook Hub, Facebook Commons, Facebook Innovations, Facebook Reality Store và From Facebook. 

Chưa rõ quyết định đổi tên thành Meta liệu có ảnh hưởng đến việc đặt tên cửa hàng hay không. Andrew Bosworth, người sẽ sớm trở thành giám đốc công nghệ (CTO) của Meta, thông bố vào tuần trước rằng thương hiệu Oculus sẽ được thay thế bới Meta, dẫn đến việc Oculus Quest trở thành Meta Quest và Facebook Portal trở thành Meta Portal.

Cửa hàng đầu tiên của Meta, nếu thành hiện thực, sẽ nằm tại Burlingame, bang California, nơi có một văn phòng dành cho các nhân viên bộ phận Reality Labs của công ty này. 

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 6/11: Bất ngờ vọt tăng ”như vũ bão” trong phiên cuối tuần

Mở phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới bật giờ vụt tăng dữ dội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Phong ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN