Ma trận kinh doanh và nhận diện cách tiểu thương “né” thuế
Trong khi số lượng hộ kinh doanh cá thể mỗi năm một tăng nhưng số tiền thuế thu lại ngày một giảm. Tuy nhiên, việc sửa đổi luật Doanh nghiệp nhằm siết chặt quản lý với đối tượng này vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều giữa các chuyên gia...
Nhiều hộ kinh doanh cá thể có quy mô lớn nhưng vẫn không muốn trở thành doanh nghiệp vì thủ tục rườm rà. Ảnh minh họa.
Nguồn thu “khủng” bị lãng phí
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 8 lần số lượng doanh nghiệp. Và theo số liệu cơ quan thuế quản lý thì cả nước có hơn 1,7 triệu lượt hộ nộp thuế (doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp), cũng gấp 3 lần số lượng doanh nghiệp.
Thế nhưng, số thuế hàng năm các hộ kinh doanh cá thể nộp cho ngân sách chưa đầy 2% trong tổng số thu thuế. So sánh tốc độ phát triển số thu của ngành thuế thì số thu của đối tượng hộ kinh doanh cá thể tăng trưởng chậm hơn, dẫn đến tỉ lệ thu của khu vực hộ kinh doanh cá thể ngày càng nhỏ trong tổng thu thuế. Xu hướng ngược chiều này đã đặt ra nghi vấn mà trong các cuộc họp của Chính phủ nhiều lần nêu ra là kiểm tra kỹ việc cán bộ thuế bắt tay với hộ kinh doanh để ấn định doanh số thấp nhằm giảm số thuế phải nộp và cần giám sát cả việc cán bộ thuế quản lý lỏng lẻo, bỏ sót đối tượng nộp thuế.
Sở dĩ hộ kinh doanh cá thể nộp thuế ít là do quy định pháp luật lâu nay cho phép đối tượng này được áp dụng thuế khoán (trong khi doanh nghiệp áp dụng theo phương pháp kê khai, khấu trừ). Nếu doanh nghiệp phải khai báo doanh số đầu vào trừ đầu ra để khấu trừ thuế, thì hộ kinh doanh được cơ quan Nhà nước ấn định mức thuế ổn định trong vòng 1 năm. Mức thuế bao nhiêu dựa trên doanh số bán hàng một cách cảm tính, vì doanh số bán hàng bao nhiêu không có cơ sở kiểm tra. Một nguyên nhân khác khiến việc thu thuế khoán dễ thất thoát là do quy định mức thuế khá phức tạp, khó kiểm soát, quá nhiều mức thuế suất của từng loại dịch vụ, trong khi trong thực tế việc phân chia các ngành dịch vụ không rõ ràng...
Quy định này dẫn đến bất hợp lý là, một hộ kinh doanh bán nhiều mặt hàng ở các nhóm ngành khác nhau thì áp dụng mức thuế suất nào thì không thể phân định rạch ròi được. Từ đó dẫn đến bất hợp lý là bãi giữ xe nộp thuế cao hơn phòng khám. Vì bãi xe là dịch vụ, phải nộp thuế suất 7%, trong khi phòng khám bác sĩ được phân vào “lĩnh vực khác” thì chỉ nộp 3%.
Cũng theo quy định thuế khoán, hộ kinh doanh không cần phải sử dụng hóa đơn chứng từ. Thế nhưng một số đơn vị mua hàng cần hóa đơn để quyết toán thì hộ kinh doanh không được quyền mua hóa đơn của cơ quan thuế để xuất cho khách hàng. Một hộ kinh doanh có thể vừa nộp thuế khoán, vừa nộp thuế theo doanh số hóa đơn. Việc này phát sinh hệ quả là các hộ kinh doanh trở thành là nơi trốn thuế, dùng doanh số bán lẻ không xuất hóa đơn để bán hóa đơn cho những đơn vị cần hóa đơn để quyết toán khấu trừ thuế. Một số doanh nghiệp thành lập thêm hộ kinh doanh cá thể để san sẻ thuế cho nhau.
Mảnh đất màu mỡ cho “tham nhũng vặt”
Chính vì thế, dự án sửa đổi luật Doanh nghiệp đang đưa vào một nhóm vấn đề mới hoàn toàn được bổ sung là quy định về hộ kinh doanh. Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào là bước đột phá của dự thảo luật Doanh nghiệp. “Khu vực hộ kinh doanh là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng vặt. Khi thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Doanh nghiệp thì các hộ kinh doanh có thể phải đóng góp nhiều hơn nhưng sẽ đỡ chi phí không chính thức”, ông Lộc nhìn nhận.
Đại diện VCCI cũng nhận xét, bản chất của hộ kinh doanh chính là doanh nghiệp. Nhưng về thuế thì hoàn toàn không bình đẳng với doanh nghiệp, doanh thu của hộ kinh doanh lên đến vài trăm triệu đồng cũng chỉ phải đóng thuế vài trăm ngàn một năm, trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ cũng phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 15% đến 20%. Quy định về thuế đang tạo cơ chế bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh và và doanh nghiệp nên hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh đóng góp gần 30% GDP nhưng chỉ đóng góp 1,6% ngân sách.
Đủ chiêu “né” luật
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, đoàn Luật sư TP.HCM, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM nói: “Thực tế cho thấy, quản lý hộ kinh doanh theo hình thức thuế khoán không mang lại hiệu quả, dễ nảy sinh nhiều bất cập như trốn thuế. Về lâu dài, việc này không tạo được động lực công bằng, thúc đẩy kinh doanh chung trong nền kinh tế. Đó là chưa kể các hộ kinh doanh không thực hiện quyền cho người lao động khi không mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, khiến người lao động gặp nhiều thiệt thòi”.
“Điều cần lưu ý, khi đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của luật Doanh nghiệp, cần xác định rõ những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chỉ sử dụng nhân lực trong gia đình, không cần thiết đưa lên doanh nghiệp. Những hộ sử dụng lao động thuê mướn cần khuyến khích, có chế tài đưa lên thành doanh nghiệp. Cũng cần nói thêm, để chống thất thoát thuế phải tăng cường quản lý thuế, vai trò của cán bộ thuế liên phường và hội đồng tư vấn thuế xã, phường...”, ông Nghĩa cho biết.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa cùng thừa nhận, hộ kinh doanh rất ngán ngại các điều kiện kinh doanh. Việc gia nhập cũng như rút lui khỏi thị trường rất phức tạp khi chuyển lên doanh nghiệp, khi muốn phá sản cũng không đơn giản. “Việc duy trì mô hình hộ kinh doanh sẽ giúp họ không phải đóng thuế nhiều. Trong khi đó, việc trốn thuế đang là căn bệnh mà cơ quan quản lý thuế đang phải nỗ lực chữa trị. Các vấn đề về hóa đơn, chứng từ cũng khiến hộ kinh doanh ngại lên doanh nghiệp. Suốt 2 năm qua, chúng tôi đi vận động hộ kinh doanh, nhưng chỉ được một thời gian, doanh nghiệp lại muốn quay về hộ kinh doanh chỉ vì vấn đề hóa đơn, chứng từ. Vì thế chúng ta cần có hệ thống hóa đơn, chứng từ đơn giản”, vị chuyên gia trình bày.
Nhìn nhận bằng góc nhìn khác, chuyên gia quản trị kinh doanh, diễn giả Francis Hùng nhận định: “Nếu được hỗ trợ kỹ năng kinh doanh và làm tốt thương hiệu của mình, những người dân bán bún bò, hủ tiếu, bán xôi ven đường cũng có thể trở thành chủ của những tập đoàn lớn. Ở nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, nhiều tập đoàn lớn đều xuất thân từ hộ kinh doanh cá thể. Họ xuất phát từ những hộ kinh doanh gia đình rồi dần dần học hỏi, phát triển và trở thành những tập đoàn hùng mạnh. Nhưng tại Việt Nam, rõ ràng là rất nhiều hộ gia đình kinh doanh có quy mô lớn vẫn không chịu trở thành doanh nghiệp, dù lực lượng lao động này đóng góp rất lớn vào nền kinh tế”. Diễn giả Francis Hùng thẳng thắn cho rằng, tâm lý chung của các tiểu thương này là sợ phiền phức, thậm chí là “né” thuế.
Nói về thực trạng này, chuyên gia Francis Hùng cho hay: “Cần phải khẳng định, đóng thuế là yêu nước. Vì người kinh doanh cần hiểu rằng, số tiền đóng thuế chính là thể hiện giá trị và quy mô doanh nghiệp của họ”.
“Luật có thể chưa bao quát hết, nhưng người thực hiện luật phải bao quát. Trước đây, chúng ta có quy định với mức doanh thu cố định thì hộ kinh doanh cá thể phải chuyển thành doanh nghiệp, nhưng không có kết quả khả quan. Theo tôi, nên quy định hộ kinh doanh cá thể thuê mướn lao động phải có trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, tức phải đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Như vậy sẽ tạo động lực cho các hộ đó tự nguyện chuyển lên hoạt động theo quy định của luật Doanh nghiệp. Để làm được việc này, phải có chế tài quản lý việc sử dụng lao động nghiêm túc và minh bạch”, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa kết luận. |
Kể từ ngày 1/4/2019, các doanh nghiệp nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, tiền phí, lệ phí và các khoản thu khác...