Lương của các lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước bao nhiêu?
Nghị định 20/2020 quy định việc thực hiện thí điểm về quản lý lao động, xây dựng thang lương, tiền lương, tiền thưởng của người lao động, thành viên Ban Giám đốc, HĐQT, H
Việc thí điểm theo Nghị định 20/2020 được thực hiện trong năm 2020 nhưng có nhiều tín hiệu khó thực thi do dịch COVID-19 tác động nặng nề tới hoạt động của DN. Ảnh minh họa
Cơ chế khoán lương theo Nghị định 20/2020 được thí điểm tại 3 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tổng Công ty Hàng không (VNA) và Tổng Công ty Quản lý bay (VATM).
Nghị định này quy định việc thực hiện thí điểm về quản lý lao động, xây dựng thang lương, tiền lương, tiền thưởng của người lao động và Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Thành viên HĐTV, HĐQT, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên năm 2020.
Theo kết quả kinh doanh năm 2020 và quy định tại Nghị định 20/2020, lương dành cho lãnh đạo VNPT cao hơn mức đã trả do kinh doanh có lãi; VATM có lãi thấp còn VNA lỗ nên mức lương giảm sâu, thậm chí chỉ bằng mức sàn. Do đó, trên thực tế, các DN này cuối cùng đã áp dụng theo cách thức khác nhau với quy định mới.
Theo kết quả kinh doanh năm 2020, tại VNPT, lãi cao hơn gần 50 tỷ đồng so với bình quân năm 2018-2019. Dù có lãi, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19, tiền lương của lãnh đạo tập đoàn này vẫn bằng của năm 2019.
Cụ thể: chủ tịch HĐTV được trả 86,4 triệu đồng/tháng, thành viên HĐTV 76,8 triệu đồng/tháng, kiểm soát viên 76,7 triệu đồng/tháng.
Trong khi theo Nghị định 20, lương cơ bản của lãnh đạo 3 DN thí điểm từ 40-70 triệu đồng/tháng. Với VNPT, theo lương cơ bản và lợi nhuận đạt được, tập đoàn này có thể trả cho chủ tịch HĐTV 108 triệu đồng/tháng, thành viên HĐTV 96 triệu đồng/tháng, kiểm soát viên 95,8 triệu đồng/tháng.
Tại VNA, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên trong năm 2020, DN này dự kiến lỗ hơn 14.400 tỷ đồng (công ty mẹ), trong khi bình quân năm 2018-2019 lãi hơn 2.600 tỷ đồng.
Nếu xét theo kết quả kinh doanh, lương của lãnh đạo VNA chỉ bằng 30% lương cơ bản. Cụ thể, lương của Chủ tịch HĐQT 21 triệu đồng/tháng (30% của lương cơ bản 70 triệu đồng/tháng); thành viên HĐQT và kiểm soát viên 18 triệu đồng/tháng (30% của 60 triệu đồng).
Cùng đó, do ảnh hưởng dịch bệnh, năm 2020, VNA được Ủy ban quản lý vốn chấp thuận cho áp dụng quỹ lương bằng 44% của lương thực hiện năm 2019 và tiền lương bình quân người lao động 23,3 triệu đồng/tháng (bằng 57,7% so với năm liền trước). Với cách tính này, lương của chủ tịch HĐQT là 55 triệu đồng/tháng, thành viên HĐQT và trưởng ban kiểm soát nhận 47,1 triệu đồng/tháng, lương kiểm soát viên 39,3 triệu đồng/tháng (bằng 37% lương năm lền trước), Tổng Giám đốc bằng 4 lần lương bình quân người lao động, tức 93,2 triệu đồng/tháng.
Bức tranh kinh tế của VATM trong năm 2020 cũng không mấy sáng sủa do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng (giảm 99,99% so với năm 2019). Với mức này, xét theo Nghị định 20, tiền lương bình quân người lao động chỉ 12,87 triệu đồng/tháng (bằng 45% năm liền trước).
Để "giữ chân" được người lao động, VATM đề nghị các bộ ngành cho phép tính thêm tiền lương làm ca đêm, làm thêm giờ, để đạt mức lương bình quân 21,9 triệu đồng/tháng (bằng 65% của năm 2019).
Với lãnh đạo, lương trả lương cho chủ tịch HĐTV là 88,65 triệu đồng/tháng, thành viên HĐTV 73,88 triệu đồng/tháng, kiểm soát viên 59,1 triệu đồng/tháng. Còn nếu theo Nghị định 20, lương của lãnh đạo VATM cao hơn mức trên.
Như vậy, trên thực tế, cả 3 Tổng Công ty Nhà nước, tập đoàn kinh tế đã áp dụng Nghị định 20 theo những cách thức khác nhau, có sự điều chỉnh căn cứ theo tình hình thực tế của doanh nghiệp cũng như đảm bảo mức lương ổn định cho người lao động.
Tại dự thảo báo cáo Thủ tướng kết quả tổng kết thí điểm Nghị định 20/2020, bộ LĐ-TB&XH đánh giá, nghị định này đã bước đầu tạo chủ động cho DN trong xác định lương, thưởng; phân định rõ ai thuê/bổ nhiệm người đó đánh giá và trả lương, gắn tiền lương với mức độ hoàn thành nhiệm vụ từng người.
Tuy nhiên, theo bộ LĐ-TB&XH, do mới thực hiện, có nội dung chưa thực hiện, hoặc thực hiện chưa đầy đủ, nên chưa đủ cơ sở đánh giá đầy đủ cơ chế mới này. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa được phản ánh hết, và chưa thể hiện hết tác động của cơ chế tiền lương mới hiệu quả công việc. Do đó, thực tế trả lương vẫn theo mức thực hiện năm 2019...
Từ các đánh giá trên, bộ LĐ-TB&XD đề xuất Chính phủ kéo dài thời gian thí điểm Nghị định 20 tới nửa cuối năm 2022 (thay vì chỉ thí điểm năm 2020).
Nguồn: [Link nguồn]
26% người lao động bị cắt giảm lương ở nhiều mức khác nhau vì dịch Covid-19, trong đó cấp Tổng Giám đốc, Phó tổng...