Loạt shipper chuyên nghiệp xin nghỉ việc vì bị vắt kiệt sức với mức lương bèo bọt
Chạy xe cả ngày ngoài đường với số lượng đơn hàng “khủng” nhưng nhận về số lương ít ỏi, không xứng đáng với công sức mình bỏ ra đã khiến hàng loạt shipper đình công, xin nghỉ việc vì kiệt sức.
Anh Nguyễn Văn T. (quê ở Quảng Ninh) cho biết anh vừa viết đơn xin nghỉ việc sau 3 năm gắn bó vì quy định mới áp dụng cho shipper của công ty mình.
“Đoạn đường tôi đi từ kho đến địa điểm giao hàng khoảng 20km, trước đây quy định là vùng 4 nên mỗi đơn hàng giao thành công được trả 8.000 đồng. Hàng ngày phải dầm mưa, dãi nắng ngoài đường, đối mặt với đầy rủi ro khi hỏng xe hoặc tai nạn nhưng tôi vẫn lựa chọn gắn bó với nghề. Để giao được tối đa số đơn hàng, có những ngày tôi chạy quên cả ăn trưa, chỉ mong kiếm thêm được hộp sữa cho con. Nhưng bây giờ công ty thay đổi quy chế mới, cách tính lương mới, lương không đủ sống nên tôi xin nghỉ”, anh T. nói.
Chạy 20km để giao hàng, shipper chuyên nghiệp chỉ được công ty trả công 5.000 đồng/đơn giao thành công (ảnh chụp màn hình).
Theo anh T., bắt đầu từ ngày 21/4 công ty ra quy chế mới, khu vực anh làm từ vùng 4 chuyển xuống vùng 2. “Vẫn địa bàn ấy nhưng công ty chuyển từ vùng 4 xuống vùng 2, do đó mỗi đơn hàng giao thành công tôi chỉ được trả 5.000 đồng, mỗi ca từ 7 giờ sáng đến 13 giờ 30 phút chiều phải mang đi và giao thành công ít nhất 40 đơn hàng. Trong khoảng thời gian quy định trong ca, shipper không giao hết hàng sẽ bị phạt 10% lương của ngày hôm đó. Một tháng bắt buộc phải đi làm 26 ngày, nghỉ 1 ngày trừ 5% tổng lương tháng trên một phiên. Nếu giao mỗi ngày được 40 đơn, 1 tháng được 1.200 đơn thì sẽ được lương cứng 2,4 triệu đồng, giao được càng nhiều đơn thì số lương cứng sẽ tăng lên càng cao”.
Theo cách tính như vậy, mỗi ca làm việc hơn 5 giờ với số đơn giao thành công bắt buộc là 40 đơn hàng thì anh T phải hoàn thành mỗi đơn hàng trong vòng 7,5 phút tính cả thời gian sắp đơn, di chuyển, gọi điện, chờ khách. Chưa kể nếu nhỡ bị hỏng xe hoặc trời mưa bão di chuyển khó khăn nên việc hoàn thành chỉ tiêu là không tưởng. Không những thế, trong tháng 4, số lượng đơn hàng ở một số vùng nông thôn không nhiều nên không đủ chỉ tiêu công ty đưa ra, tiền lương không đủ tiêu.
“Trước đây, mỗi ngày tôi làm được khoảng 400.000 đồng chưa trừ tiền xăng xe điện thoại, nhưng theo cách tính lương mới thì mỗi ngày làm chưa được 200.000 đồng. Không cẩn thận còn bị phạt tốc độ giao hàng, phạt hệ số min max vùng. Cuối tháng nhận bảng lương với số tiền phạt hụt đi cả vài triệu liền. Hơn nữa phải chạy cật lực, kể cả ngày nghỉ thì mới mang về mỗi tháng được 6 triệu, không xứng đáng với công sức của mình bỏ ra nên tôi xin nghỉ”, anh T. bức xúc.
Cách tính thù lao và định mức giao hàng từng ca cho shipper vô cùng khắc nghiệt được áp dụng (ảnh nhân vật cung cấp).
Để xin nghỉ, anh T. phải viết đơn gửi lên công ty trước 1 tháng mới nhận được tiền đặt cọc khi mới vào công ty. “Khi bắt đầu vào, công ty yêu cầu mỗi shipper phải đặt cọc 5 triệu đồng nên để lấy lại tiền cọc đã nộp tôi phải nộp đơn xin thôi việc trước 1 tháng. Do quy chế mới nên hàng loạt anh em shipper viết đơn xin thôi việc, một số khu vực ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã tiến hành đình công phản đối nhưng phía công ty vẫn im lặng. Bản thân tôi cũng không dám lên tiếng trên mạng xã hội vì sợ công ty không trả lại tiền đặt cọc”.
Để hoàn thành công việc được giao, nhiều shipper chỉ kịp ăn vội gói mì tôm sống.
Không phải riêng anh T. mà hàng trăm shipper khác cũng viết bài bày tỏ sự bức xúc vì quy chế mới áp dụng cách tính vùng và áp thời gian hoàn thành đơn hàng khắc nghiệt.
Anh Q. (quê ở Đắk Lắk) làm shipper chuyên nghiệp được gần 2 năm cho biết: “Vùng 7 là vùng có điểm giao cách kho hàng trên 40km, ngày trước được tính 20.000 đồng/đơn giao thành công. Đường xa và khó khăn với hàng chục km đường đất, mưa gió thì lầy lội rất vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng để hoàn thành giao đơn cho khách. Nhưng bây giờ công ty hạ từ vùng 7 xuống vùng 5 theo cách tính mới, mỗi đơn hàng hoàn thành tôi chỉ được trả 10.000 đồng, hơn nữa mỗi ca giao hàng tôi phải giao tối thiểu 30 đơn, không thì phạt”.
Chạy xe hơn 40km được trả 10.000 đồng, không xứng với công sức mình bỏ ra nên anh Q cũng viết đơn xin nghỉ. “Chúng tôi chạy quên ăn quên ngủ cũng vì mưu sinh, vì cuộc sống và vì sự lớn mạnh của công ty. Ai cũng nghĩ làm shipper nhiều đơn lương cao lắm, nhưng mấy ai hiểu được những vất vả phải đánh đổi sức khỏe, mồ hôi và nước mắt trên những con đường dù mưa hay nắng để lấy được 5.000-10.000 đồng tiền công. Giờ cách tính mới như vậy anh em shipper bất mãn nghỉ gần hết, hàng hóa chất đầy kho. Công ty phải ra thông báo tạm dừng dịch vụ tại một số tỉnh từ ngày 25/4 đến hết ngày 1/5”.
Tham gia vào cộng đồng shipper chuyên nghiệp, chị Phùng Lan Hương (trú tại Hà Nội) bức xúc khi biết số tiền mà mỗi nhân viên giao nhận được trả. “Tôi bán hàng nên bỏ ra một chi phí không nhỏ nhằm giao nhận hàng đến khách hàng đúng tiến độ. Chú hay lấy hàng nhà tôi người gầy nhỏ, đã trung tuổi, đi chiếc xe cũ lắm rồi mà lần nào cũng đèo một xe hàng to hơn cả người. Hôm nay đến lấy hàng mà mặt buồn thiu, mệt mỏi, chú bảo nếu chú nghỉ thì con cái của chú ai nuôi, nghe thật xót xa”, chị Hương chia sẻ.
“Tôi vẫn nhớ hình ảnh cậu giao hàng ngồi ăn vội mì tôm sống, đến lấy hàng dưới cái nắng cắt da cắt thịt mùa hè… Mấy hôm nay tôi nhận được thông tin họ đang bị bóc lột sức lao động một cách cạn kiệt nhưng nhận về số lương quá ít ỏi. Tôi tự hỏi tại sao một doanh nghiệp lớn, thuộc top 4 doanh nghiệp giao hàng chuyên nghiệp nhất Việt Nam có thể bỏ ra hàng tỷ đồng ủng hộ dịch bệnh nhưng lại thay đổi quy chế, bớt đi miếng cơm của chính nhân viên đã gắn bó với mình”, chị Hương bày tỏ.
Theo chị Hương, ở đâu cũng vậy, muốn thành công thì yếu tố con người phải đặt lên trên hết, nếu doanh nghiệp đặt lợi nhuận lên trên giá trị con người thì không thể bền lâu được. Trong khi đó, một doanh nghiệp giao hàng chuyên nghiệp thì shipper chính là lực lượng nòng cốt nhất tạo nên thương hiệu và sự sống còn của doanh, họ phải được quan tâm và ưu ái nhất.
Nguồn: [Link nguồn]
Hiện nay, chỉ có 22 doanh nghiệp bán hấp hàng đa cấp đang hoạt động theo quy định của Nghị định số 40.