Lao đao vì dịch Covid-19, nhiều người xoay đủ cách để kiếm sống

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến các trường học phải đóng cửa phòng ngừa dịch. Điều này khiến cho những giáo viên mầm non khối ngoài tư thục gặp khó khăn do không có những chính sách trợ cấp về kinh tế. Nhiều người thậm chí đã tính tới phương án làm công nhân hay nhân viên bán hàng.

Người ở nhà trông con, người bán hàng thêm kiếm tiền

Để phòng chống dịch COVID-19, học sinh Hà Nội được nghỉ học đến ngày 29/3. Thời gian nghỉ phòng dịch kéo dài đã có những ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các giáo viên, nhất là khối trường, cơ sở giáo dục ngoài công lập. Với các giáo viên mầm non khối ngoài công lập, đợt nghỉ dịch để lại nhiều suy nghĩ, cảm xúc về tình yêu nghề, yêu trẻ đi cùng với đó là sự lo lắng cho chính cuộc sống của bản thân mình và gia đình.

Nhiều giáo viên mầm non tư thục phải chuyển hướng để kiếm sống.

Nhiều giáo viên mầm non tư thục phải chuyển hướng để kiếm sống.

Chị Vân – giáo viên mầm non một trường tư thục trên địa bàn quận Hà Đông - chia sẻ kể từ khi nhà trường thông báo cho học sinh nghỉ để phòng chống dịch Covid-19 đến nay, cuộc sống gia đình chị hoàn toàn đảo lộn.

Chị cho biết trong đợt nghỉ dịch này những giáo viên của trường không có lương để trang trải cuộc sống gia đình. Do thu nhập của chồng cũng không cao, trong khi đang nuôi 2 cháu nhỏ nên việc nghỉ không lương trong một thời gian dài đã khiến cuộc sống của gia đình bị ảnh hưởng khá nhiều. Những chi tiêu trong gia đình bây giờ phải rất tiết kiệm.  

Chị Hương - đang dạy ở một trường mầm non ở khu đô thị Đô Nghĩa, Hà Đông - cho biết đến nay các cô giáo ở trường vẫn chưa biết nghỉ dạy thì có được hưởng quyền lợi gì không. Tuy nhiên, theo những thông tin được các giáo viên trong trường chia sẻ thì đợt nghỉ này sẽ không có lương.

Tương tự như chị Vân, chị Hương cho biết do gia đình có 2 con nhỏ nên trong thời gian nghỉ dịch này chị ở nhà trông con. Kinh tế của gia đình giờ hoàn toàn trông chờ vào thu nhập của người chồng, do đó mọi chi tiêu của gia đình đều phải tính toán rất kỹ.

Chị Tâm - giáo viên lớp nhỡ một trường mầm non khu vực Cầu Giấy - cho biết đợt nghỉ học do dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của các giáo viên mầm non khối ngoài công lập. Chi chia sẻ rất ít trường có trả lương cho giáo viên trong đợt nghỉ này. Do đó, việc nghỉ không lương với những người đã có gia đình là một vấn đề lớn bởi mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều trông chờ vào số tiền lương nhận được hàng tháng.

Theo chị Tâm, những giáo viên mầm non như mình rất bị động để tìm việc làm thêm trong đợt nghỉ dịch do những thông báo nghỉ học được thực hiện mỗi tuần. Nếu như nhận được thông báo nghỉ cả tháng thì mọi người có thể biết đường tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống.

Chị chia sẻ hàng tháng chi tiêu của gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương của mình bởi khoản thu nhập của chồng được dành để trả ngân hàng tiền mua nhà trả góp. Do đó, đợt nghỉ không lương do dịch Covid-19 khiến anh chị phải vay mượn thêm và nhờ đến sự hỗ trợ của những người thân khác trong gia đình.

Một giáo viên mầm non gần khu vực Cầu Diễn chia sẻ trong đợt nghỉ bởi dịch Covid-19 cũng không được nhà trường hỗ trợ về kinh tế. Để trang trải cuộc sống gia đình, nhiều giáo viên trong trường chị đã làm CTV bán hàng online, kinh doanh hải sản, thậm chí có người xin làm thời vụ tại khu công nghiệp nhỏ và vừa Từ Liêm. Chị cho biết, những giáo viên mầm non như chị phải tìm việc làm thêm bởi thu nhập của chồng không đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Chủ tịch hội đồng quản trị trường mầm non viết tâm thư

Trước những diễn biến khó lường và tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Chủ tịch hội đồng quản trị hệ thống mầm non tư thục tại Hà Nội bà Đào Thị Phương Thảo đã có bức tâm thư xúc động gửi tới toàn bộ giáo viên trong hệ thống nhà trường.

Bà Thảo cho biết đây là giai đoạn vô cùng khó khăn của ngành giáo dục nói chung và của nhà trường nói riêng. Khi tất cả học sinh nghỉ học, đồng nghĩa nguồn thu chính của nhà trường để chi trả cho tất cả các chi phí mặt bằng, nhân sự… đều không còn nữa.

Là một người lãnh đạo cao nhất của nhà trường, bà cảm thấy những áp lực này lớn hơn bao giờ hết khi dưới mình là hơn 100 nhân sự, những con người đã gắn bó, đồng hành, ủng hộ bà và nhà trường trong suốt thời gian qua.

Thời gian nghỉ đã kéo dài đến cuối tháng 3 và chưa biết khi nào dịch qua đi để học sinh đi học trở lại. Điều đó cho thấy rằng, nhà trường vẫn còn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn phía trước: “Tôi cảm thấy trái tim đau nhói khi cô giáo của mình tâm sự “Chị ơi em nhớ trường lắm”; “Chúng em nhớ các con lắm”; "Chưa bao giờ em thèm được đi làm như lúc này", bà Thảo viết.

Về chế độ với các giáo viên trong trường trong quãng thời gian nghỉ học, bà Thảo thừa nhận để tự đưa ra một phương án nào vào lúc này là điều khó khăn. Sự khó khăn đó đến từ cuộc sống của các giáo viên, đến từ các số liệu tài chính cần có để duy trì hoạt động cho nhà trường...

Bà cho biết thật may mắn và hạnh phúc khi nhận được tình cảm của các giáo viên trong Ban Giám hiệu, trưởng bộ phận khi chủ động đề xuất phương án không nhận phần lương trách nhiệm chức vụ của mình mà chỉ nhận về một mức lương bằng với tất cả mọi người trong thời gian nghỉ phòng dịch bệnh.

Tại hệ thống của trường, đề xuất lương trong tháng 2 của Ban Giám hiệu và các trưởng Bộ phận là sẽ hỗ trợ 60% lương sàn vị trí giáo viên, nhân viên và 50% phụ cấp hợp đồng lao động.

Trong khi đó, chị Lan một quản lý của hai trường mầm non tư thục khu vực Hà Đông, Hà Nội, cho biết trong đợt nghỉ dịch này toàn bộ các giáo viên của nhà trường sẽ nghỉ không lương. Nhà trường sẽ trợ cấp cho các giáo viên trong những buổi đi trực, thực hiện vệ sinh, khử trùng lớp học,…

Chị thừa nhận đây là một quyết định khiến hơn 10 giáo viên của trường đối mặt với khó khăn. Tuy nhiên, chị Lan cũng cho biết việc học sinh nghỉ học cũng khiến mình “mất ăn mất ngủ” trong thời gian qua bởi trong số 2 trường chị đầu tư thì 1 trường vừa hoàn vốn, trường còn lại thì vẫn đang hoạt động lỗ. Để có trả tiền thuê mặt bằng và các chi phí liên quan trong đợt nghỉ do dịch, chị đã phải vay tiền người thân để thanh toán.

Do đó, các giáo viên của trường cũng hiểu với những khó khăn mà những người làm quản lý nhà trường như chị đang phải đối mặt.

Chị cũng chia sẻ nhiều giáo viên trong trường của mình cũng nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng việc bán thêm hàng online. Có người nhận giữ trẻ tại nhà cho những gia đình mà bố mẹ, hay ông bà không sắp xếp được thời gian chăm sóc.

Doanh nghiệp có nguy cơ phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài

Chính phủ cần thực hiện chính sách riêng đối với các DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh để được giảm thuế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN