1,3 triệu tài khoản đầu tư vào sân chơi nóng, thuế nộp ngân sách nhà nước tăng vọt
Sân chơi nóng tiếp tục ghi kỷ lục với hơn 220 nghìn tài khoản mở mới, cùng với đó số thuế “dân chơi” nộp vào ngân sách cũng ghi nhận tăng mạnh.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), trong tháng 11, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã mở tổng cộng 221.314 tài khoản giao dịch chứng khoán mới.
Lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 11 vừa qua là con số lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường, bỏ xa kỷ lục cũ 140.193 tài khoản được thiết lập vào tháng 6/2021. Thậm chí số tài khoản mở mới trong tháng 11 còn cao hơn con số đạt được trong cả năm 2019 (192.567 tài khoản).
Trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới ở mức kỷ lục 220.602 tài khoản, tăng hơn 70% so với tháng 10. Tổ chức trong nước cũng mở thêm 215 tài khoản. Đây cũng là tháng thứ 9 liên tiếp số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng.
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán. Số tài khoản mở mới trong năm nay, nhiều hơn cả tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017, 2018, 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).
Cùng với kỷ lục về số tài khoản mở mới, nguồn thu thuế từ đầu tư chứng khoán cũng tăng mạnh trong 11 tháng đầu năm 2021
Tính tới cuối tháng 11, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4 triệu, tương đương khoảng 4,1% dân số. Dù vậy đây vẫn là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển trong khu vực và cách xa mục tiêu đạt 8% dân số vào năm 2030.
Bên cạnh sự tích cực từ trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng nhập cuộc khi tài khoản mở mới 497 tài khoản, tăng 96 tài khoản so với tháng trước và là mức cao nhất trong 6 tháng qua. Lũy kế 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 4.133 tài khoản chứng khoán tại Việt Nam.
Cơn sóng nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ tiền vào thị trường chứng khoán đã giúp VN-Index có thời điểm vượt đỉnh hơn 1.500 điểm trước khi bị điều chỉnh vì lo ngại biến thể Omicron. Dù vậy chỉ số này kết thúc tháng 11 vẫn đạt trên 1.478 điểm, tăng 2,4% so với tháng trước và 34% so với thời điểm đầu năm.
Ngoài ra, thanh khoản thị trường liên tục duy trì trên mức "tỷ USD" và tăng mạnh so với tháng liền trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân tăng 47% đạt mức 40.117 tỷ đồng/phiên, trong đó giá trị khớp lệnh bình quân cao gấp rưỡi tháng trước lên 37.760 tỷ đồng/phiên.
Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán từ đầu năm 2021 đến nay cũng giúp ngân sách nhà nước thu được số thuế lớn. Theo Tổng cục Thuế, kinh doanh chứng khoán có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn cho ngân sách trong 11 tháng đầu năm.
Cụ thể, Tổng thu ngân sách do cơ quan Thuế quản lý sau 11 tháng đã đạt 1,18 triệu tỷ đồng, vượt 5,1% so với dự toán cả năm và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố gia hạn và một số khoản thu đột biến thì mức tăng so với cùng kỳ cũng là 4,1%.
Tỷ lệ vượt dự toán kể trên tương đương với số thu từ thuế đã cao hơn 65.700 tỷ đồng so với kế hoạch được giao từ đầu năm của cơ quan quản lý.
Trong số thu kể trên, tiền thu từ dầu thô ước đạt 38.104 tỷ, vượt 64,2% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ. Tương tự, tiền thu nội địa ước đạt trên 1,135 triệu tỷ, cao hơn 3,8% dự toán cả năm và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng theo cơ quan quản lý Thuế, sau 11 tháng sau có 14/18 khoản thu, sắc thuế đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán đạt trên 91%. Trong đó, một số khoản thu lớn như doanh nghiệp Nhà nước ước thu đạt 101,6% dự toán; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 99,5%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt 107,8%; thuế thu nhập cá nhân đạt 107,7%; tiền sử dụng đất đạt 121,5% và tiền thuê đất là 125,9%.
Bên cạnh đó, có 8/18 khoản thu, sắc thuế có mức tăng so với cùng kỳ bao gồm khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 13,1%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,1%; ngoài quốc doanh tăng 25,8%; thuế thu nhập cá nhân tăng 7,6%; lệ phí trước bạ tăng 6,9% và cấp quyền khai thác tài nguyên tăng 14,9%...
Riêng với thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục thuế từng nhiều lần lý giải thu thuế cá nhân tăng so với cùng kỳ và đạt khá (dù mức thu từ tiền lương, tiền công giảm 3%) là nhờ tăng thu từ đầu tư chứng khoán và chuyển nhượng bất động sản, trong bối cảnh dòng tiền tìm kiếm cơ hội sinh lời khi lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục.
Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm, thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán tăng gấp 2,9 lần cùng kỳ, thu từ chuyển nhượng bất động sản cũng tăng 70% lên 11.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đến cuối tháng 11, đã có gần 120.000 doanh nghiệp, tổ chức và gần 19.500 hộ, cá nhân kinh doanh xin đề nghị gia hạn các khoản thuế, phí kể trên. Trong đó, tổng số tiền thuế, tiền thuế đất được gia hạn là gần 93.000 tỷ đồng.
Trước cơn sốt đất nền đang diễn ra tại nhiều nơi ở Hà Nội, chàng trai 8X người Nam Định cho biết đã thu lãi hàng trăm...
Nguồn: [Link nguồn]