Kinh doanh lao dốc do COVID-19, Hiệp hội vận tải ô tô cầu cứu Thủ tướng Chính phủ
Trước những thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 gây ra với ngành vận tải, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã có kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ nhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, lực lượng vận tải ô tô với hàng nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng vạn hộ kinh doanh vận tải, số lượng phương tiện là trên 800.000 xe và lực lượng lao động trên 1,2 triệu người.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại tới các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô và bến xe đều gặp khó khăn.
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách cho biết dịch Covid-19 khiến lượng khách đã giảm tới 80%
Vận tải hành khách giảm khoảng 70-80%, vận tải hàng hóa giảm khoảng 50-60%, đặc biệt là vận tải hàng hóa xuất khẩu qua biên giới sang Trung Quốc, Campuchia, doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, các chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh lại gia tăng đã làm cho hoạt động của các doanh nghiệp vận tải ngày càng khó khăn.
Ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19. Đây là các giải pháp rất đúng đắn và kịp thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng nhằm giúp ngành vận tải ô tô cùng với các ngành có liên quan duy trì hoạt động ổn định, vượt qua khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, việc triển khai chỉ thị này vẫn còn nhiều bất cập. Một số giải pháp chưa được triển khai, một số giải pháp đã triển khai nhưng còn mang tính hình thức, đưa ra nhiều rào cản, rườm rà về thủ tục khiến cho doanh nghiệp khó tiếp cận, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, một số ngân hàng đưa ra chính sách nếu giãn nợ thì không được giảm lãi suất và nếu giảm lãi suất thì không được giãn nợ. Nhưng nếu giảm lãi suất thì cũng chỉ giảm 0,5%/năm. Còn một số ngân hàng khác chưa có chính sách giảm lãi suất.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ cho giãn nộp tiền BHXH chứ không được dừng nộp (không phải nộp), nhưng với điều kiện là doanh nghiệp phải có 50% số người lao động nghỉ việc trở lên, hoặc thiệt hại đến 50% giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (những thiệt hại tiệm cận đến sự phá sản doanh nghiệp). Ngoài ra doanh nghiệp cần có xác nhận của Sở Tài chính, của Ủy ban nhân dân,... đây đều là những điều kiện rất khó cho doanh nghiệp.
Đối với ngành Thuế thì cho đến nay vẫn chưa có giải pháp nào để hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước những khó khăn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang phải đối mặt, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam mong Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai các chính sách cụ thể để hỗ trợ ngành vận tải ô tô vượt qua khó khăn theo đúng tinh thần của Chỉ thị 11/CT-TTg.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm có chỉ đạo các Ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay từ 1,5% đến 2%, giãn nợ từ 0,6 đến 12 tháng kể từ ngày công bố dịch; đẩy nhanh quá trình xem xét các khoản vay mới để hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính khẩn trương giảm thuế VAT về 0%, giảm 50% thuế TNDN, cho giãn nộp 6 tháng đối với thuế còn nợ đọng đến ngày 31/3 (không tính lãi chậm nộp).
Bộ Lao động thương binh và Xã hội ban hành chính sách cho doanh nghiệp vận tải được ngừng đóng (không phải đóng) BHXH đến hết tháng 12/2020, cho giãn nộp 6 tháng đối với số BHXH còn nợ tính đến ngày 31/3 (không tính lãi chậm nộp).
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính áp dụng cho doanh nghiệp vận tải được miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2020; giảm 50% phí đăng kiểm xe cơ giới, điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định ô tô chu kỳ đầu là 24 tháng và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng; không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng.
Bộ Công thương nghiên cứu các giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu, giảm mức phí điện nước cho doanh nghiệp,...
Cùng với đó, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo các địa phương có cửa khẩu biên giới đường bộ với các nước giảm các khoản mà các phương tiện vận tải đường bộ phải nộp khi làm thủ tục tại các cửa khẩu biên giới.
Bước sang ngày thứ 2 sau lệnh cấm, hoạt động kinh doanh dịch vụ ở Hà Nội phần lớn đã “đóng băng” với những dãy...
Nguồn: [Link nguồn]