Kim hoàn thời Covid, “chênh vênh” khi giá vàng biến động
Trải qua nhiều thăng trầm, xưởng kim hoàn của gia đình họ Quách cho đến ngày nay vẫn đều đặn sáng đèn cùng tiếng khò lửa quen thuộc.
Không đơn giản là cái nghề
Tìm đến nhà anh Quách Phan Tuấn Anh- nghệ nhân làm kim hoàn tại làng nghề Định Công (phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) vào một chiều mưa đầu tháng Tám, PV tạp chí ĐS&PL đã có cơ hội “mục sở thị” xưởng kim hoàn của anh. Trong không gian xưởng 50m2, có khoảng 10 người đang chăm chú dưới ánh đèn sợi đốt, người thì tỉ mẩn nắn từng sợi bạc, người lại đang nấu bạc thật đều tay.
Kéo ghế ngồi xuống đối diện chúng tôi, anh nói: “Tôi tranh thủ hoàn thành những đơn hàng còn tồn đọng và nhận đơn hàng mới”.
Theo lời anh Tuấn Anh, hiện có 2 gia đình vẫn còn theo nghề kim hoàn tại đây và đều là con cháu nhà họ Quách cả. Bản thân đã làm nghề gần 20 năm, anh Tuấn Anh cho biết, việc học nghề đậu bạc quả thực chẳng dễ dàng gì bởi công việc yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết, giai đoạn. Bên cạnh đó, nghề này còn yêu cầu người nghệ nhân phải có đầu óc sáng tạo cùng chút kiến thức về mỹ thuật.
“Muốn làm nghề này, không phải cứ khéo tay là làm được. Càng làm càng rút được nhiều kinh nghiệm để phát triển bản thân. Còn nếu muốn làm giỏi thì phải học cả đời”, anh Tuấn Anh bộc bạch.
Ở thời điểm giá vàng tăng giảm thất thường, người nghệ nhân nơi đây lại thêm trăn trở… Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật
Chậm rãi kể về quãng thời gian mới bắt đầu, anh Tuấn Anh cho biết khó khăn lớn nhất là chưa có nhiều người biết đến mình. Anh phải mang những sản phẩm của mình đến chào hàng tại hội chợ, triển lãm bởi những sản phẩm tại xưởng đều là đồ lưu niệm mang dấu ấn Việt Nam được làm thủ công kỹ càng.
“Lâu dần có nhiều khách hơn, tôi lại càng phải chú ý vào chất lượng sản phẩm. Làm gì tôi cũng đặt chữ tín lên hàng đầu để tạo “mối” làm ăn sau này”, anh Tuấn Anh nói thêm.
Chia sẻ với PV tạp chí ĐS&PL, anh cho biết tại xưởng, người gắn bó lâu nhất cũng đã gần 20 năm, còn người nhỏ nhất hiện mới chỉ 16 tuổi và đang trong quá trình học việc. “Họ tìm đến tôi vì yêu nghề và đam mê với những món đồ thủ công. Cũng có những người, chỉ đơn giản là kiếm miếng cơm manh áo mưu sinh nhưng khi nhập tâm vào công việc, họ cảm thấy yêu và muốn gắn bó với nghề”, anh chia sẻ. Dù mức lương chưa thật sự quá cao, chỉ khoảng 300 nghìn đồng/ngày và được tính theo độ cầu kỳ của món đồ mà người đó tạo ra nhưng ai cũng hết mình với công việc bởi sự động viên và chỉ bảo tận tình của anh Tuấn Anh.
Dù mỗi “đứa con tinh thần” được tạo ra đều có những đặc trưng riêng, song anh Tuấn Anh vẫn nhớ nhất về chú trâu bạc anh làm vào năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. “Chú trâu đó tôi làm cho một vị khách người Đức. Sau khi về nước, người khách đó có liên hệ với tôi và nói muốn đặt làm thêm một chú trâu nữa. Ông ấy nói chú trâu này luôn hạnh phúc và vui vẻ vì nhìn khuôn mặt của nó rất có hồn”, vừa nói anh Tuấn Anh vừa mở điện thoại cho chúng tôi xem ảnh.
Quả thật, đó là một chú trâu được gắn kết tỉ mẩn bởi những chi tiết uốn lượn theo từng sợi bạc nhỏ với chiếc miệng mở và khuôn mặt như đang cười, rất thu hút người nhìn. Tuy vậy, anh Tuấn Anh cũng nói rằng mỗi tác phẩm mà anh tạo ra đều mang một cái “hồn” riêng. Cái “hồn” ở mỗi sản phẩm được quyết định qua từng sợi bạc, từng hoa văn được tạo hình trên sản phẩm đó nên quả thật rất khó để có thể tạo ra “bản sao thứ hai”.
Khó khăn vì giá vàng biến động
Giữ nghề vốn đã khó nay lại càng khó hơn khi dịch Covid-19 một lần nữa quay trở lại. Anh Tuấn Anh thở dài: “Xưởng kim hoàn của tôi bị ảnh hưởng nhiều lắm, nhất là đợt giãn cách xã hội. Các cửa hàng vàng bạc hoặc những đối tác buộc phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động”.
Một vấn đề nữa khiến anh Tuấn Anh “mất ăn mất ngủ” là giá vàng đang không ngừng biến động trong thời điểm này, bởi chủ yếu những sản phẩm của anh đều mang tính thẩm mỹ hoặc trang trí. Khi giá vàng tăng, sức mua của khách cũng giảm xuống, thêm vào đó những vấn đề khác như chi phí đặt hàng, làm hàng thủ công khiến cho giá thành sản phẩm cũng tăng theo.
“Cũng có trường hợp khi đã ký hợp đồng với đối tác thì đột nhiên giá vàng tăng cao khiến chúng tôi phải trực tiếp gánh chịu phần lỗ đó”, anh Tuấn Anh tâm sự.
Chia sẻ thêm với PV, anh Tuấn Anh cho biết nghề kim hoàn dần mai một phần lớn là do trước kia Nhà nước bước vào thời kỳ bao cấp, việc buôn bán vàng bạc trở nên khó khăn hơn. Từ đó, các gia đình tại đây chuyển sang buôn bán các mặt hàng khác mong kiếm được thu nhập cao hơn. Khi được hỏi có nhiều người làm nghề rồi lại bỏ không, anh Tuấn Anh cười: “Số người bỏ nghề còn nhiều hơn những người trụ lại. Có những người xuất phát từ sự yêu thích những món đồ thủ công, nhưng vì phải ngồi nhiều tiếng một ngày cộng với công đoạn nấu bạc, kéo sợi bị hỏng liên tục khiến họ nản và bỏ ngang”.
Quả đúng như anh Tuấn Anh chia sẻ, anh Quân (36 tuổi) đang là công nhân tại đây cho biết bản thân vốn không phải người làng Định Công nhưng anh vẫn quyết định theo nghề. Dù đã làm được hơn 10 năm nhưng anh Quân khẳng định bản thân còn nhiều thiếu sót và phải học hỏi từng ngày.
Anh Quân còn tâm sự rằng, dịch bệnh làm cho anh cũng như các anh em khác trong xưởng khó khăn hơn về vấn đề tài chính. Tuy thế, anh vẫn lạc quan: “Bệnh dịch là tình hình chung nên cố gắng vượt qua thôi. Tôi cũng mong mau hết dịch để có thêm việc, nâng cao tay nghề và sớm có được một xưởng kim hoàn do mình làm chủ”.
“Thời buổi dịch bệnh làm ăn khó khăn lại thêm giá vàng tăng giảm thất thường khiến tôi rất hoang mang. Nhưng tôi vẫn cố gắng bám trụ với nghề và tìm thêm nhiều đơn hàng hơn, để thu nhập của mọi người được cải thiện, có thế thì danh tiếng doanh nghiệp mới vững vàng được” - anh Quách Phan Tuấn Anh, truyền nhân thứ tư làm nghề kim hoàn của gia đình họ Quách. |
Nguồn: [Link nguồn]
Xưa kia, tiền xu dù có lỗ thủng cũng không hề bị mất giá trị trong lưu thông.