Khách hủy tour vì sợ dịch, doanh nghiệp lữ hành ngồi trên lửa

Lo sợ trước dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra, con số khách du lịch hủy tour tăng lên chóng mặt. Các DN lữ hành như ngồi trên đống lửa.

Để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho du khách, nhiều công ty quyết định hủy tour đi Phượng Hoàng Cổ Trấn (Trung Quốc) và hoàn 100% tiền cho khách hàng

Để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho du khách, nhiều công ty quyết định hủy tour đi Phượng Hoàng Cổ Trấn (Trung Quốc) và hoàn 100% tiền cho khách hàng

Chấp nhận thiệt hại tránh vỡ trận

Kể từ khi dịch bệnh virus Corona bùng phát lây lan sang nhiều nước, anh N.V.T, hướng dẫn viên chuyên theo tour Trung Quốc cũng chỉ tới công ty cho “có lệ” rồi lại ra về. “Chưa có năm nào anh em theo tour lại rảnh rỗi như năm nay. Không những tour đi Trung Quốc và các nước phát hiện dịch bị hủy đồng loạt, khách đi các tour trong nước cũng hủy. Không có khách, không có việc, tạm thời chúng tôi vẫn được trả lương cơ bản, tuy nhiên tình hình khó khăn không biết còn kéo dài tới bao giờ. Lãnh đạo công ty cũng đã đánh tiếng mong nhân viên chia sẻ để có thể vượt qua thời gian này”, T. nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện hầu hết các hãng lữ hành đều cam kết có chính sách hỗ trợ khách hàng đối với những tour bị hủy. Ông Trần Văn Thái, Giám đốc Công ty Lữ hành du lịch Châu Á Tour cho biết, để thuyết phục khách hàng rời ngày du lịch về sau 30/4, hãng chấp nhận bỏ ra toàn bộ chi phí hỗ trợ đổi vé máy bay khoảng 35 USD/người. “Các tour đi Quảng Châu, Thâm Quyến của chúng tôi đều có số lượng lớn từ 70- 80 người/đoàn, do đó chúng tôi chấp nhận lỗ để bảo toàn, tránh vỡ trận. Giờ chỉ còn cách nghe ngóng tình hình, nếu dịp 30/4 ổn định sẽ tổ chức lại”, ông Thái cho hay.

Được biết, Châu Á Tour là một trong số ít DN lữ hành có thể thỏa thuận với khách lùi thời hạn tour, đa phần còn lại phải hủy toàn bộ hoặc “chuyển ngang” dịch vụ cho khách. Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc An, Phó TGĐ Lữ hành Fiditour cho hay, Trung Quốc là một trong những điểm đến phổ thông đối với người Việt Nam, những điểm đến tại quốc gia này chiếm 30-40% chương trình tour của Fiditour.

“Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, Lữ hành Fiditour có một số đoàn du lịch Tết đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Phượng Hoàng Cổ Trấn với số lượng khách lên đến hơn 200 người. Dù làm xong visa và hoàn tất các dịch vụ với đối tác, Lữ hành Fiditour vẫn quyết định hủy toàn bộ các tour này và bồi hoàn chi phí tour cho du khách; đưa ra những lựa chọn để du khách thay thế như chuyển sang các tour nội địa, tour đi Hàn Quốc, Đài Loan... khởi hành sau Tết”, ông An nói và cho biết thêm: “Tất cả chính sách đưa ra đều phải dựa trên cơ sở đảm bảo quyền lợi khách hàng tối đa. Dù mình chịu thiệt còn hơn khách hủy không sử dụng dịch vụ của mình nữa”.

Tuy nhiên, theo ông An, vấn đề đau đầu nhất của các hãng lữ hành hiện nay là bài toán chuyển hướng khi tình hình kinh doanh du lịch được dự báo còn khó khăn kéo dài: “Tại nhiều hãng, số khách lo ngại tình hình dịch bệnh đã hủy tour trong và ngoài nước lên tới 50%. Đây là con số chưa từng xảy ra”.

Nhận định về tình hình khó khăn của các hãng lữ hành, ông Hoàng Ngọc Phượng, chuyên gia nghiên cứu và phát triển thị trường du lịch thông tin: “Theo dữ liệu tôi nắm được, trong tháng đầu năm, do ảnh hưởng dịch bệnh, đa phần các hãng tour du lịch đều bị sụt giảm nguồn thu từ 30-35%. Cá biệt có hãng bị giảm tới 50% khi thị trường chủ yếu là Trung Quốc. Trước mắt, tình hình có thể kiểm soát do các bên còn có thể chia sẻ rủi ro, song nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thì chỉ tầm 2-3 tháng nữa nhiều hãng tour khó hồi phục”.

Hậu quả đã được cảnh báo từ lâu

“Việt Nam cũng đang đối mặt với những hậu quả tiêu cực gây ra từ đại dịch toàn cầu virus Corona. Theo quan sát, các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong vài tuần qua không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả các đối tượng khách lẻ. Các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển cũng sẽ chịu tình trạng tương tự, trong đó Nha Trang - Khánh Hòa dự kiến ​​sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số khách quốc tế đến khu vực, chiếm hơn 70% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019. Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương”

Nói về phương án chuyển hướng nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất, bà Trương Thị Thu Giang, Phó giám đốc Ban tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel cho biết, trước tình hình hiện nay, đối với các tour trong nước, Vietravel tập trung khai thác mới và đẩy mạnh thêm nguồn khách đến từ các nước Trung Đông và Ấn Độ. Đối với tour nước ngoài, công ty sẽ kích cầu phát triển thêm các tuyến ở khu vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Đông Bắc Á, châu Âu vào mùa hoa anh đào, tulip… hay du lịch kết hợp thăm thân vào mùa hè tại Mỹ, Canada.

Theo ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, để gỡ khó cho ngành du lịch Việt Nam hiện nay, cần phải nhìn lại nguyên nhân gốc rễ chứ không chỉ đổ hết cho dịch bệnh. “Mặc dù trước đó đã có rất nhiều biến cố xảy ra như tình hình bất ổn chính trị tại các nước hay dịch SARS năm 2003…, đâu có phải lúc nào cũng làm ăn thuận lợi? Tuy nhiên các hãng lữ hành trong nước nói riêng và cả ngành Du lịch nói chung vẫn rất bàng quan với việc xây dựng phương án quản trị đối phó với rủi ro. Đây chính là lỗ hổng đã được giới nghiên cứu cảnh báo từ rất lâu nhưng không ai quan tâm. Dịch virus Corona lần này chính là bài học nóng hổi, đắt giá”, ông Lương thẳng thắn nhìn nhận.

Theo ông Lương, kinh nghiệm các nước có nền du lịch phát triển cho thấy, họ đều xây dựng phương án dự phòng, kịch bản ứng phó để vượt qua trong những thời điểm khó khăn. Theo đó các điểm đến được các đối tác liên kết và chia sẻ cho nhau; Đa dạng hóa thị trường khai thác nhằm tránh sự lệ thuộc vào một thị trường nhất định. “Trong khi đó, tại Việt Nam, dù thị trường Trung Quốc với phân khúc thấp đã được cảnh báo hiệu quả kinh tế kém lại dễ bị biến động song nhiều địa phương đều phớt lờ bỏ qua. Nguyên nhân cũng chính bởi bệnh thành tích khi tới cuối năm có thể báo cáo lượng du khách nước ngoài tới tỉnh này tỉnh kia tăng lên”, ông Lương nhận định.

Quay trở lại câu hỏi các DN lữ hành trong nước cần làm gì để duy trì hoạt động và gượng dậy qua cơn bão dịch, ông Lương cho hay: “Trong bối cảnh khách đòi hủy tour, các điểm đến lại hạn chế lễ hội, tụ tập đông người, các hãng lữ hành đang bị bóp nghẹt cả hai đầu. Do đó, một mặt cần tích cực đàm phán với khách hàng chấp nhận lùi hoặc chuyển tour, gia tăng chính sách khuyến mãi, dịch vụ thiết thực để hút khách trở lại. Ngoài ra, đây cũng là lúc các DN và cả ngành du lịch có thời gian để lấp lỗ hổng trong hoạt động kinh doanh, hoàn thiện phương án quản trị, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ…”.

Về phía cơ quan quản lý, ông Lương cũng nêu kiến nghị: “Bên cạnh việc hủy các lễ hội truyền thống, ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo tình hình sức khỏe cho người dân, Tổng cục Du lịch cũng nên đặt mình vào DN lữ hành để có những biện pháp tháo gỡ khó khăn”.

Giữa dịch Corona, nên mua vàng, chứng khoán hay trái phiếu?

Chiến lược tốt nhất để đầu tư hiện nay là gì?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Ngân ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN