Hưởng lợi kép nhờ đồng tiền Việt giữ giá trị

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sự ổn định của tiền đồng sẽ kích thích dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm bớt mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.

Tiền đồng đang giữ giá trị rất tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều bất định. Điều này giúp nhiều công ty có thêm khoản lời từ chênh lệch tỉ giá, nợ vay ngoại tệ giảm mạnh, đồng thời cơ quan quản lý nhà nước điều hành thị trường tiền tệ nhẹ nhàng hơn.

Đỡ gánh nặng cho doanh nghiệp

Sự êm ả của dòng chảy tỉ giá giữa tiền đồng và USD đã giúp bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ điện lạnh (REE), yên tâm phần nào với các khoản vay bằng ngoại tệ. Bằng chứng là quý III-2020, trong khoản tiền lãi của REE đã ghi nhận thêm hàng trăm triệu đồng nhờ vào lãi chênh lệch tỉ giá. 

REE nhiều năm trước đó đã rất đau đầu với các khoản đầu tư ngoại tệ mà mỗi lần tiền USD mạnh lên buộc công ty phải trích lập dự phòng lỗ tỉ giá. Điều này khiến cho lợi nhuận suy giảm, ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu và gánh nặng khoản nợ bỗng tăng thêm, buộc phải dùng nhiều khoản lời từ các mảng kinh doanh khác bù đắp vào. Bà Mai Thanh đã nhiều lần phải lý giải điều này trước nhà đầu tư ở đại hội cổ đông thường niên. 

Sự ổn định của tiền đồng cũng đang chia lửa cho Vietnam Airlines, hãng bay lớn nhất của Việt Nam vốn đang chìm đắm trong cuộc khủng hoảng lỗ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, các khoản vay bằng ngoại tệ đã không làm khó thêm hãng bay này, do tiền đồng duy trì sức mạnh nên trong chín tháng đầu năm, Vietnam Airlines đã ghi nhận khoản lãi hơn 400 tỉ đồng nhờ lãi chênh lệch tỉ giá.

Không chỉ REE, Vietnam Airlines mà việc tiền đồng giữ giá trị còn giúp cho hàng loạt nhà kinh doanh khác của Việt Nam hưởng lợi lớn. 

Sức mạnh tiền đồng Việt xuất phát từ nhiều yếu tố. Theo chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã giúp Việt Nam hưởng lợi không chỉ từ làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài mà còn có nguồn thu xuất khẩu cực lớn. Điển hình là Việt Nam gia tăng mạnh suất siêu, qua đó giúp cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng kỷ lục lên mức gần 100 tỉ USD trong năm 2020. 

“Điều này tạo điều kiện cho tỉ giá tiền đồng và USD giữ khá ổn định, một năm chưa mất giá trên dưới 1%, con số rất thấp so với đồng tiền của các nước trong khu vực” - ông Hải phân tích.

Công ty chứng khoán VNDirect cũng đánh giá kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất điều hành về mức 0%-0,25%. Cơ quan này cũng tái khởi động chương trình mua vào trái phiếu, hay còn gọi là nới lỏng định lượng trong nỗ lực nhằm giải cứu nền kinh tế Mỹ khỏi suy thoái do đại dịch gây ra.

Chính sách nới lỏng chưa từng có tiền lệ cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế tiêu cực của nước Mỹ trong năm 2020 đã khiến đồng USD suy giảm. So với cuối năm ngoái, chỉ số USD Index vào cuối tháng 10 vừa qua đã giảm 2,5%.

Chỉ số USD Index vốn tác động đến tỉ giá tiền đồng và USD. Đồng USD giảm giá trị thì tiền đồng tăng giá và ngược lại. “Dự báo đồng USD yếu sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2021 do Mỹ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh các yếu tố thúc đẩy tiền đồng mạnh hơn đang nổi lên, tỉ giá tiền đồng và USD sẽ biến động trong biên độ hẹp 0,5% trong năm 2021” - VNDirect nhìn nhận.

Tiền đồng đang giữ giá trị rất tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều bất định. Ảnh: TL

Tiền đồng đang giữ giá trị rất tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều bất định. Ảnh: TL

Sẵn sàng can thiệp khi cần thiết

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị trong toàn hệ thống theo dõi sát diễn biến thị trường để chủ động điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Nhiều cái lợi nhưng…

Với sự ổn định của tiền đồng, giới kinh doanh dễ dàng tính toán các bài toán đầu tư, đồng thời đây là kênh dẫn dụ dòng tiền nước ngoài đổ vào Việt Nam.

Theo ông Trần Thanh Hải, với tỉ giá ổn định, tiếp tục tác động đến việc Việt Nam thu hút được thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp nước ngoài. Vì khi nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam và đến khi chuyển lợi nhuận ra mà tỉ giá ổn định thì họ không lo ngại bị ảnh hưởng từ rủi ro tỉ giá.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cũng cho biết hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam rất cao nên tỉ giá rất ổn định. Trong khi đó, đồng tiền Việt lãi suất xuống thấp, các doanh nghiệp không còn sợ rủi ro về tỉ giá. 

Ngoài ra, một trong các vấn đề để hỗ trợ tỉ giá là lượng kiều hối. Trong nửa đầu năm 2020, kiều hối có suy giảm nhẹ vì dịch bệnh nhưng thời gian gần hết năm 2020, lượng kiều hối cũng bắt đầu tăng trở lại sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát. 

“Trong những năm gần đây, tỉ giá đồng Việt Nam so với USD rất ổn định nên người dân nhận kiều hối có xu hướng bán lại cho các tổ chức tín dụng và chuyển sang gửi tiền đồng” - ông Minh nói.

Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho rằng tác động tích cực của tỉ giá mạnh sẽ làm giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài, giảm bớt mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.

Tuy nhiên, việc tiền đồng tăng giá có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam so với Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ trong bối cảnh đồng nội tệ của các quốc gia này đang mất giá. Trong đó nông sản, nguyên liệu thô và hàng hóa chưa qua chế biến của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất. Song tác động tiêu cực trên sẽ không lớn và được bù đắp một phần thông qua việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục tăng giá thời gian qua.

Thặng dư thương mại hỗ trợ tỉ giá

Tỉ giá hiện nay đang được hỗ trợ mạnh bởi thặng dư thương mại. Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế 10 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 229 tỉ USD, trong khi nhập khẩu đạt 210,5 tỉ USD. Việc nhập khẩu suy giảm mạnh hơn xuất khẩu đã giúp cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu lớn, đạt 18,7 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhìn nhận với quyết định nới lỏng định lượng và duy trì lãi suất thấp của Mỹ, khả năng đồng USD sẽ còn suy yếu, ít nhất là đến giữa hoặc hết năm 2021. 

Tuy nhiên, việc giảm giá tiền đồng để tăng lợi ích cho xuất khẩu sẽ khó hiện thực do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 tác động đến thương mại toàn cầu. 

Nguồn: [Link nguồn]

Tiền đồng Việt Nam sẽ mạnh lên so với đồng USD?

Nhiều yếu tố đang thúc đẩy tiền đồng mạnh lên trong thời gian tới và dự báo tỷ giá VND/USD biến động trong biên độ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHƯƠNG MINH ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN