Hàng quán vẫn đông khách nhờ "tung chiêu" giúp khách nhậu đi về an toàn

Kể từ 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực. Tại nhiều nhà hàng quán bia, khách vẫn nhộn nhịp như thường, tuy nhiên với mức xử phạt nghiêm, dân nhậu đã có “nghìn lẻ một” giải pháp khi tham gia giao thông.

Nhà hàng, quán nhậu vẫn tấp nập như thường

Thời điểm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực cũng là lúc kết thúc năm hành chính. Theo văn hóa chung, rất nhiều công ty, tập đoàn tổ chức tất niên, tổng kết năm cho cán bộ công nhân viên tại các nhà hàng, khách sạn do đó những ngày này nhà hàng, quán nhậu vẫn tấp nập như thường.

Dạo qua một số nhà hàng tại Khu đô thị Linh Đàm, Trung Hòa – Nhân Chính, Hoàng Cầu,… sau 5h chiều hầu như hàng nào cũng chật kín người.

Theo quan sát, khu vực để xe trên vỉa hè trước cửa nhà hàng cũng đã kín chỗ để xe, trong đó chủ yếu là xe máy và ô tô.

Ông Trần Văn Sơn, chủ nhà hàng Hồng Hạc quán (đường Linh Đường, KĐT Linh Đàm) cho biết, nhà hàng đã nắm rõ quy định mới này và cũng đã sẵn sàng có các phương án hỗ trợ nếu khách hàng cần, đó là bố trí chỗ giữ xe qua đêm, liên hệ taxi giúp khách, gọi người nhà đến đón hoặc đưa khách về,…

“Khách đến nhà hàng phần lớn là khách quen, nếu có quá chén tôi sẽ chủ động gọi xe công nghệ cho khách. Xe của khách, nhà hàng sẽ nhận trông giúp, không thu phí” – ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, quy định đã có hiệu lực mong rằng mọi người cần nghiêm chỉnh chấp hành. Chuyện phí phạt là một phần, điều quan trọng nếu tuân thủ có nghĩa mỗi người đang tự bảo vệ chính mình.

Dân nhậu và “nghìn lẻ một” giải pháp

Vẫn biết với một số người khi đi cùng tập thể, anh em, uống một vài chén rượu, bia là chuyện không thể tránh được.

Trước đây, một số người cho rằng uống ít sẽ vẫn đủ tỉnh táo để tự lái xe, nhưng hiện nay khi “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” có nghĩa sẽ bị xử phạt. Do đó, trước khi ngồi bàn nhậu, mỗi người tự có giải pháp cho riêng mình.

Có mặt tại buổi liên hoan tổng kết năm của công ty tại một nhà hàng trên KĐT Trung Hòa - Nhân Chính, Anh Ngô Văn Tuấn (quận Thanh Xuân) cho biết, nếu như trước đây, trong mỗi buổi liên hoan cùng công ty anh thường tự lái xe riêng, nhân tiện cho một số anh em đi cùng, thì hôm nay anh đã để ô tô lại công ty, chủ động gọi taxi.

“Mình đi taxi cho chủ động bởi khi đã ngồi vào bàn nhậu với anh em thì khó mà từ chối, chịu khó đi xe dịch vụ vừa an toàn vừa tuân thủ luật giao thông” – anh Tuyên cho biết.

Cùng có mặt trong bàn nhậu hôm nay, anh Nguyễn Mạnh Dũng cho biết anh chọn giải pháp đi xe buýt về nhà.

“Nhà mình gần điểm xe buýt, nhà hàng này cũng đối diện trạm dừng xe buýt. Ngồi vui vẻ với đồng nghiệp xong mình sẽ đi xe buýt về thẳng nhà, rất tiện” – anh Dũng nói thêm.

Chưa hết, mấy ngày gần đây trên một số trang mạng xuất hiện nhiều dòng trạng thái chia sẻ một số cách mà “dân nhậu” rỉ tai nhau, như: “Các ngài đã sắm cho mình một bộ đồ Grab, Be, Go-Viet để đi nhậu xong mặc về chưa” hay “Mua đồ chạy Grab đi nhậu anh em ơi” hoặc “Từ nay, sau khi nhậu tôi sẽ thành một người chạy xe ôm”…

Anh Dương Minh Hiến (Long Biên, Hà Nội) cho biết, lên mạng thấy bạn bè kêu gọi mua áo, mũ xe ôm công nghệ anh cũng thấy thú vị. Anh đang dự tính mua áo khoác và mũ xe ôm để dùng.

“Mình đi nhậu, uống vài chén rồi về. Mặc quần áo xe ôm sẽ đỡ bị để ý hơn. Nhưng nếu bị kiểm tra và xử phạt thì mình cũng vui vẻ chấp hành”, anh Hiến nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, quần áo xe ôm công nghệ được bày bán tràn lan trên mạng. Combo 1 áo khoác Grab, 2 nón Grab đang được bán với giá 265.000 đồng/combo. Combo 1 áo khoác Go-Viet, 2 mũ Go-Viet có giá 320.000 đồng giảm còn 295.000 đồng/combo.

Tuy nhiên, việc mua bán áo, mũ xe ôm công nghệ đang diễn ra không đúng theo quy định, chính sách của các hãng gọi xe. Do đó, đại diện một số hãng xe cũng khẳng định, sẽ tích cực đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lí triệt để tình trạng buôn bán đồng phục và giả mạo đồng phục của hãng.

Xử nghiêm với hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông

Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đã quy định rõ:

Đối với người điều khiển xe đạp

Phạt tiền 80.000-100.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 200.000-300.000 đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 400.000-600.000 đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Đối với xe máy

Phạt tiền 2-3 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).

Phạt tiền 4-5 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng

Phạt tiền 3-5 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).

Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Đối với ô tô

Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).

Phạt tiền 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 30-40 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhà hàng, quán ăn hốt bạc dịp Tết Dương lịch

Năm nay, các nhà hàng, quán ăn lại càng “hốt bạc”, bởi lượng khách hàng đến quá tải.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN