Hàng nghìn lao động mất việc “khốn đốn” lo tiền đón Tết
Thời gian gần đây, hàng nghìn lao động bị mất việc do các doanh nghiệp tái cơ cấu, cắt giảm chi phí hoặc thiếu đơn hàng nên khiến nhiều người lao động gặp khó khăn khi Tết nguyên đán 2023 đã cận kề.
Nỗi lo Tết cận kề
Chị Nguyễn Thị Anh, một công nhân làm việc tại khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM chia sẻ, do công ty không có việc nên thu nhập bị giảm, gia đình chị cả 2 vợ chồng đều làm việc cùng một công ty nên dẫn đến khó khăn hơn người khác khi cả 2 đều bị cắt giảm lương, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của gia đình.
Chị Anh kể, gia đình ở xa, bố mẹ hai bên đều già yếu, nên mong có cái “Tết sum vầy” cùng gia đình, nhưng năm nay chưa biết lấy tiền đâu ra để cả gia đình về quê đón năm mới bởi mỗi lần về quê đón tết cũng phải có vài ba chục triệu đồng mới đủ chi phí.
“Doanh nghiệp gặp khó khăn nên nhiều công nhân như bọn em cũng bị ảnh hưởng lớn, nhưng vì đã làm việc lâu năm ở đây, gia đình định cư ở đây nên rất khó để chuyển đi nơi khác, lo nhất là cái Tết đang đến gần, năm nay không có việc nên sẽ ảnh hưởng đến thu nhập cuối năm” chị Anh nói.
Chị Nguyễn Thị Duyên sinh năm 1979 (Quảng Bình), có 20 năm làm việc trong ngành dệt may ở TP.HCM vừa bị cho thôi việc vì công ty thiếu đơn hàng, nhiều tháng nay công ty không có việc dẫn đến thu nhập hàng tháng bị ảnh hưởng, mỗi tháng chỉ thu nhập được từ 5 đến 7 triệu đồng. Chi phí thuê nhà, cho con học và các sinh hoạt phí khác đã dẫn đến việc chị phải tìm đến các tổ chức cho vay tài chính trả góp.
Nhiều lao động tại các khu công nghiệp gặp khó khăn khi Tết nguyên đán 2023 đang đến gần
Chị Duyên cho biết, chị vay một gói 19 triệu đồng mỗi tháng trả góp 2,2 triệu đồng trong vòng 10 tháng để trang trải các sinh hoạt phí trước mắt, nhưng hết tháng 11 vừa qua công ty đã có quyết định cho thôi việc nên cuộc sống càng thêm khó khăn bộn bề hơn.
Vậy nên, chị đành phải cầu cứu viện trợ từ gia đình và người thân. Cái Tết cận kề bao nhiều thứ cần phải chi tiêu, các con đi học không thể bỏ về quê được, nên chị vẫn phải bám trụ lại thành phố này.
“Không còn cách nào khác nên đành phải đi làm giúp việc theo giờ, mỗi giờ được 100.000 đồng, đồng thời cũng làm hồ sơ đi tìm việc mới, nhưng ở độ tuổi ngoài 40 như tôi thì rất khó để được nhận vào làm”, chị Duyên nói.
Tương tự, anh Nguyễn Trung Danh sinh năm 1985 (quê Nghệ An), một công nhân làm việc tại một nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử ở Đồng Nai, cũng vừa phải nghỉ làm vì công ty không có việc, dẫn đến thu nhập sụt giảm, mỗi tháng chỉ nhận được một khoản trợ cấp nho nhỏ. Cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, anh đã phải chạy xe ôm để kiếm thêm nhằm trang trải cuộc sống.
Mới đây, công ty đã thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, không còn cách nào khác, anh Danh đành phải làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, gia đình có 3 đứa con nhỏ đang đi học nên cũng không thể về quê được, anh đành phải bám trụ lại đây, tiếp tục chạy xe ôm mỗi ngày cũng chỉ kiếm được vài ba trăm ngàn.
Anh Danh nói: “Trước đây công việc nhiều, làm tăng ca mỗi tháng thu nhập cũng tầm 16 đến 18 triệu nhưng thời gian qua chỉ được hỗ trợ mỗi tháng 3 triệu đồng, nên gia đình rơi vào cảnh khó khăn về kinh tế. Tết nguyên đán 2023 cũng đã sắp đến, gia đình tôi chưa biết lấy tiền đâu để trang trải, nên năm nay quyết định sẽ ở lại, không về quê đón Tết. Vì lấy đâu ra tiền để cả nhà cùng về”.
Hàng nghìn lao động mất việc
Giới chuyên gia cho rằng, công nhân mất việc, thất nghiệp, giảm giờ làm đang là vấn đề “nóng”. Vấn đề này không mới nhưng đã và đang gây quan ngại rất lớn trong cộng đồng người lao động nhất là ở các khu công nghiệp, các tỉnh phía Nam. Rất nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công lao động do bị thu hẹp đơn hàng, nhất là trong các lĩnh vực da giày, dệt may và một số lĩnh vực khác. Điều này cũng tạo ra áp lực về an sinh xã hội rất lớn cho cá nhân cũng như cộng đồng trong xã hội.
Vậy nên, cần phải có những giải pháp kịp thời giúp người lao động ổn định lại cuộc sống, các doanh nghiệp vùng miền khác có điều kiện thu hút lao động để phân phối lại, tái cơ cấu người lao động cho phù hợp hơn.
Thống kê mới đây của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, trong năm 2022, có 1.235 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất. Thống kê tại 44 tỉnh, thành phố, có khoảng 472.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giảm việc làm, mất việc. Đặc biệt, có hơn 30.270 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và 9.441 lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ảnh hưởng. Trong đó nhiều nhất là công nhân các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử…
Cụ thể, tại TP.HCM, từ ngày 1/12, Công ty TNHH Tỷ Hùng thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 lao động; Công ty TNHH Việt Nam Samho hoạt động trong lĩnh vực da giày cũng dự kiến cắt giảm 1.400 lao động từ tháng này.
Mới nhất, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã thông báo cho 20.000 người thuộc khối sự nghiệp nghỉ việc luân phiên trong 3 tháng. Tại Đồng Nai, có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng trong 5 tháng vừa qua. Công ty TNHH Gỗ Lee Fu đã cắt giảm hơn 1.000 người; Công ty TNHH Timber tạm hoãn hợp đồng với 853 lao động…
Theo dự báo, trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023 sẽ có trên 271.000 lao động tại 667 doanh nghiệp bị giảm giờ làm; trên 15.000 lao động nằm trong kế hoạch cắt giảm của 88 doanh nghiệp.
Cùng với đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đơn hàng tiếp tục bị cắt giảm đến quý I năm 2023, thậm chí là quý 2/2023, nhiều lao động sẽ bị thiếu hay mất việc làm.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều bà nội trợ thở dài vì phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu; một số người khác thì thay đổi thực đơn đơn giản hơn nhưng không biết có "bảo toàn"...