Giá vàng biến động như tàu lượn: Những pha đu đỉnh và loạt cú "chốt hạ" tiền tỷ gây choáng
Những ngày qua, giá vàng trong nước liên tục “lượn sóng”, khiến cho giới đầu tư cũng như những người nắm giữ vàng đứng ngồi không yên.
Có những người bán hoan hỷ, chốt lời hàng tỷ đồng nhưng cũng có những người thẫn thờ khi chứng kiến giá vàng nhảy vọt từng giờ, vì trót vay vàng trước đó.
Vàng tăng sốc - “kẻ khóc người cười”
Do giá vàng tăng liên tiếp phá đỉnh, tại các cửa hàng vàng lớn những ngày qua, lượng khách đến giao dịch tăng đột biến. Thậm chí, tại nhiều cửa hàng, khách xếp thành các hàng dài từ sáng sớm.
“Mua 24 lượng vàng tích trữ, sau 4 năm tôi lời 815 triệu đồng” - Ông Hùng trú tại Phúc Tân (Hoàn Kiếm)
Ông Hùng (Hoàn Kiếm – Hà Nội) một khách hàng ngồi trước quầy vàng trên phố Trần Nhân Tông cho biết, ông vừa bán 24 lượng vàng SJC với giá 70,8 triệu đồng/lượng được gần 1,7 tỷ đồng.
“Toàn bộ số vàng này tôi mua từ năm 2018 với giá 36,8 triệu đồng/lượng. Giờ giá vàng lên cao nên tôi mang bán và gửi tiết kiệm, cuối năm cho con gái mua nhà”, ông Hùng nói.
Theo tính toán, chỉ sau 4 năm, ông Hùng mang về số lãi 815 triệu đồng nhờ mua vàng tích trữ.
Tương tự, anh Tuấn Việt (quận 9, TP.HCM) cho biết, thấy giá vàng SJC liên tục tăng nên vợ chồng anh quyết định bán chốt lời năm lượng vàng. So với mức giá mua vào 55 triệu đồng/lượng hồi tháng 3-2021, sau khi bán năm lượng vàng thời điểm này, anh chị kiếm lời được tới 77 triệu đồng.
Ngược lại, cũng có không ít người khóc dở mếu dở do giá vàng tăng sốc. Chị Huyền Trang (quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ: Tháng 4-2020, chị cần tiền gấp nên vay mượn ba lượng vàng, trong đó có hai lượng vàng SJC và một lượng vàng nhẫn. Lúc đó, các tiệm vàng niêm yết giá mua loại vàng SJC ở mức 47 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn là 44 triệu đồng/lượng.
“Mấy lần thấy vàng SJC leo lên mức 60 triệu đồng/lượng, tôi đợi giảm chút để mua dần trả nợ. Nhưng càng chờ giá vàng càng tăng, giờ thì đã lên tới 73-74 triệu đồng/lượng. Như vậy, chưa đầy hai năm, tiền gốc khoản vay (ba lượng vàng) từ mức 138 triệu đồng giờ đây bị đẩy lên tới hơn 200 triệu đồng. Khi đang cần tiền nên được ai đồng ý cho vay là mừng, chứ đâu nghĩ vay vàng có ngày rủi ro tới mức này” - chị Trang than thở.
Anh Đức (Ninh Bình), người từng mua 3 lượng vàng SJC giữa lúc vàng lên 74,4 triệu đồng/lượng chia sẻ, thấy giá vàng thế giới tăng mạnh, chưa có dấu hiệu dừng lại nên anh bỏ tiền ra đầu tư lướt sóng, ai ngờ chỉ sau 1 ngày, anh lỗ ngay 20,7 triệu đồng.
“Tự dưng “nhà vàng” đẩy giá tăng vùn vụt khiến nhiều người ngỡ rằng sẽ phi thẳng lên đến mức 79-80 triệu đồng/lượng, rồi đùng một cái họ lại điều chỉnh giảm sốc khiến tôi trở tay không kịp”, anh Đức nói.
Chi ra số tiền 294,6 triệu đồng để mua 4 lượng vàng SJC với giá 73,65 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch chiều 8/3, ông Hùng (Hoàng Mai, Hà Nội) thừa nhận nếu chỉ xuống tiền chậm một hai ngày ông có thể tiết kiệm gần 30 triệu đồng khi có thời điểm giá vàng lao dốc xuống chỉ còn 67,5 triệu đồng/lượng.
Chia sẻ về lý do xuống tiền mua vàng giữa lúc giá lên đỉnh, người đàn ông này cho biết: “Tôi có tuổi, mắt mũi kém, nếu gửi tiết kiệm thì giấy tờ thủ tục nhiều khi không quen mà có 300 triệu thì chưa đủ tiền để mua đất. Vì thế, tôi cứ gom được ít nào lại mua vàng cất đi ít đó”.
“Chùn tay với món quà cưới vì vàng tăng sốc, nhưng dù giá vàng lên cao hơn tôi vẫn mua” - Thục Anh (30 tuổi, Bắc Ninh)
Chị Thục Anh (30 tuổi, Bắc Ninh) thì tâm sự, chị hứa tặng 1 cây vàng SJC (tương đương 1 lượng - PV) tại lễ cưới của bạn thân. Ban đầu, lễ cưới dự kiến diễn ra trước Tết, tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên lễ cưới buộc phải hoãn đến giữa tháng ba này.
Nhiều ngày gần đây, chị Thục Anh đứng ngồi không yên khi giá vàng SJC tăng cả triệu đồng mỗi ngày. Từ mức giá 60 triệu/lượng trước Tết, giá vàng SJC hiện đã chạm mốc 74,4 triệu đồng/lượng vào sáng ngày 8/3.
“Tôi đang theo dõi giá vàng, dù giá vàng lên cao hơn tôi vẫn mua. Cuối tuần được nghỉ tôi sẽ đi mua, hy vọng giá vàng lúc đó sẽ dễ thở hơn”, chị chia sẻ.
Trong số hàng trăm người xếp hàng đổ xô đi bán, anh Tôn – một nhà đầu tư tại Long Biên (Hà Nội) lại mang tiền đi mua vàng. Theo anh Tôn, giá vàng còn có thể lên tới 80 triệu đồng/lượng.
“Đa phần mọi người mua vàng theo cảm xúc. Khi vàng 59-60 thì cũng kêu đắt, đến khi 65-70 cũng kêu đắt quá không mua, nhưng nếu tính theo chu kỳ tăng – giảm thì tôi chắc chắn giá vàng có thể lên tới 80 triệu đồng/lượng”, anh Tôn nói.
“Bước nhảy” chóng mặt
Trong một tuần trở lại đây, giá vàng như “tàu lượn”, đỉnh điểm phải kể đến là phiên giao dịch ngày 7 và 8/3, khi các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trong nước liên tục điều chỉnh giá vàng với những “bước nhảy” giá rất cao, kéo giá vàng miếng SJC trong nước lên mức kỷ lục 74,4 triệu đồng/lượng tương đương mức tăng hơn 5 triệu đồng/lượng so với giá ngày 6/3, đây cũng là mức giá đắt nhất mọi thời đại.
Khi giá vàng ở mức đỉnh, nếu so với một tuần trước, giá vàng miếng SJC đã cao hơn 7,55 triệu đồng, tương đương mức tăng ròng 11,4%.
Tính chung, so với hai tuần trước, mỗi lượng vàng miếng SJC thời điểm này đã tăng hơn 10 triệu đồng. Đây cũng là mức tăng cao chưa từng có trong lịch sử của giá vàng trong nước chỉ trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên trước áp lực chốt lời của người dân, giá vàng sau đó lại lao dốc về mốc 65,5 – 67,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tương đương “bốc hơi” gần 7 triệu đồng/lượng ở mức giá đỉnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/3, giá vàng SJC được các đơn vị kinh doanh niêm yết ở mức giá 68 - 70,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), vẫn giảm gần 4 triệu đồng/lượng so với mức giá đỉnh sáng ngày 8/3. Mặc dù vậy, mức giá này cũng cao hơn khá nhiều so với phiên giao dịch đầu tuần.
Đẩy rủi ro cho khách hàng?
Giá vàng liên tục xô đổ mọi kỷ lục khiến thị trường có thời điểm diễn ra khá sôi động, chủ yếu là bán chốt lời. Đáng chú ý, trong bối cảnh giá vàng miếng SJC biến động bất thường, các cơ sở kinh doanh vàng nới rộng khoảng cách giữa giá mua và giá bán lên mức rất cao.
Chẳng hạn ngày 8-3, Công ty Kinh doanh vàng SJC nới rộng chênh lệch giá mua - bán lên 1,6 triệu đồng/lượng, còn hai công ty Vàng bạc đá quý DOJI và PNJ cùng giữ mức chênh lệch 2,2 triệu đồng/lượng. Thậm chí có thời điểm các đơn vị kinh doanh vàng đẩy mức chênh lệch mua - bán lên tới gần 3 triệu đồng/lượng.
Trong phiên giao dịch ngày 11/3, chênh lệch giữa chiều mua và bán được các nhà vàng duy trì từ 1,8 - 2 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa các đơn vị kinh doanh vàng mua vào rẻ, bán ra rất đắt và tiếp tục đẩy mọi rủi ro về phía khách hàng.
Về biên độ chênh lệch mua – bán cao của giá vàng SJC trong nước những ngày qua, ông Huỳnh Trung Khánh - cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng đây cũng là cách các đơn vị kinh doanh đề phòng những rủi ro khi giá vàng biến động mạnh.
Theo ông Khánh, để bán vàng với giá 73 triệu đồng/lượng thì các đơn vị kinh doanh đã phải mua vào giá 71, bán 74 thì mua vào 72 triệu đồng/lượng. Do vàng SJC đã là đồ quý hiếm nên các đơn vị kinh doanh phải gom được mới có thể bán ra cho khách có nhu cầu mua. Giá vàng biến động bất thường, nhà vàng phải nới rộng biên độ giữa mua và bán để tránh bị lỗ. Do đó, các nhà đầu tư cũng phải cân nhắc khi xuống tiền ở những thời điểm giá vàng nhạy cảm.
Vàng trong nước đắt hơn thế giới bao nhiêu?
Không chỉ đẩy mức chênh lệch giữa giá mua - bán lên mức rất cao, các cửa hàng kinh doanh vàng còn đẩy giá vàng SJC lên mức cao hiếm thấy. Đơn cử ngày 8-3, giá vàng thế giới chạm ngưỡng 2.025 USD/ounce rồi giảm về quanh mức 1.988 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương khoảng 55 triệu đồng/lượng.
Thế nhưng giá vàng SJC thoát ly ngày càng xa giá thế giới khi có thời điểm đắt hơn thế giới tới gần 20 triệu đồng/lượng. Điều này có nghĩa là nếu khách hàng mua một lượng vàng SJC vào thời điểm trên sẽ chịu thiệt ngay 20 triệu đồng nếu so với người tiêu dùng ở các nước. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/3, giá vàng SJC và giá vàng thế giới vẫn duy trì khoảng cách chênh lệch gần 14 triệu đồng/lượng.
Sự lệch pha của giá vàng trong nước với thế giới lâu nay đã luôn khiến giới chuyên gia cũng như nhà đầu tư bất bình. Nhiều người cho rằng, việc quyết định giá vàng tăng hay giảm hoàn toàn nằm trong tay của những doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Bởi khi có lực mua nhiều thì họ sẽ tăng giá bán lên cao. Còn khi có nhiều người bán ra thì ngay lập tức giá vàng sẽ quay đầu giảm, thậm chí chênh lệch biên độ mua bán cũng do chính các doanh nghiệp tự quyết định, họ có thể kéo giãn hoặc thu hẹp biên độ mỗi khi có biến động lớn để tránh rủi ro.
Không những vậy, sự lệch pha của giá vàng còn khiến không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi “liệu có hay không chuyện thị trường vàng trong nước đang bị thao túng giá?”. Bởi khi giá trong nước cao hơn giá thế giới hơn 30% nhưng vẫn có lực mua.
Trước bối cảnh này, chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho rằng giá vàng thế giới tăng giảm theo diễn biến địa chính trị tại Nga và Ukraine. Thực tế quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thì giá vàng thế giới chỉ dao động 54-55 triệu đồng/lượng nhưng mỗi bước tăng của giá vàng thế giới đều là cái cớ để vàng miếng SJC trong nước tăng rất sốc.
“Tôi nhận thấy không có lý do gì giải thích việc giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới gần 20 triệu đồng/lượng ngoài tính độc quyền của loại vàng miếng này. Cụ thể hơn, tỉ giá tiền đồng Việt Nam với USD vẫn ổn định, các chỉ số kinh tế vĩ mô khá tốt, chứng khoán vẫn thu hút được dòng vốn nhà đầu tư cá nhân. Vì vậy đây không phải thời điểm tốt để người dân, nhà đầu tư mua vàng SJC với số lượng lớn do nó thoát ly thị trường vàng quốc tế” - ông Phương phân tích.
Các chuyên gia cũng cho rằng đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc làm rõ lý do vì sao giá vàng SJC ngày càng cao bất thường so với thế giới và giá mua vào rẻ trong khi bán ra quá đắt. Từ đó để thị trường vàng vận hành đúng quy luật cung - cầu, tạo lập thị trường vàng lành mạnh. Bởi nếu cứ “làm ngơ” trước tình trạng bất thường như hiện nay thì chỉ mang lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh vàng nhưng gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Giá vàng như tàu lượn, nhà đầu tư có nên xuống tiền?
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia (thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia) đưa ra cảnh báo, tại thời điểm này, người dân đầu tư vàng sẽ rất rủi ro. Hiện nay, giá vàng tăng 40% so với trước đại dịch.
“Quan sát biến động của thị trường vàng trong 50 năm gần đây cho thấy, sau mỗi chu kỳ tăng ngắn hạn thì lại giảm 10-20%. Vàng vừa trải qua chu kỳ tăng ngắn hạn nên sắp tới nguy cơ giảm, người dân đầu tư vào vàng sẽ gặp rủi ro thua lỗ”, ông Khang cảnh báo.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, các nhà đầu tư không nên "lướt sóng" vàng lúc này, vì rủi ro rất cao, có ngày giá vàng lên cao, nhưng có ngày lại xuống thấp.
“Nhà đầu tư không nên nhảy vào cuộc chơi giá vàng lúc này, vì biến động mạnh sẽ dễ thua lỗ, nhất là những nhà đầu tư mua đi bán lại để hưởng lời sẽ rất dễ trở tay không kịp”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên.
Cùng quan điểm, ông Lâm Minh Chánh, sáng lập và Chủ tịch Học viện Kinh doanh & Tài chính BizUni nhận định vàng vẫn có khuynh hướng tăng. Nhưng tăng đến bao nhiêu, rồi ngừng, hay giảm thì khó ai đoán được. Theo ông Chánh, nếu chiến tranh Nga - Ukraine còn kéo dài, cộng thêm tính lo xa của người Việt thì giá vàng Việt Nam sẽ khó xuống.
Tuy nhiên, ông Chánh tư vấn người dân chỉ nên giữ vàng từ 10 đến 20% tài sản vì có thực tế là tỷ suất lợi nhuận vàng không cao. Ông cũng cho rằng nhà đầu tư không nên lướt sóng vàng vì rủi ro rất cao “giá vàng như có mắt, nó sẽ lên xuống ngược với suy nghĩ chúng ta”.