Dùng "tiểu xảo" lách thuế: Nhiều doanh nghiệp bị xử phạt nặng
Lợi dụng sự thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp (DN) dùng “tiểu xảo” khai sai mã số thuế để trốn thuế. Tuy nhiên, thông qua quản lý rủi ro, hậu kiểm, Hải quan đã truy thu nhiều tỷ đồng tiền thuế, xử phạt hành chính, thậm chí khởi tố điều tra một số doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kê khai thủ tục hải quan tại cảng Hải Phòng khu vực I ảnh: Minh châu
Theo Tổng cục Hải quan, lợi dụng sự thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, thời gian qua vẫn có nhiều DN dùng “tiểu xảo” khai sai mã số thuế để trốn thuế. Để ngăn chặn gian lận thương mại, toàn ngành Hải quan đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan. Mới nhất, ngày 3/9, Cục Hải quan TPHCM công bố kết luận thanh tra tại Cty TNHH máy công cụ Liên Minh (Cty Liên Minh, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM).
Theo kết luận, từ 1/1/2014 đến 31/12/2018, DN trên đã thực hiện đăng ký và khai báo 530 lô hàng nhập khẩu (NK). Công ty này là nhà phân phối các mặt hàng dầu bôi trơn làm mát dùng trong phạm vi gia công cơ khí, cắt gọt kim loại có thương hiệu Blaser Swisslube (S) PTE LTD.
Mặt hàng NK của Công ty Liên Minh chủ yếu có xuất xứ từ Thụy Sĩ, các nước thuộc Đức, Áo, Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan…Qua kiểm tra, Hải quan phát hiện có 8 mặt hàng khai báo “dầu bôi trơn, dầu cắt gọt” mã số 3403.11.11 và 2710.19.43 có thuế suất thuế NK là 5%, thuế GTGT là 10%. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định hiện hành, Hải quan xác định mã số phù hợp của các mặt hàng nói trên là 34.03.19.19 và 34.03.99.19 có mức thuế suất thuế NK tương ứng là 18% và 20%.
Việc thay đổi mã số, thuế suất của các mặt hàng dẫn tới chênh lệch thuế tăng hơn 2,6 tỷ đồng. Căn cứ vào tài liệu hồ sơ các bên, Cục Hải quan TPHCM kết luận: Cty Liên Minh khai báo không đầy đủ tên hàng, khai sai mã số hàng hóa, thuế suất thuế NK, trị giá tính thuế dẫn đến tổng số thuế chênh lệch phải nộp là hơn 2,6 tỷ đồng. Cục Hải quan TPHCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, truy thu số thuế trên.
Đầu tháng 8/2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TPHCM) cũng ban hành quyết định xử phạt Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trần Linh gần 256 triệu đồng về hành vi khai sai mã số thuế dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.
Tại Cục Hải quan Bình Dương, từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra sau thông quan, đơn vị này đã truy thu thuế, xử phạt hành chính và phạt nộp chậm hơn 6,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho rằng, tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu sẽ ngày càng diễn biến phức tạp trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như lợi dụng sự thông thoáng trong việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam.
Do đó, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị tăng cường thu thập, phân tích thông tin, rà soát (trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro) các DN trọng điểm, địa bàn trọng điểm, các lô hàng có dấu hiệu rủi ro cao để thực hiện kiểm tra sau thông quan, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Nhiều công ty làm ăn với Asanzo biến mất bất thường Ngày 5/9, Tổng cục Hải quan cho biết đã tham mưu Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ảnh liên quan đến Cty CP Tập đoàn Asanzo. Xác minh cho thấy, từ 1/1/2017 đến 30/6/2019, Cty CP Tập đoàn Asanzo có quan hệ mua linh kiện, hàng hóa với 58 công ty trong đó có 9 công ty mang tên “Asanzo”. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các công ty trên đã bỏ trốn, hoặc không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh, ngừng hoạt động. Qua điều tra, xác minh, Tổng cục Hải quan đã đề nghị cơ quan điều tra khởi tố vụ án “buôn lậu” về việc Cty Sa Huỳnh khai nhập khẩu hàng hóa là linh kiện dùng để lắp ráp lò nướng thủy tinh nhưng khi kiểm tra phát hiện toàn bộ hàng hóa bên trong container là 1.300 bộ lò nướng thủy tinh nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo có cả phiếu bảo hành in sẵn bằng tiếng Việt: “Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Kiểm tra hoạt động XNK của Cty CP Tập đoàn Asanzo, Hải quan nhận thấy, từ 20/10/2016 đến 30/6/2019, Asanzo làm thủ tục hải quan nhập khẩu 26 tờ khai, tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 171 triệu đồng; mặt hàng nhập khẩu để làm hàng mẫu (không thanh toán) gồm bảng mạch điện tử lắp ráp ti vi, cáp tín hiệu, logo bằng kim loại, tấm LCD mẫu, bo mạch điện tử xử lý tín hiệu ti vi;…Trên tờ khai hải quan khai hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc. Đáng chú ý, công ty không phát sinh hoạt động bán hàng hóa ra nước ngoài mà chỉ phát sinh 1 tờ khai hải quan xuất trả “bộ đầu thu khuyếch đại âm thanh nhãn hiệu Asanzo” cho đối tác tại Hồng Kông, Trung Quốc, số lượng 5 chiếc, trị giá 5.825.000 đồng. |
Theo nhận định của giới luật sư và chuyên gia, việc khách hàng chấp nhận trả tiền giá chênh ngoài hợp đồng mua bán nhà...