Đua nhau trả mặt bằng vì thua lỗ
Thu không đủ chi, nhiều tháng phải bỏ tiền trả lương nhân viên, thuê mặt bằng, nhiều chủ kinh doanh ở Hà Nội phải đóng cửa nhằm cắt lỗ.
Mặt bằng tầng 1 tại khu chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) trống vì không có khách hỏi thuê
Sau một thời gian thuê mặt bằng 60m2 ở tầng 1 tòa nhà chung cư Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) mở quán ăn, anh Nguyễn Tuấn (chủ nhà hàng ăn uống) phải đóng cửa, trả mặt bằng khi hết hạn hợp đồng. Mức giá thuê hiện nay là 45 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm phí dịch vụ và điện nước. Tính cả lương nhân viên và chi phí hoạt động, tổng chi phí hàng tháng của cửa hàng lên tới hơn 50 triệu đồng.
Tuy thuê ở tầng 1 tòa nhà chung cư với hàng nghìn hộ dân nhưng ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài từ đầu năm đến nay khiến tình hình kinh doanh của quán ngày càng sa sút. Doanh thu hàng tháng chỉ đủ chi phí, thậm chí những tháng đầu anh phải bù lỗ. Anh Tuấn phải xoay chuyển đủ mọi cách để kinh doanh, từ bán thêm đồ ăn vặt, bán thêm lẩu nhưng ước tính vẫn không thể trụ nổi trong thời gian 1 năm.
Chị Nguyễn Hoa (thuê nhà 5 tầng tại khu Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng vừa trả lại mặt bằng do kinh doanh kém. “Mình ở quê Cao Bằng cùng cả gia đình con cái xuống Hà Nội thuê nhà kinh doanh. Mỗi tháng, chi phí tiền nhà, điện nước lên tới 25 triệu đồng nhưng doanh thu không đủ chi. Năm nay do dịch COVID-19 nên kinh tế khó khăn, thú chơi lan của nhiều người cũng giảm nên mình buôn bán ế ẩm. Mình chấp nhận mất 2 tháng tiền nhà vì phá hợp đồng thuê để rút vốn về quê”, chị Hoa kể.
Nói về tương lai khi về quê, chị Hoa cho biết, vẫn tiếp tục trồng những giống lan quý vì đã theo nghề này lâu đời. “Đợi một vài năm sau khi kinh tế ổn định, người dân xuống tiền chơi lan tôi sẽ tiếp tục quay lại Hà Nội”, chị Hoa nói.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, tại nhiều tuyến phố lớn ở Hà Nội, nhất là phố cổ, dù Việt Nam kiểm soát COVID-19 và đã qua giãn cách xã hội đến nửa năm nhưng nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa, các cửa hiệu căng băng rôn cho thuê mặt bằng. Giá cho thuê hiện nay giảm 20-30% so với năm ngoái nhưng vẫn không có khách thuê.
Làn sóng chưa dừng lại
Kết quả nghiên cứu thị trường cho thấy, quý III/2020, làn sóng thu hẹp diện tích hoặc trả mặt bằng để cắt giảm chi phí của các đơn vị kinh doanh F&B (ẩm thực) vẫn tiếp diễn. Báo cáo khảo sát diễn biến thị trường mặt bằng bán lẻ của Savills Việt Nam cho biết, trong quý III/2020, nhiều khách thuê thuộc ngành hàng F&B và thời trang tại các trung tâm mua sắm có động thái trả mặt bằng hoặc giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí. Nguyên nhân dẫn đến làn sóng này là tình hình kinh doanh của một số ngành dịch vụ, đặc biệt là ẩm thực vẫn tiếp tục ảm đạm do tác động của đại dịch COVID-19.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam nhận định, tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra trong một thời gian nữa.
Báo cáo của CBRE về thị trường bán lẻ quý III/2020 cho biết, về nguồn cung, thị trường bán lẻ Hà Nội không có dự án mới nào ra mắt trong 9 tháng đầu năm. Thị trường cũng chứng kiến sự biến động về giá chào thuê và tỷ lệ trống do ảnh hưởng của dịch bệnh. Giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng 1 của khu trung tâm giảm 0,13% theo quý. Các trung tâm mua sắm có tỷ lệ trống cao nhất trong tám năm qua.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỗi ngày chỉ bán cháo dinh dưỡng vài tiếng, chị Thu (Tiên Lữ, Hưng Yên) thu về cả triệu đồng tiền lãi.